ThS Đặng Thị Dư
Trưởng Phòng QLĐT và NCKH
Cách đây tròn 77 năm - vào lúc 14 giờ ngày 02 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết là áng văn lập quốc vĩ đại, là văn bản chính trị - pháp lý đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau hơn ba phần tư thế kỷ, Bản Tuyên ngôn độc lập ấy, cho đến hôm nay, còn nguyên những giá trị, đặc biệt là khẳng định ý chí, khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc, tinh thần ngoan cường bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc
Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam và nêu cao ý chí, quyết tâm của toàn thể dân tộc để bảo vệ quyền tự do độc lập ấy. Tuyên ngôn độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”[1]. Bản Tuyên ngôn đã khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam : “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”[2]. Và thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do của toàn thể dân tộc Việt Nam “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[3]. Với tinh thần, khát vọng của cả một dân tộc đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để “giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, nhân dân ta đã viết nên nhiều trang sử vẻ vang với những chiến công hào hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước từ sau Cách mạng tháng Tám, để hiện thực hóa quyền “mưu cầu hạnh phúc” như trong Bản Tuyên ngôn bất hủ đã nêu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới với chủ đề "Vì lợi ích của nhân dân, trách nhiệm của chính đảng", tối ngày 6 tháng 7 năm 2021 đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta tham dự Hội nghị tại Hà Nội. Tại Hội nghị , đồng chí Tổng Bí thư đã chia sẻ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng "Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, là tối thượng", "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân".
Và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Mưu cầu hạnh phúc là nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của mọi người dân, trong đó có việc con người phát triển toàn diện, sống cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sống trong hòa bình, bình đẳng và yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau[4]. Điều này chứng tỏ những tư tưởng nhân văn cao đẹp, những giá trị to lớn thể hiện ý chí, khát vọng độc lập cho dân tộc hạnh phúc cho nhân dân trong Bản Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã, đang và vẫn được Đảng và Nhân dân ta hiện thực hóa.
Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 năm nay là dịp để chúng ta tiếp tục cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, khẳng định về tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng của Bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập là văn kiện kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc yêu nước và khát vọng độc lập , tự do qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.
Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, tư tưởng độc lập tự do, ý chí và khát vọng độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân của Tuyên ngôn độc lập vẫn là nền tảng định hướng cho việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa. Tinh thần và giá trị vững bền của Tuyên ngôn Độc lập và Ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9 mãi mãi là hành trang của đất nước và dân tộc ta trên đường phát triển, xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.1
[4] Cổng thông tin điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 15.8.2021