Đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận thành tựu thực hiện quyền con người ở Việt Nam

Cập nhật: 20/09/2022 15:50

 

Thời gian qua, một số đối tượng có tư tưởng thù địch với Việt Nam ráo riết tìm mọi cách xuyên tạc, tung ra những thông tin sai lệch, phiến diện, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Chúng tuyên truyền rằng Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận, vi phạm nhân quyền, ngăn cản hoạt động tôn giáo, coi nhẹ các quyền tự do cá nhân. Chúng lấy đó làm căn cứ để phủ nhận thành tựu thực tiễn về thực hiện quyền con người ở Việt Nam.

Có thể khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang hiện thực hóa những giá trị về quyền con người trên cơ sở tiếp nhận, kế thừa những quan điểm, giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người. Thực tiễn sinh động về sự nỗ lực, cố gắng thực hiện quyền công dân, quyền con người ở Việt Nam hiện nay là một sự phủ định đầy thuyết phục mọi luận điệu cho rằng Việt Nam không coi trọng quyền con người.   

Hơn 80 năm sống dưới ách đô hộ của thực dân, phong kiến; dân tộc Việt Nam không có Hiến pháp, không có quyền công dân, quyền con người. Chủ nghĩa thực dân, đế quốc không để lại một thành tựu nào về quyền con người ngoài hơn 2 triệu người dân chết đói năm 1945 (chiếm khoảng 1/10 dân số nước ta lúc đó) và hàng triệu người là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin… hiện nay vẫn còn đó. Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã mở ra một kỷ nguyên độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền đất nước được khẳng định, tạo tiền đề thực hiện quyền con người, quyền công dân.

Hiện nay, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được tại chương II, Hiến pháp Việt Nam năm 2013, gồm 36 điều chế định trực tiếp và quy định rõ ràng các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.  Khoản 1 Điều 14 Chương II Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ: “Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” và khoản 2, Điều 14 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Nhằm cụ thể hóa quy định này, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Ở Việt Nam, quyền con người không chỉ được quy định trong Hiến pháp, pháp luật mà còn được tích cực thực thi trên thực tế. Nhà nước ta đã ký hầu hết các công ước cốt lõi về quyền con người. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Trên lĩnh vực quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin; Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet cao trên thế giới. Các nền tảng số, mạng xã hội tạo nên những kênh, giao diện kết nối quan trọng để người dân tiếp cận thông tin, trao đổi và bày tỏ quan điểm của mình. Nhờ có tỷ lệ người dân người sử dụng Internet cao, chiếm khoảng 70% dân số nên Việt Nam ngày càng đạt được nhiều tiến bộ về quyền tiếp cận thông tin và quyền tham gia vào các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật đảm bảo công bằng, dân chủ. Tính tới tháng 12/2021, hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng internet, có đến 72 triệu người dùng mạng xã hội [1]. Trên lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Việt Nam là một trong số ít các nước đã về đích sớm một số Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm vẫn đạt 2,91%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Về mục tiêu bình đẳng giới, Việt Nam là một trong năm nước đang phát triển ở châu Á có tỷ lệ đại biểu nữ ở Quốc hội cao nhất. Tỉ lệ nghèo đa chiều ở Việt Nam giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 3,73% (năm 2019)[2]. Đến nay 63 tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Bảo hiểm y tế được phát triển, mở rộng. Số lượng người tham gia bảo hiểm y tế đã tăng từ 3,8 triệu (chiếm 5,4% dân số) năm 1993 lên gần 88 triệu người (gần 91% dân số) năm 2020. Nói đến thành tựu bảo đảm quyền con người không thể không nói tới những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong chăm sóc, bảo đảm quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật. Trong đó, trẻ em ngày càng được chăm sóc và bảo vệ tốt hơn để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; tỷ lệ nữ giới được giáo dục ở mọi cấp tăng cao. Các chính sách đổi mới của Việt Nam đã tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. Lao động nữ được quan tâm nhiều hơn trong thời kỳ thai sản và tuổi nghỉ hưu. Người khuyết tật được quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để được học văn hóa, được ưu tiên bố trí việc làm...Thời gian qua, dù phát triển kinh tế không đạt mục tiêu như kế hoạch đặt ra do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, cùng với đó là tác động của thiên tai, bão lụt tại các địa phương nhưng mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”, “lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch” là xuyên suốt, nhất quán, được Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị thực hiện triệt để, hiệu quả. Những nỗ lực lớn của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đặc biệt, cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay của Đảng và Nhà nước ta một lần nữa khẳng định giá trị tiêu biểu của xã hội xã hội chủ nghĩa “là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hoà với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm.”[3]

Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã và đang phấn đấu nỗ lực hết mình để bảo đảm quyền con người ngày một tốt hơn. Thực tiễn đời sống xã hội ở nước ta đã khẳng định điều đó, không có chỗ để những kẻ lợi dụng vấn đề “nhân quyền” rêu rao những điều phi lý và vô nghĩa nhằm xuyên tạc tình hình quyền con người ở Việt Nam./.

ThS. Phạm Nguyệt Ánh
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

 

[3] Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

 

Các tin đã đăng