Nguyễn Thị Thanh Vân
Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật
Tháng Bảy về là khoảng thời gian lắng đọng nhất để mỗi người Việt Nam kính cẩn, nghiêng mình trước linh hồn những anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh, quên mình vì Tổ quốc; để tri ân các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng những vết thương để lại trong mỗi người, mỗi gia đình và thân nhân các gia đình thương binh, liệt sỹ thì vẫn còn đó. Những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm lại ngoài chiến trường, những thương tật hành hạ người thương binh, những nỗi đau về thể xác mỗi khi trái gió trở trời và những nỗi đau về tinh thần khi tuổi thanh xuân hiến dâng trọn vẹn cho dân tộc để khi trở về đã “quá lứa lỡ thì”. Vẫn còn đó nỗi đau tột cùng của những người vợ mất chồng, những người cha, người mẹ mất con và cả những đứa trẻ không bao giờ được gọi bố. Tất cả là minh chứng hùng hồn tố cáo tội ác khôn cùng của chiến tranh, đồng thời là minh chứng sống về lòng yêu nước, tự lực tự cường, tư tưởng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của lớp lớp người Việt Nam. Biết đến bao giờ những vết thương tinh thần và thể xác ấy mới có thể hàn gắn. Dẫu biết vậy, những con người bình dị mà anh hùng ấy vẫn không một chút nuối tiếc, ân hận bởi họ đã cống hiến phần đời đẹp nhất của mình cho lý tưởng cao đẹp của cách mạng nước nhà, cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Họ đã sống cuộc đời có ý nghĩa vì nước, vì dân.
Trong những ngày tháng Bảy này, để thể hiện sự tri ân, tiếp nối đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” trên khắp mọi miền đất nước đang diễn ra nhiều hoạt động thiết thực ý nghĩa đối với thương binh, người có công và gia đình liệt sỹ. Đây là dịp để tôn vinh những anh hùng, bà mẹ Việt Nam anh hùng đã đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ.
76 mùa tri ân đi qua (27/7/1947 - 27/7/2023), Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng. Trong những năm gần đây, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các cơ quan, các đơn vị và cá nhân nhà hảo tâm đã tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực bằng những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình. Các phong trào đó đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người Việt Nam.
Bên cạnh đó, với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập... góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là những “Công dân kiểu mẫu”, là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo.
Để có được một đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng về mọi mặt như ngày nay, nhân dân ta đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã cống hiến máu xương hoặc một phần cơ thể của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi ách ngoại xâm, giành và giữ vững độc lập, tự do cho Tổ quốc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.