Cuộc đấu tranh 300 ngày  giải phóng Hải Phòng Bối cảnh và ý nghĩa lịch sử

Cập nhật: 15/05/2023 14:26

 

 

ThS. Đặng Thị Dư
Trưởng phòng QLĐT & NCKH

 

Ngay Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp  đã bộc lộ dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Từ giữa tháng 11/1946 tình hình chiến sự ở Hải Phòng đã hết sức căng thẳng. Ngày 20/11/1946, Pháp gây xung đột với hải quan ta tại Cảng Hải Phòng. Cùng ngày chúng dùng xe bọc thép, xe tăng mở những cuộc tấn công vào một số nơi trong thành phố như Nhà hát lớn, nhà Ga, Trụ sở ủy ban, Nhà máy đèn, Nhà máy nước, một số đồn công an, cắt đường liên lạc bằng điện thoại, điện tín Hải Phòng - Hà Nội. 7 giờ sáng ngày 23/11/1946, quân Pháp tấn công vào khu dân cư của người Việt và người Hoa, lập vành đai an toàn ở khu vực người Âu, cho máy bay ném bom và bắn đại bác vào các khu phố đông dân ở nội thành.

 Ngay khi Pháp tấn công Hải Phòng, quân dân Hải Phòng đã đứng lên  cầm súng đánh giặc bảo vệ  quê hương đất nước. Lịch sử luôn ghi nhớ những người con Hải Phòng quả cảm trong trận chiến khốc liệt tại Nhà hát Lớn, nơi các chiến sĩ do Trung đội trưởng Đặng Kim Nở chỉ huy đã tiêu diệt được nhiều lính Pháp trước khi anh dũng hy sinh. Trong  suốt cuộc  kháng chiến, quân và dân Hải Phòng - Kiến An đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, bẻ gãy nhiều trận càn quy mô của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, phá tan âm mưu và kế hoạch quân sự của thực dân Pháp. Tiêu biểu có thể kể đến như: trận tập kích tỉnh lỵ Kiến An (đêm 21/4/1953), trận tập kích Sở Dầu (ngày 18/6/1953); chiến thắng của  Nhân dân Tiên Lãng anh dũng bẻ gãy trận càn Cờlốt (từ 28/8 đến 20/9/1953) của quân Pháp với lực lượng hùng hậu, có máy bay và tầu chiến yểm hộ. Đặc biệt là thắng lợi trong trận tập kích sân bay Cát Bi vào ngày 07/3/1954 có ảnh hưởng vang dội trên khắp chiến trường toàn quốc, làm cho quân địch bị bất ngờ, hoang mang gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển tiếp tế cho các chiến trường (trận tập kích sân bay Cát Bi đã  phá hủy 59 máy bay, Sân bay Cát Bi cháy suốt 17 tiếng đồng hồ). Với chiến thắng Cát Bi  rực lửa đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử , hoà cùng với thắng lợi của quân dân cả nước, góp phần đánh thắng thực dân Pháp buộc chúng phải ký kết Hiệp định Giơnevơ, tạo ra những thuận lợi mới để nhân dân Hải Phòng đẩy mạnh đấu tranh giải phóng thành phố thân yêu.

Ngày 21/7/1954, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết và theo hiệp định này thì các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào, Campuchia được công nhận, đó là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Hiệp định cũng quy định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương và thực hiện tập kết chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, nhân dân 2 miền Nam - Bắc sẽ tiến hành tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước. Như vậy, sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Hải Phòng nằm trong khu vực tập kết 300 ngày, vẫn là nơi đóng quân của quân đội Pháp. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Hải Phòng anh dũng, kiên cường  nơi đầu sóng, ngọn gió “đi trước về sau”, “ hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu” để bảo vệ Tổ Quốc.  

Khác với các địa phương khác ở miền Bắc, ngay sau khi hiệp định Giơ ne vơ  được kí kết Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng lại bước tiếp vào cuộc chiến mới - “300 ngày giải phóng quê hương”.  Với vị trí chiến lược quan trọng, với hệ thống cảng biển, sân bay Cát Bi, sân bay Kiến An…nên Hải Phòng - Kiến An trở thành cầu nối duy nhất giữa miền Nam và miền Bắc trong giai đoạn này và cũng là nơi kẻ thù chống phá quyết liệt nhằm thực hiện âm mưu phá hoại Hiệp định Giơnevơ, chia cắt đt nước. Mặc dù bị thất bại hoàn toàn trong chiến tranh nhưng được sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ nên thực dân Pháp đã thực hiện những thủ đoạn hết sức thâm độc nhằm phá hoại cách mạng nước ta như: tăng cường bắt lính, thành lập các tổ chức phản động tuyên truyền xuyên tạc nội dung Hiệp định Giơnevơ, cưỡng ép, dụ dỗ , lôi kéo đồng bào di cư vào Nam, di chuyển máy móc, phá hoại tài sản và các cơ sở kinh tế của ta tại Hải Phòng. Có thể nói, cuộc đấu tranh giải phóng Hải Phòng  gắn liền với cuộc đấu tranh thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ. Đây là giai đoạn hết sức khó khăn, cam go quyết liệt  bởi chúng ta vừa phải chịu sự tàn phá năng nề của chiến tranh, vừa tiếp tục chịu thêm sức ép do sự chống phá về mọi mặt của kẻ thù.

Bộ đội ta tiến về tiếp quản Hải Phòng ngày 13/5/1955

Cách đây 68 năm, ngày 13-5-1955, nhân dân thành phố Cảng hân hoan chào đón Bộ đội Cụ Hồ từ các cửa ô tiến vào tiếp quản thành phố, những người lính Pháp cuối cùng lầm lũi bước xuống tầu về nước mang theo nỗi ô nhục hàng trăm năm không khuất phục được ý chí của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của cuộc đấu tranh 300 ngày giải phóng Hải Phòng có  ý nghĩa  vô cùng quan trọng đối với việc giải phòng  hoàn toàn miền Bắc.  300 ngày đóng quân cuối cùng của thực dân Pháp ở Hải Phòng - Kiến An cũng là 300 ngày đấu tranh gay go, quyết liệt nhưng vô cùng sôi động của nhân dân trên các mặt chính trị, kinh tế đòi đối phương thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ; để bảo vệ thành quả cách mạng. Thắng lợi  này  là kết quả của cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân Hải Phòng - Kiến An dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hải Phòng, tỉnh ủy Kiến An trong 9 năm kháng chiến. Hải Phòng giải phóng là bước thắng lợi hết sức quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước, đồng thời mở ra một chương mới trong lịch sử của thành phố Cảng thân yêu. Mặc dù chúng ta chưa giải phóng được hoàn toàn đất nước nhưng giải phóng Hải Phòng là cơ sở tạo điều kiện để xây dựng miền Bắc vững mạnh, trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này.

68 năm đã qua - 68 mùa phượng nở, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung và cuộc đấu tranh 300 ngày giải phóng Hải Phòng nói riêng vẫn có giá trị, vẫn tiếp tục được kế thừa, phát huy trong chặng đường mới, viết tiếp hành trình đầy tự hào của chặng đường xây dựng và phát triển thành phố./.