Vận dụng nguyên tắc liên hệ với thực tế trong giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực của người học

Cập nhật: 16/11/2022 22:02

ThS. Trần Công Long

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

          “Một giờ giảng tốt nhất là một giờ giảng bắt đầu từ thực tiễn và kết thúc trong thực tiễn” – Ulrich Lipp.

          Với nhà sư phạm nói chung các giảng viên trường CChính trị nói riêng, điều trăn trở lớn nhất của chúng ta luôn là tìm cách triển khai bài giảng như thế nào để việc học của người học vừa có được tri thức, vừa có được trạng thái tinh thần vui vẻ thoải mái, học tập một cách chủ động, say mê, được thực sự là “trung tâm” trong hoạt động giảng dạy. 

Trong thực tế, mỗi giảng viên, giáo viên đảm nhiệm những chuyên đề, môn học, nội dung khác nhau; chưa kể mỗi chương trình giảng dạy lại có mục đích, tính chất, yêu cầu khác nhau nên cần được triển khai theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể đưa ra những điều mà bất cứ giảng viên, giáo viên nào nếu thực hiện tốt trong quá trình giảng dạy trên lớp, chắc chắn sẽ tạo nên một giờ học vui vẻ, thoải mái, hiệu quả. Các nhà giáo dục gọi đó là những nguyên tắc giảng dạy tích cực, một trong những nguyên tắc đó là nguyên tắc liên hệ với thực tế.  

Vậy nguyên tắc liên hệ với thực tế áp dụng và triển khai như thế nào?

Đại thi hào Goethe có câu nói nổi tiếng: “Lý thuyết chỉ là màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Điều này hoàn toàn đúng trong giảng dạy. Nếu chỉ nói lý thuyết, người học khó lòng tiếp thu được vấn đề. Còn khi lý thuyết được phân tích, chứng minh qua ví dụ thực tế - mà tình huống thực tế thì bao giờ cũng có sức hấp dẫn - sẽ khiến người học quan tâm và hứng thú hơn, hiểu sâu và nhớ lâu hơn. 

Đáng tiếc, chính người học còn tồn đọng suy nghĩ rằng đi học thì phải ngồi ngay ngắn trước quyển vở, tay cầm bút sẵn sàng ghi chép. Họ ngạc nhiên khi thầy, cô giảng bài bằng cách trò chuyện, trao đổi về các câu chuyện thực tế thay vì đưa ra định nghĩa, khái niệm để họ ghi chép lại. Điều này làm cản trở tâm thế tiếp nhận bài giảng và quyết tâm ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn ở người học. 

Chính vì vậy, nguyên tắc liên hệ với thực tế cần được áp dụng trong cả ba giai đoạn của quá trình triển khai bài giảng: mở đầu bài giảng, khai triển bài giảng và kết thúc bài giảng. 

- Mở đầu bài giảng: Nên đưa ra ví dụ về các sự việc, sự kiện có liên quan đến cuộc sống hoặc công việc hằng ngày, đặc biệt là các tình huống đang diễn ra trong quá trình thực thi đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những thành tựu cũng như những hạn chế còn gặp phải trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ lãnh đạo quản lý ở cơ sở… để lập tức thu hút sự chú ý của người học, giúp người học nhận ra giờ học này có liên quan đến cuộc sống, và chính công việc của họ hoặc những điều mà họ quan tâm yêu thích. Từ đó, họ thấy rõ lợi ích của bài học nên sẽ tập trung và tiếp thu bài học tốt hơn. 

- Khai triển bài giảng: Sau khi đã có được sự chú ý của người học, giảng viên có thể lần lượt triển khai các nội dung như khái niệm, định nghĩa, bản chất, quy tắc, đặc điểm,... Trong suốt giai đoạn này, người dạy vẫn phải dựa vào thực tiễn để làm sáng tỏ bài học. Khi người học liên tiếp được dẫn dắt đi qua lý thuyết bằng thực tiễn cuộc sống họ sẽ cảm thấy bài học này là của mình, dành cho mình, từ đó họ bị cuốn vào dòng chảy nội dung của người thầy một cách tự nhiên và sống động. 

 - Kết thúc bài giảng: Không nên chỉ nhắc lại lý thuyết suông, mà hãy thiết lập và củng cố mối liên hệ giữa bài học với thực tế đời sống của người học. Cho họ thấy rõ những gì vừa học có ích ra sao và sẽ ảnh hưởng thế nào đến công việc, cuộc sống của họ, họ liên hệ kiến thức tiếp thu vào trong hoạt động nghề nghiệp. Từ đó người học, học viên sẽ vận dụng sáng tạo những kiến thức, những bài học mà giảng viên và cả lơp học đã rút ra sau mỗi tiết giảng. Điều này giúp người học ghi nhớ bài giảng một cách sâu sắc hơn. Nói tóm gọn, chúng ta cần mở đầu bằng thực tiễn và kết thúc trong thực tiễn. 

- Áp dụng nguyên tắc liên hệ  

Ví dụ: Bài giảng về kỹ năng thuyết trình 

Mở đầu bài giảng: Đặt câu hỏi để người học chia những khuyết điểm, lỗi mà người thuyết trình hay mắc, những khó khăn, vướng mắc họ thường gặp trong lúc thuyết trình; hoặc mong muốn của người học khi tham gia lớp này. Sau đó, chúng ta định hướng bài giảng, gắn những ý kiến người học vừa nêu vào các nội dung của bài. 

Khai triển bài giảng: Lần lượt triển khai những nội dung chính thuộc kỹ năng thuyết trình. Chú ý tập trung nhiều hơn vào các nội dung mà người học còn thiếu sót đã xác định được trong phần mở đầu. Giải quyết tốt những nội dung này và bên cạch đó giảng viên đưa ra cách khắc phục những nhược điểm có thể mắc phải trong suốt khâu thực hiện nhiệm vụ của người học.

Kết thúc bài giảng: Cho người học thực hành và tự đúc kết kinh nghiệm, đặc biệt đối chiếu lại với những điểm hạn chế trong kỹ năng thuyết trình đã nêu trong phần mở đầu. Chỉ khi người học sửa chữa và khắc phục được những hạn chế mắc phải trong hoạt động thuyết trình thì khi ấy mục tiêu bài giảng của người thầy đã được giải quyết.

Để thực hiện tốt nguyên tắc liên hệ với thực tế, người giảng viên cần chuẩn bị:

Một là, nguồn chất liệu thực tế phù hợp với bài giảng, tại sao người A thuyết trình thành công, tại sao người B thuyết trình chưa thành công…

Hai là, các câu hỏi thích hợp hướng vào cuộc sống, công việc của người học, cái mà người học đang có là gì, cái người học mong muốn là gì, và cần làm gì để đạt được mong muốn đó.    

Ba là, nội dung bài giảng với những kiến thức mới mẻ, hữu ích, thực tế. 

Lưu ý giảng viên không ôm đồm quá nhiều thông tin thực tế khiến bài giảng lan man, đi lệch mục tiêu chính; nhiều khi hết giờ mà nội dung cần giảng dạy chưa được triển khai và cũng không nên đi lướt qua thực tế một cách hời hợt, vì như vậy chẳng những chưa thể làm sáng tỏ vấn đề mà còn khiến người học cảm thấy hụt hẫng không thoả mãn, dẫn đến mất tập trung. 

 

Các tin đã đăng