ThS. Lê Thị Thanh Nhàn
Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật
Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam, trong đó có điều khoản quy định, lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam.Từ đó đến nay, ngày 20/11 đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam, là dịp để các thế hệ học sinh thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến thầy giáo, cô giáo của mình.
Thật vinh dự và tự hào được đứng trong hàng ngũ các thầy giáo, cô giáo công tác tại ngôi trường của Đảng - trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trường Chính trị Tô Hiệu thành phố Hải Phòng, được thành lập ngày 03/5/1950, Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.
Cùng với đội ngũ nhà giáo trong cả nước, đội ngũ cán bộ, giảng viên thuộc nhiều thế hệ của Trường Chính trị Tô Hiệu đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, khẳng định phẩm chất và năng lực của người trí thức cách mạng làm nên trang sử hơn 70 năm của Nhà trường, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng và phát triển của thành phố Hải Phòng nói riêng.
Trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, đẩy nhanh sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, công tác cán bộ nói chung, nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ nói riêng đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với các trường chính trị tỉnh, thành phố. Thực hiện Kết luận số 117-KL/TW ngày 20/11/2015 của Ban Bí thư về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quy định số 09-Qđi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, đã và đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng tại trường chính trị.
Nhận thức sâu sắc về trách nhiệm vẻ vang nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ chính trị nặng nề, đội ngũ giảng viên của Nhà trường đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ và ngày càng khẳng định rõ vai trò của mình trong mọi hoạt động của Nhà trường. Các giảng viên chủ động học tập nâng cao trình độ kiến thức; luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học; góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho học viên… Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, hiện nay đội ngũ giảng viên vẫn còn một số hạn chế như: thiếu kinh nghiệm, vốn kiến thức thực tiễn chưa phong phú; việc vận dụng các phương pháp giảng dạy vào bài giảng chưa linh hoạt; việc tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường còn hạn chế, một số giảng viên vẫn chưa thật sự quan tâm, chưa có phương pháp tốt trong việc nghiên cứu khoa học…
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 -11, cùng với niềm vinh dự, tự hào của những người làm công việc “gốc” của Đảng, đội ngũ giảng viên trường chính trị càng ý thức về trách nhiệm của mình. Nhận thức được điều đó, thúc giục chúng tôi rèn luyện, phấn đấu.
Thứ nhất, mỗi giảng viên tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và yêu cầu của sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn hiện nay, cũng như trách nhiệm kế thừa, phát huy sự nghiệp, nét đẹp truyền thống của các thế hệ đi trước. Từ đó, rèn luyện tinh thần, thái độ yêu nghề, tâm huyết với nghề, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, thực sự tâm huyết trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đó chính là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công việc.
Thứ hai, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức, lý tưởng cách mạng.
Mỗi giảng viên tự rèn luyện, giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống lành mạnh, trung thành tuyệt đối với đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đây là điểm tựa vững chắc để người thầy hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở bất kỳ tình huống khó khăn nào, luôn kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, đồng thời phải đấu tranh, phê phán trước những luận điểm sai trái, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ ba, phát huy vai trò tự học, tự đào tạo của bản thân.
Đội ngũ giảng viên của Nhà trường, hơn ai hết, cần phải tích cực học tập, nghiên cứu để am hiểu sâu sắc lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nắm bắt kịp thời những tri thức hiện đại cần thiết cho lĩnh vực công tác của mình. Mỗi giảng viên trong quá trình công tác không ngừng rèn luyện phấn đấu tự học, tự đào tạo thông qua học tập lý luận chính trị, nghiêm túc học tập quán triệt và vận dụng nghị quyết của Đảng các cấp vào bài giảng, học tập chuyên môn, học vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn từ các đồng nghiệp, học viên,... Đồng thời giảng viên cần tăng cường việc tự nghiên cứu thông tin qua sách báo, thông tin mạng internet, tham gia nghe giảng, tích cực, chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, đối với các giảng viên trẻ cần đầu tư thời gian cho việc tự học ngoại ngữ, tin học và các kiến thức liên ngành, các kiến thức xã hội khác để hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Phát huy nét đẹp truyền thống của các thế hệ đi trước, là một giảng viên trường chính trị, tôi càng nhận thức rõ và sâu sắc hơn về trách nhiệm, vai trò của người thầy trong xã hội, từ đó, tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, hoàn thiện bản thân để xứng đáng là một người giảng viên trường chính trị./.