ThS. Đinh Đắc Trang
GV khoa Nhà nước và Pháp luật
Để phát triển thành phố Hải Phòng theo đúng Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-01-2019 của Bộ Chính trị, Hải Phòng đã lựa chọn “chỉnh trang đô thị” là một trong số những nội dung cần chú trọng thực hiện trong những năm qua. Năm 2022, thành phố Hải Phòng tiếp tục lựa chọn chủ đề năm “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hoá đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.
Chỉnh trang đô thị có ý nghĩa lớn đối với sự thay đổi bộ mặt của đô thị và làm ổn định, đảm bảo cải thiện cuộc sống cho người dân. Chính vì vậy, chỉnh trang đô thị là đang là vấn đề rất được sự quan tâm hiện nay của cả nước nói chung cũng như thành phố Hải Phòng nói riêng. Để đạt được mục tiêu chỉnh trang đô thị, Thành phố Hải Phòng đã tiến hành nhiều hoạt động như: hoàn thành, trình Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; cho chủ trương điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải; phê duyệt 8 đồ án điều chỉnh quy hoạch cục bộ; kế hoạch phát triển nhà ở thành phố đến năm 2021… Trên cơ sở đó, rất nhiều công việc cụ thể đã được triển khai, trong đó có thể kể đến là công tác quản lý trật tự vỉa hè.
Không gian vỉa hè luôn được coi một phần bộ mặt cảnh quan đô thị, là nơi thể hiện rõ trật tự đô thị và trình độ văn minh, phát triển của một thành phố. Trật tự vỉa hè về cơ bản có thể hiểu là tình trạng vỉa hè được sử dụng đúng chức năng cơ bản của nó, là phần gắn liền với đường phố dành ưu tiên tối đa cho hoạt động đi bộ. “Vỉa hè dành cho người đi bộ” là một quy định được đề cập đến trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở Hải Phòng cũng như nhiều địa phương khác vẫn còn xuất hiện tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh các loại hàng hoá, để xe… dẫn đến việc phần dành cho người đi bộ nếu có cũng chỉ còn rất nhỏ, hẹp, thậm chí nhiều nơi người đi bộ còn phải đi xuống lòng đường. Tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian khá dài. Nhiều lần các cấp chính quyền ra quân lập lại trật tự vỉa hè, thậm chí còn sử dụng các biện pháp cứng rắn như đập bỏ những công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè, kể cả những mái hiên có thể che mưa nắng cho người đi bộ, dẹp toàn bộ hàng rong và hàng quán bày bàn ghế ra vỉa hè... Nhưng chỉ một thời gian sau, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường lại tiếp tục diễn ra.
Tình trạng đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có một số nguyên nhân cơ bản.
Trước hết, xuất phát từ thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân. Từ thực tế đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam, có thể nhận thấy một thói quen phổ biến là sử dụng nhiều dịch vụ gắn liền với vỉa hè như trà đá gốc cây, quán nhậu, quán bia, quán ăn hè phố, chợ cóc… Vì vậy, những hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường này đã tồn tại từ lâu và diễn ra như một thói quen, thậm chí nó được thừa nhận sự tồn tại khách quan trong con mắt của nhiều người.
Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường của các hộ kinh doanh còn vì lý do kinh tế. Có thể nói đây là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ không có việc làm ổn định ở cơ quan, đơn vị nên rất khó để các cấp chính quyền xử lý một cách kiên quyết, triệt để.
Ngoài ra, công tác quản lý trật tự vỉa hè, xử lý các trường hợp lấn, chiếm vỉa hè ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt. Lực lượng giữ gìn trật tự hè đường còn mỏng chưa đáp ứng được hết nhu cầu của công việc. Mức lương và phụ cấp còn thấp, phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu.
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý trật tự vỉa hè góp phần đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hoá đô thị, trong thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã thực hiện nhiều quyết định, biện pháp thiết thực.
Về ban hành quy định, thành phố đã ra Quyết định số 39/2020/QĐ-UBND ngày 16/12/2020 quy định về sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông và thi công trên đường bộ đang khai thác trên địa bàn thành phố Hải Phòng làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý trật tự vỉa hè tại các đô thị trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, chỉ đạo chấm dứt mô hình thí điểm Tổ quản lý đô thị phường hiện đang thực hiện tại các quận trên địa bàn thành phố bắt đầu từ ngày 01/01/2022. UBND thành phố yêu cầu, Chủ tịch UBND các quận trực tiếp chịu trách nhiệm, chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý đô thị trên địa bàn quận, không làm phát sinh tăng tổ chức, tăng biên chế, số người làm việc. Căn cứ tình hình tại địa phương, trong trường hợp cần thiết Chủ tịch UBND phường có thể thành lập Tổ quản lý đô thị của phường để thực hiện công tác quản lý đô thị theo hình thức kiêm nhiệm không làm phát sinh tăng tổ chức, tăng biên chế.
Về công tác cải tạo hè đường, thành phố thực hiện cải tạo hè đường 6 tuyến phố trung tâm gồm: Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Văn Thụ tại các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền. Việc lát lại vỉa hè tại các tuyến đường khu trung tâm, sử dụng các mảng xanh thay cho một phần gạch lát vỉa hè góp phần cải thiện mỹ quan đô thị, cách ly luồng bộ hành với giao thông dưới lòng đường, nâng cao chất lượng sử dụng hè đường…
Về công tác tuyên truyền, thành phố đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý và sử dụng vỉa hè cho người dân bằng nhiều phương thức khác nhau, đảm bảo yêu cầu phù hợp, thiết thực và có hiệu quả nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành của nhân dân trong quá trình sử dụng vỉa hè, lòng lề đường, làm giảm thiểu tình trạng mất trật tự vỉa hè.
Đặc biệt, các cấp chính quyền của thành phố Hải Phòng đã vào cuộc mạnh mẽ hơn; tăng cường tổ chức các đợt ra quân tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vỉa hè. Đối với các trường hợp tái phạm nhiều lần, kiên quyết xử lý bằng các biện pháp cứng rắn như phạt nặng, thu hồi giấy phép kinh doanh…
Bên cạnh những cách thức, giải pháp quản lý đồng bộ, để đạt được hiệu quả cao trong việc thiết lập lại trật tự vỉa hè, rất cần sự ủng hộ của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở. Việc nhận thức và thực hiện tốt các vấn đề này sẽ góp phần thực hiện hiệu quả chủ đề năm của thành phố “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hoá đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”, từng bước đưa Hải Phòng phát triển theo đúng tinh thần của Nghị Quyết 45 của Bộ Chính trị./.