Vũ Thị Lan Anh
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912 - 2022), người cộng sản kiên cường, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân - là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng, với cách mạng Việt Nam nói chung và với Hải Phòng – thành phố Thành Tô nói riêng. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các thế hệ cách mạng tiền bối, để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, Hải Phòng đã xác định rõ lộ trình và đạt được nhiều thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, Hải Phòng cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước của toàn dân, sự tiên phong, gương mẫu của những người cộng sản với một ý chí và quyết tâm vô cùng to lớn. Chúng ta có thể tìm thấy giá trị tinh thần tiên phong đó ở tấm gương người cộng sản Tô Hiệu để đưa Hải Phòng cất cánh trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.
Trong khuôn khổ bài viết, xin tập trung làm rõ những hoạt động và cống hiến của đồng chí Tô Hiệu đối với hoạt động xây dựng Đảng bộ thành phố Hải Phòng trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 12/1939 – khi đồng chí giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ủy viên thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách liên tỉnh B (bao gồm các tỉnh miền duyên hải và Hải Dương, Hưng Yên).
1. Đồng chí Tô Hiệu với công tác xây dựng Đảng bộ Hải Phòng
Từ cuối năm 1938 đầu năm 1939, chính quyền phản động thuộc địa ở Đông Dương tăng cường khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng, hòng xóa bỏ những thành quả mà nhân dân ta đã giành được trong cao trào dân chủ. Tại Hải Phòng, khủng bố diễn ra ngày càng ác liệt. Chúng đàn áp các cuộc đấu tranh của quần chúng, giải tán các Hội Ái hữu; đặc biệt tập trung tấn công các cơ quan hoạt động bán công khai của Đảng ta, khám xét, bắt bớ nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng.
Trong tình hình đó, tháng 2/1939, Trung ương Đảng phân công đồng chí Tô Hiệu về phụ trách Liên tỉnh B, trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đồng chí đã cùng các đồng chí trong Thành ủy kiên trì xây dựng cơ sở cách mạng, củng cố phong trào và đặc biệt chú trọng xây dựng Đảng trên mọi mặt.
Trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng:
Hải Phòng là thành phố cửa ngõ giao lưu quốc tế, một trung tâm kỹ thuật lớn, có đội ngũ công nhân đông đảo nên đồng chí Tô Hiệu rất chú trọng công tác vận động giai cấp công nhân. Mặc dù bị căn bệnh lao phổi tàn phá ghê gớm cơ thể từ khi bị đi đày ở Côn Đảo, đau đớn thường xuyên nhưng đồng chí vẫn ngày đêm bám sát xóm thợ, gặp gỡ, lắng nghe ý nguyện của công nhân để tuyên truyền, giác ngộ và tập hợp quần chúng. Đồng chí có mặt ở khắp nơi có thợ, có phu trong thành phố; đi sâu, đi sát từng nhà máy, bến tàu trò chuyện, giảng giải cho công nhân. Đồng chí lại gặp riêng từng người thợ trẻ, nòng cốt của các hội Ái Hữu, Tương Tế, Đồng hương… để bồi dưỡng riêng về lý tưởng của những người cộng sản, về cương lĩnh, tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí truyền đạt kỹ lưỡng về cách thức vận động, tập hợp quần chúng; về âm mưu gian xảo của giới chủ; về các phương pháp, hình thức đấu tranh với địch và thế nào là bãi công, đình công… Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Hải Phòng bừng lên một sinh khí mới. Những người thợ đã không còn chịu nhục, đoàn kết thành đội ngũ đứng lên giành quyền lợi cho bản thân và giai cấp mình. Hết đợt này đến đợt khác, lần lượt từ nhà máy này đến nhà máy khác, những người thợ thành phố cửa biển nô nức xuống đường mít tinh, biểu tình, đình công đòi tăng lương. Các cuộc đấu tranh của quần chúng lao động nhằm chống chính sách hà khắc của thực dân Pháp như: tổ chức biểu tình, mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5, ngày cách mạng Pháp (14/7), ngày Quốc tế chống chiến tranh (1/8)… liên tiếp diễn. Mặc dù sức khỏe không đảm bảo, song không quản mệt nhọc, không ngại hy sinh, đồng chí thường đứng diễn thuyết trước các cuộc biểu tình, mít tinh hay hòa vào đoàn người để trực tiếp chỉ đạo đấu tranh. Bởi vậy, dù tình hình rất khó khăn nhưng phong trào đấu tranh ở Hải Phòng vẫn diễn ra rầm rộ, lực lượng quần chúng thường xuyên được tập dượt để chuẩn bị cho những chuyển biến mới của tình hình cách mạng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tư tưởng, đồng chí Tô Hiệu đặc biệt coi trọng đấu tranh trên lĩnh vực báo chí. Đồng chí đã sáng lập ra tờ Chiến đấu - cơ quan tuyên truyền của Liên tỉnh B, đồng thời vừa làm chủ bút, vừa là phóng viên. Tờ báo được phát hành rộng rãi trong quần chúng lao động ở Hải Phòng và liên tỉnh B, góp phần hướng dẫn, cổ vũ quần chúng đấu tranh.
Sau này, khi bị địch bắt, trong đề lao của Hải Phòng, đồng chí vẫn tiếp tục đấu tranh, làm công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo cán bộ cách mạng trong anh em tù nhân. Mặc dù trong trại giam có cả những tên đã đầu hàng và những kẻ đã mất tinh thần, chỉ rình cơ hội lập công chuộc tội với mật thám, đồng chí vẫn tổ chức một lớp nghiên cứu. Đồng chí trình bày, hướng dẫn anh em tù nhân nghiên cứu thảo luận theo bản đề cương cách mạng Đông Dương của Tổng Bí thư Trần Phú và một số vấn đề của công tác cách mạng. Tất cả những vấn đề từ tuyên truyền, vận động, tổ chức công khai, nửa công khai, nửa bí mật đến những việc in thạch, dán truyền đơn, treo cờ, đọc sách báo tài liệu, cất giấu, những kinh nghiệm hoạt động, kinh nghiệm khi bị bắt đều được đồng chí trình bày rõ ràng trong hơn 1 tháng và được chính đồng chí ghi lại làm tài liệu huấn luyện cho 2 trại giam (nam và nữ). Đây chính là một trong những hoạt động đào tạo, giác ngộ cách mạng cho quần chúng, sau này nhiều người đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước như: đồng chí Hoàng Ngân (Bí thư Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam), đồng chí Ngô Minh Loan (nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực- Thực phẩm)...
Đối với công tác xây dựng tổ chức và cán bộ:
Thực hiện Thông báo khẩn của Trung ương Đảng (10/3/1939), đồng chí Tô Hiệu tập trung chỉ đạo công tác tổ chức và trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh chống khủng bố, đòi tự do, dân chủ… Chỉ tính đến tháng 8/1939, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tô Hiệu cùng Thành ủy, trên địa bàn Hải Phòng đã nổ ra hơn 30 cuộc đấu tranh, (bằng cả số cuộc đấu tranh của hai năm 1937, 1938 cộng lại). Công nhân ở nhà máy Tapi, máy Chai, máy Chỉ… lần lượt đóng máy nghỉ việc. Trong đó, tiêu biểu là các cuộc bãi công của 1000 thợ xẻ (4/1939), 1500 công nhân bến Sáu Kho (5/1939) và đặc biệt là cuộc bãi công của 3000 công nhân Máy Tơ (5/1939) đã gây tiếng vang lớn.
Cuộc đấu tranh của công nhân Máy Tơ do đồng chí Tô Hiệu trực tiếp lãnh đạo là cuộc đấu tranh tiêu biểu về nghệ thuật chỉ đạo, có quy mô lớn về không gian và thời gian. Cuộc đấu tranh được chia làm các bước từ thấp đến cao (Ban chỉ huy bí mật được thành lập cùng các tiểu ban như cứu tế truyền tin, tự vệ và ban đại diện; thực hiện lĩnh lương xong mới bãi công; đến các nhà máy bạn quyên góp thêm tiền dự trữ đề phòng bãi công kéo dài có tiền cho thợ ăn), kết hợp khẩu hiệu kinh tế với chính trị (đưa ra bản yêu sách 5 điểm có chữ ký, lấy điểm chỉ của tất cả các anh em thợ nhằm tăng tính trách nhiệm đồng thời đảm bảo giá trị pháp lý. Yêu sách 5 điểm được công nhân Máy Tơ đưa ra gồm: 1 là tăng 20% lương cho thợ; 2 là mở một số cửa thông gió để thợ thở; 3 là mở một phòng thuốc để chữa bệnh cho thợ; 4 là chấm dứt việc đuổi thợ; 5 là thợ có con nhỏ nghỉ 40 phút để cho con bú); đồng thời khai thác triệt để khả năng hợp pháp để tổ chức đấu tranh mà kẻ thù không thể vin cớ đàn áp. Qua phong trào này, đồng chí đã để lại những bài học cả lý luận và thực tiễn về xây dựng tổ chức, tập hợp lực lượng... Trong báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá cuộc đấu tranh này là “có tổ chức và kỷ luật”.
Cùng với cuộc đấu tranh đòi quyền lợi, cơ sở đảng từ chi bộ nhà máy xi măng – chỗ dựa vững chắc của Thành ủy, được phát triển ra các nhà máy khác và Chợ Sắt.
Đến cuối năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở Pháp, Chính phủ Mặt trận nhân dân đổ, Đa - la - đi - ê lên cầm quyền, ra lệnh giải tán Đảng Cộng sản và bắt bớ hàng loạt đảng viên. Ở Đông Dương, kẻ thù thẳng tay khủng bố phong trào, giải tán các tổ chức dân chủ, bãi bỏ các hội Ái hữu, đóng cửa các tòa báo tiến bộ. Tình thế cách mạng hết sức khó khăn, Đảng ta chủ trương rút vào hoạt động bí mật. Đồng chí Tô Hiệu triệu tập Hội nghị Ban cán sự Liên tỉnh ủy B, triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương, đề ra phương pháp đấu tranh trong điều kiện mới, chuyển hướng hoạt động tránh địch khủng bố, bảo vệ phong trào. Nhiều đồng chí đảng viên bị lộ trong thời kỳ hoạt động công khai được đồng chí Tô Hiệu rút vào bí mật, chuyển những đảng viên trẻ hăng hái đi địa bàn khác để bảo toàn lực lượng và ra sức phát triển cơ sở cách mạng ở Kiến Thụy, An Lão, Thủy Nguyên…
Cuộc đấu tranh cách mạng của Hải Phòng chuyển vào bí mật, song vẫn tiếp tục vận động công nhân đấu tranh giữ vững những quyền lợi đã giành được; chú trọng tới hình thức đấu tranh bằng rải truyền đơn, dán áp phích, diễn thuyết, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thông báo cho dân chúng biết “Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn còn tồn tại”. Truyền đơn, cờ đỏ có hình búa liềm xuất hiện ở đường Lạc Viên, nhà máy Tơ, bến tàu Quảng Đông, đường Lạch Tray. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình kêu gọi đấu tranh bảo vệ hòa bình nổ ra trên địa bàn thành phố: 200 người ở Chợ Cột Đèn, 300 người ở Lạc Viên…
Ngày 01/12/1939, đồng chí Tô Hiệu đến cơ sở ấn loát ở xóm thợ Thượng Lý kiểm tra việc in truyền đơn, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới thì bị địch bắt.
Mặc dù chỉ phụ trách Liên tỉnh ủy B và trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng trong thời gian ngắn (từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 12/1939) nhưng đặt vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong những điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp, trước sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp mới thấy hết vai trò tiên phong, tài năng tổ chức và những cống hiến to lớn trong tổ chức xây dựng Đảng và xây dựng phong trào cách mạng của đồng chí Tô Hiệu.
2. Vận dụng những kinh nghiệm từ “tinh thần Tô Hiệu” để xây dựng Đảng bộ thành phố Hải Phòng hiện nay
Tiếp nối sự nghiệp cách mạng, vận dụng những bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng đảng của đồng chí Tô Hiệu, Đảng bộ thành phố ngày càng lớn mạnh, nhiều năm liền là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, khẳng định chỗ đứng vững chắc trong lòng nhân dân.
Trong những năm qua, đặc biệt nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ lần thứ XV của thành phố, công tác xây dựng đảng về chính trị luôn được quan tâm thường xuyên. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung cao, quyết liệt triển khai thành công các chủ trương, đường lối xây dựng đất nước được Trung ương Đảng đề ra. Các chủ trương, nghị quyết của Thành ủy đều được thể chế hóa bằng nghị quyết, chương trình của Hội đồng, Ủy ban nhân dân thành phố, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Trong công tác xây dựng đảng về tư tưởng luôn được Thành ủy quan tâm đổi mới cả về nội dung và hình thức, đảm bảo tính thuyết phục. Thành ủy đã chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên, bắt buộc trong toàn Đảng bộ.
Đối với công tác dân vận, đã được Thành ủy tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát gắn với dân thụ hưởng” đã được thực hiện hiệu quả, trở thành sức mạnh và nguồn lực trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố.
Một trong những nguyên nhân của những thành công trong nhiệm kỳ Đại hội XV được Đảng bộ thành phố rút ra chính từ việc chú trọng trước hết từ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các mặt (chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ); đồng thời tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp nhất là người đứng đầu có tâm trong, trí sáng, luôn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực sự tiên phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết. Điều đó cũng chính từ việc học tập, noi theo tấm gương người Bí thư Thành Tô năm nào.
Để xứng đáng là thành phố đã từng mang tên người chiến sĩ cộng sản kiên trung, Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng đang không ngừng nỗ lực phấn đấu, tiếp tục phát huy “Tinh thần Tô Hiệu” trong thời đại mới, quyết tâm xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh, giàu sức sống, sức chiến đấu, để Hải Phòng luôn là địa phương đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, xứng đáng là “thành phố gương mẫu của nước ta” - như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.
-------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Ban liên lạc nhà tù Sơn La, Tỉnh ủy Hưng Yên, Thành ủy Hải Phòng, Tỉnh ủy Sơn La, Tinh thần Tô Hiệu, Nxb. Văn hóa – văn nghệ, Hồ Chí Minh, 2019.
2. Thành ủy Hải Phòng, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Hải Phòng, 2020.