105 năm trước, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo nên bước ngoặt vĩ đại, làm thay đổi trật tự thế giới. Sự kiện đó ảnh hưởng rộng lớn đến phong trào cộng sản, phong trào công nhân quốc tế, cổ vũ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, đặc biệt là phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Lãnh tụ Đảng Bolshevich V.I.Lênin tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết
tại Đại hội Xô Viết toàn Nga ngày 7-11-1917 tại điện Smolnya,
ngay sau khi chiếm Cung điện mùa Đông
Cách mạng Tháng Mười Nga đã hiện thực hóa lý tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin về một xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa.
Cách mạng Tháng mười Nga năm 1917 đã mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử phát triển tư tưởng nói riêng, đánh dấu mốc son thắng lợi về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng định tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội. Cũng từ đây, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội không còn dừng ở góc độ lý luận, đã “trở thành hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn, lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hành động cách mạng, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” [1].
Cách mạng Tháng Mười giải phóng triệt để những người vô sản và nông dân nghèo khổ khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, của chế độ phong kiến, họ thành những người chủ thực sự của chế độ xã hội mới. Cách mạng Tháng Mười thắng lợi còn làm xuất hiện những khả năng mới về sự phát triển không ngừng của cách mạng ở các nước thuộc địa, các dân tộc chậm phát triển tự quyết định con đường phát triển đất nước gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.
Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên thành công trên một đất nước rộng lớn với diện tích gần một phần sáu địa cầu, có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng. Ở đó, nhân dân Xô Viết đã thiết lập Nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới và đã tiến tới thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, thành trì vững chắc cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Cách mạng tháng Mười Nga có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tiến trình lịch sử và cục diện thế giới, làm cho chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống hoàn chỉnh bao trùm thế giới, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc thuộc địa ở châu Á, châu Phi và Mỹ la tinh. Thực tiễn không chỉ thức tỉnh và cổ vũ mạnh mẽ ý chí đấu tranh mà còn chỉ ra con đường đúng đắn đi tới thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Một xu hướng mới đã xuất hiện trong phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước - xu hướng đi theo ngọn cờ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin với nhận thức mới: phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới và cách mạng giải phóng dân tộc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa tư bản đế quốc. Nhờ đó, phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước đã phát triển mạnh mẽ và giành được những thắng lợi quan trọng.
Vì vậy, khi nói về xu thế phát triển tất yếu của thời đại, Lênin đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ,…” [2].
Cách mạng Tháng Mười Nga là cơ sở, điều kiện quyết định tạo nên bước chuyển biến về chất của phong trào cách mạng Việt Nam, chỉ dẫn phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Trước khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ở Việt Nam có rất nhiều phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi theo nhiều con đường khác nhau nhưng đều thất bại, bế tắc. Trong hành trình cứu nước của mình 6 năm đầu (1911 – 1917), Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh), dù đã rút kinh nghiệm từ những nhà yêu nước đi trước, là hướng đi mới, đầy sáng tạo nhưng vẫn chưa tìm thấy con đường cứu nước phù hợp.
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi, Người đã nhận thấy Cách mạng Tháng Mười Nga là một biến cố to lớn và “có một sức lôi cuốn kỳ diệu”. Từ đó Người đã từng bước tìm hiểu kỹ thêm về cuộc cách mạng này và rút ra kết luận: Muốn cách mạng thành công thì phải đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, cuộc cách mạng lấy quần chúng nhân dân làm gốc và giải phóng triệt để quần chúng nhân dân khỏi ách áp bức dân tộc và giai cấp.
Tháng 7/1920, Người đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lê-nin; Tháng 12/1920, tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, Người tán thành Quốc tế cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” [3]
Ngay sau khi trở thành người cộng sản, lựa chon con đường cách mạng Tháng Mười Nga cho dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực học tập, nghiên cứu, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, chuẩn bị các điều kiện về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, kết thúc chặng đường dài khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng.Từ đây, cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đi theo ánh sáng thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Ngay sau khi ra đời, Đảng cộng sản Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thực hiện cuộc cách mạng giải phóng toàn diện: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Đây cũng chính là tinh thần cách mạng không ngừng của Cách mạng Tháng Mười Nga. Những kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô thời chiến được vận dụng một cách sáng tạo ở Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong “kháng chiến kiến quốc”, đặc biệt trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước thời kỳ 1954 – 1975.
Các mạng Tháng Mười Nga đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong điều kiện thực tiễn Việt Nam, đặc biệt là bài học về bảo vệ chính quyền cách mạng.
Thời kỳ 1930 - 1945, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là bài học về củng cố khối liên minh công - nông, tăng cường vận động và tập hợp sức mạnh của quần chúng; về xây dựng Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; bài học về chuẩn bị lực lượng cách mạng, về nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng; về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ cách mạng.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn, hơn 90% dân số mù chữ, Nhà nước non trẻ chưa được quốc gia nào công nhận và đặt quan hệ ngoại giao, thù trong giặc ngoài…Tổ quốc lâm nguy. Chính trong thời điểm cam go, thử thách đó, ánh sáng và những bài học sâu sắc về củng cố và giữ vững chính quyền Xô Viết của Cách mạng Tháng Mười Nga giai đoạn 1917 - 1920 đã soi chiếu, thức tỉnh, trở thành nguồn cổ vũ to lớn để Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch lãnh đạo nhân dân ta tiếp tục vững bước trên con đường cách mạng giải phóng dân tộc.
Trải qua hơn một thế kỷ, mặc dù chủ nghĩa xã hội hiện thực đã từng chịu những tổn thất nặng nề bởi sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, nhưng giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn trường tồn, ảnh hưởng sâu rộng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục khẳng định giá trị bền vững, sức sống mạnh mẽ, là xu thế phát triển của nhân loại.
Tiếp tục khẳng định con đường phát triển của đất nước để đi tới xã hội phồn vinh, hạnh phúc theo những giá trị thời đại được khởi nguồn từ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và coi đó là một vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động” [4].
ThS Phan Thị Mai Thanh
Giảng viên Khoa lý luận cơ sở
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, H2011, tr.303.
2. V.I.Lênin, Toàn tập, (1981), Nxb.Tiến bộ, Matxcơva, t.30, tr.160.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12,tr.30.
4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H2021, t.I, tr.33