"Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những lời căn dặn của Người với toàn Đảng, toàn dân và thế hệ trẻ những điều quan trọng cần phải làm vì sự nghiệp cách mạng. Trong đó có tư tưởng chăm lo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ vẫn giữ nguyên giá trị to lớn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò to lớn của thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng, luôn tin tưởng và nhìn nhận họ theo quan điểm phát triển. Đó là đội ngũ kế cận và tiếp tục phát triển sự nghiệp cách mạng của những thế hệ đi trước. Trong “Di chúc”, Người nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân luôn ghi nhớ “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[1].
1. Chăm lo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ là việc làm cần thiết
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ kế thừa tinh hoa trong quan điểm về con người, giáo dục của dân tộc và nhân loại, đặc biệt sự kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác – Lênin cho Người thấy rằng cách mạng muốn thành công, trước hết phải tập hợp lực lượng cách mạng, muốn thức tỉnh dân tộc đi theo con đường cách mạng thì trước hết phải giác ngộ cách mạng cho thế hệ trẻ, từ đó thức tỉnh dân tộc.
Khi đề cập đến tính chất phức tạp của những nhiệm vụ cách mạng, cụ thể là vấn đề chính quyền, V.I.Lênin khẳng định: “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó khăn phức tạp hơn nhiều” và “một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”[2]. Làm tốt công tác hiện tại và dự phòng cho tương lai là một trong những cách tự vệ tốt nhất. Bàn về vấn đề này, ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Người khẳng định: “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”[3]. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được trong chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng mục đích của chủ nghĩa xã hội là: “không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”[4]. Tuy nhiên, “tiến lên chủ nghĩa xã hội không phải ngay tức khắc mà có”[5], mà là kết quả của cuộc đấu tranh bền bỉ. Những lập luận này cho thấy, đấu tranh cách mạng là quá trình lâu dài, đòi hỏi hi sinh, chung tay của nhiều thế hệ. Do đó, nếu thiếu lực lượng kế cận xứng đáng thì không những sự nghiệp cách mạng sẽ gặp khó khăn, mà ngay cả những gì đã có cũng khó được gìn giữ. Dó đó chăm lo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ là việc làm cần thiết, thể hiện sự vĩ đại trong tầm nhìn của Bác.
Bác luôn đánh giá cao thế hệ trẻ. Người thấy rằng “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[6]. Bởi thế mạnh của tuổi trẻ là sức sống lớn và năng lực sáng tạo nên có thể trở thành lực lượng to lớn, vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Đồng thời, thế hệ trẻ cũng “là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già,... là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”[7].
Đồng thời, Bác đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ. Nhân ngày khai trường của năm học đầu tiên dưới chế độ mới, Bác đã gửi thư động viên học sinh cả nước: “.... Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[8].
Từ những phân tích trên, có thể khẳng định, việc chăm lo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ là việc làm cần thiết.
2. Chăm lo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần xây dựng nội dung, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng phù hợp
Về nội dung: Bác quan niệm, muốn đảm đương được trọng trách kế tục sự nghiệp cách mạng của cha ông, thế hệ trẻ cần được giáo dục toàn diện và thường xuyên, bao gồm cả đức, trí, thể, mỹ, nhưng phải đặt đạo đức, lý tưởng, tình cảm cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu.
Một là, bồi dưỡng đạo đức cách mạng. Theo Người, trong việc chăm lo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, xây dựng đạo đức cách mạng là nội dung quan trọng hàng đầu. “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[9]. Nội dung cốt lõi nhất của đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ, đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Nhưng đạo đức cách mạng không phải sinh ra đã có mà là kết quả của sự đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày của mỗi người. Bác luôn nhắc nhở thanh niên trung với nước, hiếu với dân là như thế nào, đồng thời phải luôn luôn hiếu thảo, kính trọng ông bà, cha mẹ, thương yêu mọi người trong gia đình. Giáo dục cho thanh niên biết thương dân, yêu nước, thương nhân loại bị áp bức, bóc lột thì phải chăm lo bảo vệ lợi ích của nhân dân, dám đấu tranh chống những sách nhiễu dân, không kiêu ngạo; tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân... để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Hai là, bồi dưỡng tri thức. Theo Bác, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”[10]. Dó đó, Người đề cao việc bồi dưỡng tri thức cho đồng bào cả nước nói chung và thế hệ trẻ nói riêng, bao gồm cả tri thức lý luận, khoa học - kỹ thuật, văn hoá. Ngay sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ đã đề nghị một trong những công việc khẩn cấp lúc bấy giờ là diệt giặc dốt, xóa nạn mù chữ. Cùng với việc học tập lý luận cách mạng, các thế hệ trẻ còn phải tích cực học tập văn hóa, khoa học - kỹ thuật...; sử dụng những tri thức đó để xây dựng xã hội mới. Bác cho rằng, nghiên cứu, học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm trang bị và nâng cao trình độ lý luận cách mạng - ngọn đèn pha soi sáng cho hoạt động thực tiễn. Có như vậy, thế hệ trẻ mới tích lũy được những tri thức cần thiết, tạo tiền đề phát huy năng lực sáng tạo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội của dân tộc.
Ba là, bồi dưỡng thể chất. Theo Người, việc giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, thực hiện đời sống mới... tất thảy đều có sức khỏe mới thành công. Bởi 'Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe'[11]. Đối với thế hệ trẻ, Bác luôn mong muốn họ phải có sức sống dẻo dai, thể chất cường tráng, tinh thần mạnh mẽ và nghị lực lớn. Để có được thể chất như vậy, cách duy nhất là tích rèn luyện thể dục, thể thao.
Về phương pháp: Bác chỉ rõ, phương pháp để chăm lo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ trước hết phải xuất phát từ những đặc điểm của chính họ. Thế hệ trẻ là lớp người ham khám phá, nhạy bén với cái mới, giàu tính sáng tạo, không ngại khó khăn. Nhưng họ hạn chế là dễ bị tác động, vấp ngã, nản lòng nên Người đề ra biện pháp để chăm lo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ như sau:
Thứ nhất, giáo dục thế hệ trẻ phải gắn với các phong trào cách mạng, rèn luyện thanh niên trong thực tiễn đấu tranh cách mạng. Nguyên tắc này bắt nguồn từ mục tiêu giáo dục là đào tạo những chiến sĩ kế thừa sự nghiệp cách mạng chứ không phải “đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu”[12].
Thứ hai, xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo của các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt. Lớp người đi trước là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Người chỉ rõ: “Cần lấy ngay những gương tốt đó của các cháu và những gương người tốt, việc tốt trong nhân dân để giáo dục các cháu. Không nên nói lý luận suông”[13].
Thứ ba, chú trọng nguyên tắc đào tạo gắn với bồi dưỡng, tin tưởng giao việc, tạo điều kiện để thế hệ trẻ được trải nghiệm, phấn đấu và trưởng thành; xây dựng nguồn cán bộ trẻ, đảm bảo quy hoạch cho trước mắt và lâu dài. Bác căn dặn: “Cán bộ trẻ tuy chưa có một số ưu điểm như cán bộ già, nhưng họ lại hăng hái, nhạy cảm với cái mới, chịu khó học tập, cho nên tiến bộ rất nhanh... Không nên coi thường cán bộ trẻ”.
Thứ tư, bản thân thanh niên phải ra sức học tập, tu dưỡng mọi nơi, mọi lúc và suốt đời. Tự giáo dục thể hiện trình độ làm chủ bản thân, khả năng kiềm chế và tự điều chỉnh của mỗi người trong cuộc sống. Người cũng từng dặn dò thanh niên: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà”.
Thứ năm, việc đào tạo thế hệ trẻ là việc chung của toàn xã hội nhưng Đảng và Nhà nước phải hết sức quan tâm, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình với các cơ sở giáo dục và toàn xã hội.
Thực hiện lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Vì vậy, các thế hệ trẻ của nước ta đã trưởng thành và đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ nước nhà. Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, họ đã và đang ra sức rèn luyện và tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh trên mọi phương diện. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, khi mà các thế lực thù địch bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt lợi dụng mạng xã hội, các hoạt động văn hóa, thể thao, âm nhạc, điện ảnh…để chống phá nước ta. Đối tượng mà chúng nhằm đến là thế hệ trẻ vì họ dễ bị hấp dẫn bởi cái mới; chưa thực sự trưởng thành về nhận thức, bản lĩnh chính trị chưa thực sự vững vàng. Do vậy, cần tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ để nhận diện rõ tính chất phản động, phản khoa học, chủ động đấu tranh không khoan nhượng với luận điểm sai trái, thù địch góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình mới./.
ThS. Phan Thị Mai Thanh
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.1995, t12, tr.510
[2] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2005, T37, tr.145.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2010, t.4, tr.152
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2010, T10, tr 271
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, T10, tr 392.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr.167
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t10, tr.488
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t4, tr.33
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t8, tr.64
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.8.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t4, tr.212
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.554.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.556