Xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương, hướng tới Trường Chính trị Tô Hiệu đạt chuẩn

Cập nhật: 22/04/2022 16:46

 

ThS. Nguyễn Thị Huyền

Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật

Xây dựng trường chính trị chuẩn là yêu cầu cần thiết, là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra  của hệ thống trường chính trị trong giai đoạn mới. Ngày 19/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn. Trong đó, “xây dựng văn hóa, thực hiện kỷ luật, kỷ cương” là một trong 6 tiêu chí cần quan tâm thực hiện để hướng tới xây dựng trường chính trị đạt chuẩn. Tiêu chí này cũng được Đảng ủy Trường Chính trị Tô Hiệu xác định rõ thông qua định hướng 8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, đó là: “Công tác giảng dạy; công tác nghiên cứu khoa học; Công tác phục vụ; Công tác phối hợp; Ứng dụng công nghệ thông tin; Tự học, tự bồi dưỡng của đội ngũ viên chức; Thực hiện quy chế dân chủ ở Trường; Tăng cường cơ sở vật chất; đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ viên chức, người lao động”.

Để xây dựng văn hóa trường Đảng, trước hết, cần kế thừa những giá trị truyền thống trong hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành của Trường Chính trị Tô Hiệu. Trường được thành lập ngày 03/5/1950, là một trong những trường Đảng cấp tỉnh được thành lập sớm nhất của cả nước. Hơn 70 năm qua, Trường không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt; ngày càng khẳng định được vị thế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho thành phố có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức lý luận chính trị, hành chính, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường, trong từng giai đoạn cách mạng, Trường luôn bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng kịp thời yêu cầu huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Thành phố. Từ những học viên lớp huấn luyện đầu tiên cho đến nay, nhiều cán bộ kế tiếp nhau đã cống hiến, trưởng thành. Đến nay, Trường đã đủ khả năng đào tạo, bồi dưỡng hơn mười loại chương trình khác nhau, đặc biệt, là một trong những trường đầu tiên trong hệ thống các trường chính trị được giao đảm nhận và tổ chức có hiệu quả các chương trình bồi dưỡng. Trung bình mỗi năm Trường mở mới khoảng 15 lớp đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị với hơn 1000 học viên và 20 lớp bồi dưỡng các loại với tổng số khoảng 1.500 học viên. Có thể khẳng định rằng, các  thế hệ cán bộ, viên chức nhà trường đã nỗ lực, cố gắng cùng tạo nên các giá trị truyền thống của nhà trường trong suốt thời gian qua.

Bên cạnh đó, môi trường làm việc tại trường chính trị là môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện và giàu tính Đảng

Việc xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương của Trường đã sớm được xác định, thể hiện rõ từ kỷ cương trong quản lý; kỷ cương trong giảng dạy, nghiên cứu, làm việc đến kỷ cương trong học tập. Điều này được thể hiện ở việc Trường đã thường xuyên ban hành các quy chế, quy định, liên quan đến việc xây dựng văn hóa, đảm bảo kỷ cương kỷ luật như: Quy chế dân chủ, Quy chế Chi tiêu nội bộ; Quy định về ứng xử văn hóa của trường Chính trị Tô Hiệu; Đề án xây dựng trường chính trị chuẩn; các văn bản về Phát động các phong trào thi đua.

Về môi trường giàu tính Đảng, đây là đặc trưng bao trùm môi trường giáo dục ở trường chính trị. thông qua hoạt động giảng dạy, việc trau dồi, bồi đắp nhận thức và nền tảng tư tưởng của Đảng cho học viên luôn được quan tâm chú trọng. Trường cũng đã cụ thể hóa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua việc nêu quyết tâm “Cán bộ, giảng viên, viên chức Trường Chính trị Tô Hiệu phấn đấu: Quản lý giỏi, giảng dạy hay, phục vụ tốt”.

Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, giảng viên của Trường luôn có ý thức trong xây dựng môi trường giáo dục thân thiện. Điều này được thể hiện ở việc luôn cố gắng tôn trọng, giúp đỡ và lắng nghe ý kiến của học viên; có thái độ lịch sự, đúng mực khi giao tiếp đối với đồng nghiệp, cấp quản lý; thể hiện phong cách mẫu mực của người giảng viên trường Đảng trên giảng đường và trong cuộc sống.

Trong thời gian tới, để phát huy các giá trị truyền thống, xây dựng văn hóa trường Đảng, hướng tới Trường Chính trị Tô Hiệu thành đơn vị đạt chuẩn cần rất nhiều những yếu tố. Trước hết là là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo trường, Ban Chấp hành Đảng bộ, các chi bộ trực thuộc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Theo đó, việc bám sát và triển khai kịp thời những quy định của cơ quan quản lý; xây dựng, hoàn thiện các quy chế; triển khai các giải pháp trong Đề án xây dựng trường chính trị chuẩn; sớm tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định về ứng xử văn hóa của trường Đảng là rất cần thiết. Đặc biệt, thực hiện 4 phương châm làm việc như lãnh đạo trường đã triển khai: Chủ động, tích cực; Đổi mới, sáng tạo; Linh hoạt, thích ứng Chất lượng, hiệu quả”.

Hai là, nâng cao nhận thức, ý thức quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa. Khơi dậy và phát huy truyền thống vẻ vang của Trường Đảng thông qua những đợt sinh hoạt lý luận chính trị, các hoạt động về nguồn... để những thế hệ, cán bộ, giảng viên, học viên hiểu và ý thức sâu sắc hơn về những giá trị truyền thống của Trường Đảng.

Ba là, xây dựng hình ảnh người cán bộ, viên chức Trường Chính trị “Trung thành, tận tụy, đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương”.

Để thực hiện được mục tiêu này, mỗi cán bộ, viên chức cần phát huy tinh thần tự lực tự cường, thực hiện 6 dám gắn với chức trách nhiệm vụ được giao theo Bản cam kết Thực hiện Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022 về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên nhằm phát huy vị thế của Hải Phòng trong giai đoạn phát triển mới”: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách” và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung của nhà trường.

Bốn là, tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, thể hiện nét đặc trưng của cơ quan đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng

Năm  là, phát huy sức mạnh tổng hợp của đội ngũ cán bộ, viên chức và các tổ chức: Công đoàn; Đoàn thanh niên trong việc thực hiện các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Giảng dạy tốt, học tập tốt, quản lý tốt, phục vụ tốt”; tăng cường các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi trong nhà trường.

Như vậy, xây dựng, thực hiện văn hóa trường Đảng là quá trình kế thừa và vun đắp, phát huy những giá trị văn hóa. Quá trình này đòi hỏi thời gian và sự chung tay đóng góp của tất cả cán bộ, viên chức, người lao động, học viên trong nhà trường nhằm hướng tới thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng Trường trở thành trung tâm và địa chỉ tin cậy, quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho Thành phố./.

 

 

Các tin đã đăng