Vai trò của đội ngũ giảng viên - nhân tố quyết định chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị Tô Hiệu hiện nay

Cập nhật: 19/11/2022 14:33

 

Ths Đặng Thu Hương
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

Sự nghiệp giáo dục đào tạo được xác định rõ là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, nhưng người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ là các nhà giáo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo viên là người trực tiếp đào tạo những lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc vừa có đức, vừa có tài, “vừa hồng”, “vừa chuyên” để xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh. Họ cũng là nhân tố quyết định quá trình vận hành của hệ thống giáo dục cũng như chất lượng giáo dục. Người khẳng định, quá trình giáo dục diễn ra như thế nào là phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên. Không có thầy giáo thì cũng không có giáo dục và không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa. Người chỉ ra rằng: “Cần đào tạo cán bộ cho mọi ngành hoạt động, cho nên cần có thầy giáo”[1]. Nói cách khác, chỉ khi quá trình giáo dục được vận hành thì các ngành, các lĩnh vực khác trong xã hội mới có nguồn nhân lực để hoạt động, tức là có cơ sở để tồn tại, phát triển.

Điều đó vừa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nghề “dạy chữ, dạy người”, vừa nói lên trọng trách mà xã hội đặt trọn niềm tin lên vai các nhà giáo. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, Hồ Chí Minh đòi hỏi “thầy giáo xứng đáng là thầy giáo”, xứng đáng với danh hiệu “người kỹ sư tâm hồn”, người thầy giáo phải có đức và có tài.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của giáo dục và vai trò của đội ngũ giáo viên – nhân tố quyết định chất lượng giảng dạy của nhà trường, trong những năm qua Trường Chính trị Tô Hiệu thành phố Hải Phòng luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng đội ngũ giảng viên, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường.

Trên chặng đường 72 năm xây dựng và phát triển, Trường Chính trị Tô Hiệu đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Trường đã khẳng định được vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho thành phố. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ có chất lượng cao nhằm phục vụ cho tiến trình xây dựng và phát triển thành phố được đặc biệt quan tâm. Điều đó đặt ra cho nhà Trường những trọng trách, yêu cầu, nhiệm vụ mới, trong đó có việc xây dựng đội ngũ giảng viên vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, lối sống.

Đội ngũ giảng viên trường chính trị nói chung, trong đó có giảng viên Trường Chính trị Tô Hiệu là lực lượng có vai trò nòng cốt, trực tiếp giảng dạy, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và phẩm chất chính trị cho học viên, trực tiếp tham gia nghiên cứu, bổ sung và phát triển lý luận chính trị, làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trên con đường xây dựng xã hội mới, là người có khả năng và thường xuyên tham gia tiếp cận, nhận diện kịp thời các thông tin, luận điệu, từ đó có trách nhiệm chia sẻ những thông tin chính thống, viết bài, bình luận phản biện, đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Xác định việc nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức nói chung và đội ngũ giảng viên nói riêng là đòi hỏi thiết thực, vì năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên là yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và khẳng định vị thế, uy tín của nhà trường. Do đó, Đảng ủy, Lãnh đạo nhà trường những năm qua luôn chú trọng việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng được đội ngũ giảng viên đảm bảo về số lượng và có chất lượng cao. Đây là cả một quá trình lâu dài, công phu, thường xuyên liên tục đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cấp, ban, ngành có liên quan của thành phố, sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Lãnh đạo trường cũng như sự nỗ lực của mỗi đồng chí giảng viên.

Đề án “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị Tô Hiệu đạt chuẩn” đã được Thường trực Thành ủy Hải Phòng phê duyệt, đó là căn cứ để Nhà trường triển khai thực hiện. Để hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn để trường có thể về đích trong năm 2023, theo đúng với ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tại buổi làm việc với Thành ủy Hải Phòng ngày 09/8/2022, Nhà trường đã chủ động thực hiện các nội dung công việc thuộc thẩm quyền của Trường nhằm thúc đẩy hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn, trong đó có tiêu chí về đội ngũ giảng viên như:

- Chủ động đề xuất và phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt chuẩn, đặc biệt chú trọng hoàn thiện các tiêu chí về Cao cấp lý luận chính trị và Bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin. Thường xuyên cử các bộ, giảng viên tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp giảng dạy lý luận chính trị do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Ngày 03/6/2022, Học viện tổ chức khai giảng lớp Bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin tại Trường Chính trị Tô Hiệu. Nhà trường đã cử 32 giảng viên tham gia lớp học. Sau khóa học, 100% giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển.

- Đề xuất với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mở 01 lớp Cao cấp Lý luận chính trị hệ tập trung tại Hải Phòng. Lớp đã được khai giảng vào tháng 9/2022 và trường đã cử 5 giảng viên có thâm niên công tác trên 5 năm tham gia học tập.

- Thu hút nhiều cán bộ, giảng viên đang giữ chức vụ trưởng/ phó khoa, phòng công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố về công tác tại trường. Đó là những người có kinh nghiệm thực tiễn, trình độ chuyên môn đáp ứng được các tiêu chí trong xây dựng đội ngũ giảng viên của nhà trường.

Vinh dự và tự hào là người giảng viên trường Đảng, mỗi giảng viên cần làm tốt nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của mình, nâng cao bản lĩnh chính trị, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phong cách làm việc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Giảng viên không chỉ truyền thụ những kiến thức lý luận, cung cấp tri thức mà còn là người truyền lửa, thắp sáng niềm tin của học viên với Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng – lý luận. Người giảng viên phải tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường kết hợp giảng dạy lý luận với giáo dục về nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Trong đạo đức nghề nghiệp, mỗi thầy, cô giáo phải là người có lý tưởng cao đẹp, mẫu mực về phẩm chất, lối sống. Trong giảng dạy phải thực sự tâm huyết, trong cuộc sống hàng ngày phải giản dị, gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Trong quan hệ đồng chí, học viên phải đoàn kết, trong sáng, hết lòng giúp đỡ. Có như vậy, giảng viên mới thực sự được nhân dân và học viên tin yêu. Giảng viên trường chính trị phải là những người gương mẫu trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Không ngừng học tập, đặc biệt là tự học, tự trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, viết và làm đúng đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật nội bộ, là tấm gương sáng về đạo đức, tác phong, lối sống.

Trường Chính trị Tô Hiệu được Thành phố xác định rõ là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ duy nhất của thành phố. Để xứng tầm với vai trò và vị thế của mình, Trường cũng xác định rõ phải xây dựng các tiêu chí cho Trường phải cao hơn Quy định số 11 của Ban Bí thư, nâng cao chất lượng đạt được các tiêu chí, trong đó có tiêu chí về đội ngũ. Để đạt được mục tiêu chung của nhà trường, mỗi đồng chí phải tự củng cố, hướng đến ngày càng được hoàn thiện ở mức cao cả về phẩm chất đạo đức, chính trị và trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ trên tất cả các mặt, các lĩnh vực công tác. Đây là chìa khóa, là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng hoạt động của Trường.

Với quyết tâm chính trị và niềm tin tưởng được hình thành từ một đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức tâm huyết và trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy truyền thống đoàn kết và những thành tích đã đạt được, chắc chắn trong những năm tới đây Nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tranh thủ các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm xây dựng Nhà trường trở thành Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ điển hình ở khu vực Bắc Bộ và trong cả nước, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đảng, chính quyền và đoàn thể của thành phố, xứng đáng với truyền thống lịch sử vẻ vang của Trường.

 

 

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập.7, tr.72

Các tin đã đăng