Sáng mãi tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân

Cập nhật: 17/05/2022 16:20

 

Tháng Năm đến, cả dân tộc Việt Nam lại nhớ về Bác – người Anh hùng của dân tộc; người cha thân thương, tôn kính của toàn dân. Người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực và người bạn thân thiết của các dân tộc đã không ngừng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Trong di sản tinh thần vô giá về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì tư tưởng của Người về chăm lo đời sống nhân dân vẫn giữ nguyên giá trị, soi đường cho cách mạng Việt Nam vững bước trên con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

https://soctrang.dcs.vn/SiteFolders/Root/tintuc/nam2020/thang5/24-5-20/tthcm-1.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc “Hành trình khát vọng”. Trong cuộc hành trình khát vọng ấy, Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc: “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi"[1]. “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân...”. Và chính “ham muốn tột bậc” đó đã trở thành động lực thôi thúc Người đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân. Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta trở thành đảng mác-xít chân chính, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Sau cách mạng tháng Tám (1945) thành công, nước ta đã trở thành một nước độc lập, với cương vị là Chủ tịch nước, Người hết sức chú trọng nhiệm vụ kiến quốc, chăm lo đời sống nhân dân. Người nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”[2]. Khi chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta ra đời trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” vừa “thù trong, giặc ngoài” vừa nạn đói hoành hành, ngân khố cạn kiệt. Với cương vị là người đứng đầu Chính phủ cách mạng lâm thời, Người đưa ra yêu cầu Chính phủ cần thực hiện ngay: “Làm cho dân có ăn; Làm cho dân có mặc; Làm cho dân có chỗ ở; Làm cho dân có học hành”[3] điều này có nghĩa nhiệm vụ của nhà nước dân chủ là phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Cùng với phong trào “Tuần lễ vàng”, Hồ Chí Minh phát động  phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”, cứ mười ngày một lần tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa, số gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo và bản thân Người đã gương mẫu thực hiện phong trào này với nghĩa cử cao đẹp mỗi tuần nhịn ăn một bữa.

Thêm vào đó, để thực hiện việc chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân, Người còn phát động phong trào “Nha Bình dân học vụ”, lớp học ở khắp nơi, học trưa, học chiều, học tối. Có lớp học đông giáo viên, có lớp học một thầy một trò, thậm chí chữ viết sẵn trên bảng, treo trên khóm tre, bụi chuối, bờ ao để bà con học tập. Và để tăng cường và đẩy mạnh việc học, việc hỏi chữ được thiết lập. Những người nào đọc được các chữ viết trên các bảng đen dựng bên các bến đò, cổng làng, cổng chợ... thì được đi qua cổng trang trí đẹp gọi là “Cổng vinh quang” để đi vào chợ, sang sông, về làng... Để làm tốt hơn trong việc chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân thì các phong trào bãi bỏ thuế, thực hiện tự do tín ngưỡng tôn giáo cũng được Người đưa ra thực hiện.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp Hồ Chí Minh đã phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng lối sống mới, xây dựng nền văn hóa mới, phát động giảm tô, cải cách ruộng đất…..đem lại đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Trong thư Gửi nông gia Việt Nam, Người khẩn thiết kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa... Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”[4].

Khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, chăm lo đời sống, hạnh phúc của nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước ta hướng tới. Người cho rằng: “Nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: Chủ nghĩa xã hội không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”[5].

 Thấm nhuần tư tưởng của Người về chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, Đảng ta đã xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, Đảng đề ra đường lối đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, với phương châmMuốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề quan hệ tới đời sống của dân, dầu khó đến đâu mặc lòng. Hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân phải được đặc biệt chú ý....”[6].  Đồng thời, phải huy động sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước với phương châm đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân[7].

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng xác định các mục tiêu cụ thể: phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Có thể thấy những mục tiêu này thể hiện khát vọng hướng tới tương lai của cả dân tộc nhằm thực hiện thành công ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một tốt hơn; đồng thời khẳng định, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc. 

Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là sứ mệnh của Đảng; là mục tiêu và bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sẽ là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ tình cảm; lòng biết ơn sâu sắc tới Bác Hồ kính yêu. Tư tưởng của Người về chăm lo đời sống nhân dân sẽ tiếp tục lan tỏa trong mọi thế hệ người dân Việt Nam, để cùng cố gắng tiếp tục tiến bước trên con đường dựng xây đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai các cường quốc năm châu như sinh thời Bác hằng mong muốn./.

ThS Đặng Thị Hạnh

GV khoa Lý luận cơ sở

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 187

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.175

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.175

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 113

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.13, tr. 5.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4 tr.51.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.81.