Ngày 03/5/1950, Hội nghị Thành ủy Hải Phòng đã quyết định mở trường thường trực (trường của Đảng) để huấn luyện cán bộ từ trình độ cơ sở đến sơ cấp. Trường được vinh dự mang tên đồng chí Tô Hiệu người chiến sỹ cộng sản trung kiên. Trải qua 72 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, tập thể cán bộ, viên chức Nhà trường luôn là một khối đoàn kết, thống nhất; bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của thành phố và các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn.
Có thể khái quát về nội dung và phương thức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ của Trường qua các giai đoạn chính sau đây:
* Giai đoạn mới thành lập (từ 1950 đến khi giải phóng Hải Phòng)
Toàn bộ hoạt động của nhà trường đều nhằm phục vụ thiết thực cho cuộc kháng chiến. Nội dung giáo dục trong các lớp đầu tiên của Trường chủ yếu là những vấn đề cơ bản của đường lối, chính sách kháng chiến của Đảng, các chủ trương và biện pháp công tác của Thành uỷ. Phương thức hoạt động chủ yếu của thời kỳ này là quân sự hoá. Các lớp học được tổ chức thành các tiểu đội, trung đội và đại đội. Cùng với việc giáo dục, học tập về quan điểm, đường lối, nghiệp vụ công tác, học viên cùng cán bộ, nhân viên nhà trường còn tham gia chương trình huấn luyện quân sự với các khoa mục cơ bản, thiết thực. Mọi hoạt động của nhà trường đều được quân sự hoá triệt để. Trong điều kiện kháng chiến vô cùng khó khăn, nhưng Trường đã liên tục mở được nhiều lớp bồi dưỡng về đường lối, chính sách, quan điểm, phương pháp công tác; đã đào tạo được 340 cán bộ chủ chốt cho cơ sở; chỉnh huấn, bồi dưỡng hơn 1.000 cán bộ, đảng viên cho phong trào, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng thành phố.
* Giai đoạn 1955 - 1960
Với nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức các lớp chỉnh huấn và bồi dưỡng cán bộ cơ sở, phục vụ kịp thời công cuộc khôi phục, cải tạo kinh tế, phát triển văn hoá của thành phố. Sau 3 năm khôi phục kinh tế (1955 - 1957), với nhiệm vụ chủ yếu là mở các lớp chính huấn cho cán bộ thành phố, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (tổng số 5 lớp; gần 1.500 cán bộ, đảng viên tham gia), Trường đã từng bước nâng cấp và chuyển dần sang phương thức đào tạo mới: tổ chức các lớp bồi dưỡng tập trung ngắn hạn cho cán bộ cơ sở và bắt đầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị có bài bản, bắt đầu từ chương trình sơ cấp. Cũng chỉ trong 3 năm, đã có 20 lớp với hàng nghìn cán bộ cơ sở được bồi dưỡng tập trung ngắn hạn; 4 lớp, với 795 học viên được đào tạo lý luận chính trị (sơ cấp) tại Trường. Đội ngũ cán bộ này sẽ phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng những năm sau.
* Giai đoạn 1961 - 1965
Với nhiệm vụ chủ yếu là giáo dục lý luận chính trị cơ sở và sơ cấp cho cán bộ, phục vụ yêu cầu nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của thành phố. Giữa giai đoạn này có sự hợp nhất Trường Tô Hiệu và Trường Đảng Kiến An thành Trường Đảng thành phố Hải Phòng, lấy tên là Trường Tô Hiệu. Hoạt động đào tạo được tiến hành theo hai hệ lớp song song: hệ lớp bồi dưỡng cán bộ cơ sở, với đối tượng là chi uỷ xã, chi uỷ khu phố, xí nghiệp và hệ lớp đào tạo cán bộ sơ cấp.
Đối với hệ lớp cán bộ cơ sở, nội dung bồi dưỡng chủ yếu là đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng, chế độ quản lý xí nghiệp, công tác xây dựng đảng và phương pháp lãnh đạo. Với hệ lớp cán bộ sơ cấp, nội dung đào tạo chủ yếu là một số vấn đề thường thức triết học, kinh tế chính trị, xây dựng đảng và một số chính sách lớn của Đảng..., dựa theo chương trình Phân hiệu II, Trường Nguyễn Ái Quốc. Số lớp học các hệ và số lượng học viên hàng năm, so với các giai đoạn trước đây, đã tăng lên rất nhiều, nhất là sau khi có sự hợp nhất Trường Đảng Kiến An và Trường Tô Hiệu. Việc tăng cường liên hệ lý luận với thực tiễn là một nét mới trong hoạt động giảng dạy và học tập của Trường. Bên cạnh đó, xuất phát từ đặc thù của một thành phố công nghiệp, có đội ngũ công nhân đông đảo và ngày càng lớn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ, từ sau tháng 3/1964, hoạt động đào tạo bắt đầu chuyển hướng mạnh từ chương trình bồi dưỡng sang đào tạo dài hạn, trong đó tập trung mở các lớp đào tạo tương đối dài hạn cho những đảng viên trẻ, tốt nhất xuất thân từ công nhân, như tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Thành uỷ, ngày 21/3/1964 đã xác định. Trường Tô Hiệu đã mở được 30 lớp, với 3.800 cán bộ sơ cấp và cơ sở; 01 lớp đào tạo dài hạn cho 104 đảng viên trẻ xuất thân từ công nhân.
* Giai đoạn 1966 - 1972
Tập trung đào tạo dài hạn cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở và thí điểm mở lớp lý luận chính trị trung cấp. Đây là một thời kỳ rất khó khăn, khi mọi hoạt động của nhà trường chủ yếu diễn ra trong điều kiện sơ tán. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn đáng nhớ, với rất nhiều nội dung hoạt động mới, phong phú, đa dạng, đánh dấu bước phát triển đi lên quan trọng trong hoạt động đào tạo của Trường.
Trong điều kiện mới, để phù hợp với hoạt động phân tán trên nhiều địa bàn sơ tán khác nhau, việc giảng dạy, học tập được tiến hành theo các phân hiệu. Phân hiệu công nghiệp: mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở công nghiệp. Phân hiệu nông nghiệp: mở các lớp cho cán bộ cơ sở xã. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ngay tại những nơi sơ tán, Trường đã tổ chức được 12 lớp bồi dưỡng cán bộ cơ sở, sơ cấp khối nông nghiệp và 12 lớp bồi dưỡng cán bộ cơ sở, sơ cấp khối công nghiệp, với tổng số trên 2.000 học viên. Đặc biệt, chỉ trong hai năm chiến tranh ác liệt 1967 1968, Trường đã mở được 10 lớp, với 624 học viên là cán bộ cơ sở, sơ cấp khối công nghiệp và 8 lớp, với 501 cán bộ xã.
Ngay trong thời kỳ khó khăn này, công việc chuẩn bị chương trình đào tạo cán bộ dài hạn đã được xúc tiến, để đến 20/12/1968, Trường bắt đầu mở lớp đào tạo cán bộ dài hạn đầu tiên về công tác xây dựng đảng, với 81 học viên, thời hạn học 1 năm, tiếp theo, đến 3/1/1969, khai giảng lớp đào tạo cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã, với 97 học viên.
Điểm nổi bật trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường trong giai đoan này là bảo đảm kết hợp nâng cao trình độ lý luận chính trị cơ bản với việc phục vụ nhiệm vụ cụ thể trước mắt, khắc phục khuynh hướng tách rời, đi đến nhấn mạnh, hoặc chỉ giáo dục lý luận chính trị cơ bản, hoặc chỉ tập trung vào những nội dung công tác cụ thể.
Chương trình học tập đã được xây dựng có hệ thống, toàn diện, cơ bản, với các môn lý luận, xây dựng đảng, lịch sử Đảng và đường lối. chính sách của Đảng, các môn kinh tế: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, tài chính..., cùng với các báo cáo thực tế của các ngành và địa phương. Ngoài ra còn có các chương trình đi nghiên cứu thực tế cụ thể và các hoạt động phối hợp với các địa phương nơi sơ tán.
Từ năm 1969, Trường đảm nhận mở đồng thời hai loại lớp: lớp bồi dưỡng và lớp đào tạo cán bộ theo chương trình lý luận chính trị sơ cấp. Tuy nhiên, tuỳ tình hình cụ thể mà tổ chức song song, hoặc tập trung vào một loại. Trong 3 năm (1969 - 1971), đã có 15 lớp bồi dưỡng và 6 lớp đào tạo theo chương trình lý luận chính trị sơ cấp được mở, với tổng số 1.484 học viên. Riêng khối nông nghiếp, đã có 11 lớp, với gần 1.000 học viên.
Nét mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng thời kỳ này là hướng vào bồi dưỡng cán bộ ngành thương nghiệp, tài chính, đáp ứng yêu cầu công cuộc cải tiến quản lý kinh tế, thực hiện các nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội III Đảng bộ thành phố đề ra.
Cũng trong giai đoạn này, nội dung xây dựng đảng đã được đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đặc biệt là từ cuối năm 1969, khi Trường nghiệp vụ xây dựng đảng được sáp nhập vào Trường Tô Hiệu, và sau khi Phân hiệu xây dựng đảng được thành lập (ngày 29/10/1969), thì nội dung này trở thành một phần chủ yếu, không thể thiếu trong chương trình giảng dạy, học tập của nhà trường. Chỉ trong hai năm 1969, 1970, Trường đã mở được 2 lớp đào tạo cán bộ xây dựng đảng, với 169 học viên; 3 lớp bồi dưỡng cán bộ xây dựng đảng cấp xã và bí thư chi bộ, với 239 học viên.
Cũng từ cuối năm 1969, Trường Tô Hiêu được giao thêm nhiệm vụ mới: mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị cho các trường, ngành, địa phương, giảng cho đối tượng cơ sở. Lớp đào tạo giảng viên chính trị đầu tiên đã được khai giảng vào tháng 4/1970, với 81 học viên.
Ngay trong giai đoạn khó khăn này, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, sơ cấp theo chương trình lý luận chính trị sơ cấp, trên cơ sở xác định hướng đi lên của sự gnhiệp giáo dục lý luận chính trị của thành phố, Trường đã chủ động nghiên cứu xây dựng chương trình giảng dạy lý luận chính trị trung cấp. Từ năm 1970, hướng đi đã được xác định rõ: Vừa làm nhiệm vụ bồi dưỡng, vừa đào tạo, vừa có chương trình sơ cấp và trung cấp. Để đáp ứng yêu cầu nhiêm vụ mới, trong tổ chức bộ máy của Trường cũng có sự đổi mới quan trọng: thành lập các khoa (Triết học - đường lối chính sách; Kinh tế công nghiệp; Kinh tế nông nghiệp; Tài chính - thương nghiệp; Xây dựng đảng - Đảng sử) thay cho mô hình tổ chức các phân hiệu trước đây. Với sự giúp đỡ của Ban Tuyên huấn Trung ương và Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tháng 11/1971, lớp sơ - trung cấp đầu tiên đã được khai giảng, nhằm bồi dưỡng lý luận chính trị trung cấp cho cho 103 cán bộ chủ chốt các ban, ngành của thành phố và các huyện, thị. Giảng viên của lớp học là cán bộ của Trường đã được đào tạo tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương từ những năm 1968, 1970 và một số giảng viên các trường Trung ương.
Tháng 6 năm 1972, ngay tại nơi sơ tán (xã Bát Trang, An Lão), lớp đào tạo cán bộ công tác xây dựng đảng theo chương trình lý luận chính trị trung cấp, thời gian đào tạo 18 tháng, đã được khai giảng. Nội dung giảng dạy gồm ba môn lý luận cơ bản (triết học, kinh tế chính trị, CNXHKH), lịch sử Đảng, xây dựng đảng, quản lý kinh tế, đặc biệt là quản lý kinh tế công nghiệp. Trước đó, Thành uỷ còn giao cho Trường nhiệm vụ tổ chức các lớp lý luận chính trị tại chức (đây là hình thức đào tạo mới đối với nhà trường). Và, lớp bồi dưỡng lý luận chính trị trung cấp tại chức khoá I đã được mở, cuối năm 1972, với 240 học viên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cơ sở. Năm 1972 có thể được coi là năm đánh dấu bước trưởng thành của Trường trong việc giáo dục lý luận chính trị, triển khai bước đầu có kết quả chương trình lý luận chính trị trung cấp, làm cơ sở cho việc đảm nhận chính thức nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị trung cấp trong những năm sau này.
* Giai đoạn 1973 - 1975
Tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chương trình lý luận chính trị trung cấp. So với những năm 72 trở về trước, hoạt động đào tạo trong thời kỳ này có nhiều thuận lợi hơn. Ngoài việc được ổn định về cơ sở vật chất và làm việc trong điều kiện hoà bình, công tác huấn luyện cán bộ ở Trường (cũng như các trường đảng tỉnh khác) được sự hướng dẫn và chỉ đạo thống nhất của Ban Tuyên huấn Trung ương. Cùng với chương trình, nội dung được xây dựng tương đối ổn định, ba môn lý luận cơ bản đã có sách giáo khoa. Vì thế, vấn đề trọng tâm là nâng cao chất lượng bài giảng. Và, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Trường là tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, cả về trình độ lý luận và tri thức, kinh nghiệm thực tiễn. Cũng trong thời kỳ này, nhiều cán bộ của Trường đã được đưa đi đào tạo nâng cao (chuyên tu, nghiên cứu sinh), đi học tập kinh nghiệm tổ chức quản lý, giảng dạy môn học, bài học tại Trường Nguyễn Ái Quốc và Trường Tuyên huấn Trung ương. Đây là đội ngũ có vai trò trụ cột trong công tác đào tạo của nhà trường trong nhiều năm tiếp theo.
Đồng thời với việc giáo dục lý luận chính trị trung cấp dưới hình thức tập trung và tại chức, Trường vẫn tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng cán bộ. Bên cạnh nhiệm vụ tập trung đào tạo cán bộ cho thành phố, Trường còn tham gia đào tạo cán bộ tuyên huấn, giảng dạy cho Trung ương và các tỉnh. Tháng 2/1973, Lớp cán bộ giảng dạy trường Đảng huyện cho Trung ương và địa phương lớp đào tạo theo chương trình trung cấp khoá 2, được mở tại đây. Lớp gồm 202 học viên, chủ yếu là bộ đội chuyển ngành do Trung ương chọn, cán bộ các trường đại học, cán bộ tỉnh Quảng Ninh, cán bộ Trường Đảng tỉnh Hà Tĩnh và cán bộ thành phố Hải Phòng.
* Giai đoạn 1976 - 1983
Củng cố mọi mặt, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hệ tập trung. Ba nhiệm vụ lớn của Trường trong giai đoạn này là: 1. Mở các lớp dài hạn theo chương trình trung cấp là chủ yếu để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cốt cán của các cấp, các ngành, cán bộ làm công tác xây dựng đảng và giảng viên của các trường đảng thuộc Đảng bộ thành phố. 2. Mở những lớp ngắn ngày để bồi dưỡng và nâng cao nhận thức về đường lối, quan điểm và các mặt công tác của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng, những chủ trương, công tác mới của Thành uỷ cho cán bộ đương chức làm công tác lãnh đạo, quản lý, kỹ thuật... nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị của Đảng và của thành phố. 3. Tổ chức các hội nghị chuyên đề nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn của thành phố để nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ.
Trong việc triển khai công tác giảng dạy, nhà trường luôn xác định rõ: phải làm tốt cả nhiệm vụ bồi dưỡng và nhiệm vụ đào tạo, thực hiện tốt cả chương trình trung cấp và chương trình sơ cấp, trong đó chương trình trung cấp là chính. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ tại chức của thành phố, ngày 19/7/1976, Phòng Tại chức đã được hình thành, trực thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc. Và, để tiến tới chuẩn hoá việc đào tạo, Hội đồng thi tốt nghiệp chương trình lý luận chính trị trung cấp đã được thành lập, thành phần bao gồm cả lãnh đạo Thành uỷ và các Ban của Thành uỷ.
* Giai đoạn 1984 - 1991
Thống nhất giáo dục lý luận chính trị trung cấp, kết hợp chặt chẽ đào tạo cán bộ theo hai hệ tập trung và tại chức. Trong những năm trước, hình thức đào tạo, bồi dưỡng tại chức đã được triển khai, nhưng chưa thường xuyên (nhiều lớp do Ban Tuyên huấn Thành uỷ tổ chức). Từ năm 1984, Trường được giao thêm nhiệm vụ chính thức: giáo dục lý luận chính trị trung cấp tại chức, và như vậy là đã đảm nhận toàn bộ việc giáo dục lý luận chính trị trung cấp trong toàn thành phố.
Cũng trong giai đoạn này, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành uỷ nghiên cứu mở lớp học tại chức ở thành phố về lý luận Mác Lênin cao cấp cho cán bộ chủ chốt, tháng 11/1984, lớp lý luận chính trị cao cấp tại chức khoá 1 của Trường Nguyễn Ái Quốc I được mở tại Hải Phòng, đặt địa điểm tại Trường Tô Hiệu. Trường đảm nhận toàn bộ việc phục vụ và tham gia công tác quản lý lớp. Từ đây mở ra một hướng mới trong hoạt động của Trường: liên kết, phối hợp với các trường của Trung ương trong việc đào tạo cán bộ cho thành phố (chủ yếu về lý luận và về quản lý nhà nước).
Riêng trong lĩnh vực quản lý nhà nước, quá trình đào tạo của Trường phải tính từ năm 1960, khi thành lập Trường huấn luyện hành chính (sau là Trường Hành chính Pháp lý thành phố). Trong hơn ba mươi năm (cho đến khi hợp nhất với Trường Đảng Tô Hiệu), Trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ: huấn luyện hành chính cho uỷ viên hành chính xã; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc bồi dưỡng đại biểu hội đồng nhân dân xã, các ban đại biểu dân phố các khu phố nội thành; liên kết với các ngành tổ chức huấn luyện công tác chuyên môn cho uỷ viên uỷ ban hành chính xã phụ trách chuyên môn và cán bộ hành chính xã; từ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, hành chính văn phòng cho cán bộ xã, tới tổ chức bồi dưỡng đại biểu hội đồng nhân dân xã và vươn lên đảm nhận đào tạo tập trung dài ngày cho cán bộ dự bị, kế cận cho chính quyền cấp xã.
* Giai đoạn 1992 đến nay
Sau khi hợp nhất Trường Đảng Tô Hiệu và Trường Hành chính Pháp lý của thành phố, Trường có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, nghiệp vụ công tác chuyên môn cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, thị xã; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phục vụ cho công tác lãnh đạo chỉ đạo của Thành uỷ và UBND thành phố.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhiều yêu cầu mới được đặt ra cho Nhà trường như: phải đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư Trung ương ngày 13-11-2018 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quyết định số 1481-QĐ/TU ngày 24/6/2019 của Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị Tô Hiệu, từ tháng 7/2019, Trường Chính trị Tô Hiệu đã sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn gồm 5 khoa, phòng là: Khoa Lý luận cơ sở; khoa Xây dựng Đảng; khoa Nhà nước và pháp luật; phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học; phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu.
Hiện nay, Trường Chính trị Tô Hiệu có đủ khả năng đào tạo, bồi dưỡng nhiều loại chương trình khác nhau: Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị; Bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp phòng; Bồi dưỡng ngạch Chuyên viên, Chuyên viên chính; Bồi dưỡng cấp ủy cơ sở (Bí thư, Phó bí thư đảng ủy cấp xã); Bồi dưỡng Hội đồng nhân dân cấp xã, huyện; bồi dưỡng cập nhật kiến thức một số chức danh… Hình thức giảng dạy bao gồm cả giảng dạy trực tiếp và giảng dạy trực tuyến. Mỗi năm, Trường đã đào tạo, bồi dưỡng khoảng 35 - 40 lớp, với trên 4.000 học viên, thuộc các chương trình khác nhau. Ngoài ra, được sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Trường còn cùng với Ban Tổ chức Thành uỷ và Sở Nội vụ phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia, Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Hành chính mở các lớp cử nhân chính trị, cao cấp lý luận, cao học.
Với truyền thống đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, Nhà trường đã đào tạo được nhiều thế hệ học viên vừa “hồng” vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của từng thời kỳ lịch sử, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước. Trường vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng nhì năm 1990, Huân chương Lao động hạng nhất năm 2000, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2009, Huân chương Độc lập hạng ba năm 2010, Huân chương Lao động hạng Ba năm 2015 và năm 2021.
Trên chặng đường 72 năm xây dựng và phát triển, với quyết tâm chính trị được hình thành từ một đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức tâm huyết và trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy truyền thống đoàn kết và những thành tích đã đạt được, Nhà trường tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tranh thủ các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm xây dựng Nhà trường trở thành Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ điển hình ở khu vực Bắc Bộ và trong cả nước, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đảng, chính quyền và đoàn thể của thành phố, xứng đáng với truyền thống lịch sử vẻ vang của Trường.