ThS. Lê Thị Thanh Nhàn
Khoa Nhà nước và Pháp luật
Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt các nước đang phát triển có thể tận dụng cơ hội để chuyển đổi số nhanh hơn. Ở Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, chuyển đổi số chính thức trở thành một chương trình trọng điểm mang tầm quốc gia.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của thành phố Hải Phòng, ngày 26/10/2021, Thành ủy Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xác định chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển thành phố; là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp nhằm phục vụ tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố.

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, ngày 24/01/2022 Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Ban chỉ đạo chuyển đổi số được thành lập ở các cấp chính quyền địa phương của thành phố do người đứng đầu UBND làm trưởng ban, có sự tham gia của các đoàn thể. Ba trụ cột kinh tế của Hải Phòng gồm công nghiệp công nghệ cao - cảng biển, logistics - du lịch, thương mại cũng được xác định là các lĩnh vực mà thành phố sẽ tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ.
Năm 2023, với chủ đề năm của thành phố “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”, chuyển đổi số tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố tập trung thực hiện.
Để thực hiện thành công Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND thành phố, chính quyền địa phương thành phố Hải Phòng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Người đứng đầu các cấp ủy trực tiếp chủ trì, lãnh đạo và chịu trách nhiệm thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; lựa chọn mô hình thử nghiệm chuyển đổi số toàn diện theo quy mô phù hợp; chủ động, tiên phong, gương mẫu đi đầu, sáng tạo trong triển khai các giải pháp chuyển đổi số gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị; trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phải gắn với công tác kiểm tra, giám sát.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia; trong đó đoàn viên thanh niên là lực lượng xung kích thực hiện chuyển đổi số.
Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số
Phát huy hiệu quả hoạt động Ban chỉ đạo, Ban điều hành chuyển đổi số từ thành phố đến cấp xã; chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình chuyển đổi số; tập trung xây dựng, ban hành các quy chế, quy định của thành phố để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia đầu tư các hạ tầng viễn thông và hạ tầng khác phục vụ chuyển đổi số. Bên cạnh đó, chủ động liên kết với các doanh nghiệp, trường, viện, trung tâm nghiên cứu có uy tín để lựa chọn, đào tạo, tập huấn đội ngũ chuyên gia, nòng cốt về chuyển đổi số. Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Thứ ba, phát triển hạ tầng kỹ thuật và đảm bảo an toàn an ninh thông tin
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc đảm bảo an toàn thông tin và tăng cường dùng chung hạ tầng; phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao, phát triển hạ tầng mạng di động 4G, 5G, phổ cập điện thoại di động thông minh; xây dựng, phát triển nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động cho các dịch vụ, tiện ích trong kinh tế số, xã hội số; xây dựng và triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin, cảnh báo sớm nguy cơ, điều phối ứng cứu sự cố mất an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tăng cường đội ngũ chuyên gia an toàn, an ninh mạng để kịp thời theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp xử lý, khắc phục các sự cố về an toàn, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức tự bảo vệ mình trên môi trường số.
Thứ tư, xây dựng và phát triển chính quyền số
Đây là một trong ba nội dung của chuyển đổi số quốc gia. Xây dựng và phát triển chính quyền số cần tập trung hoàn thiện hạ tầng Trung tâm tích hợp dữ liệu theo hướng hiện đại, hệ thống thông tin dùng chung; tái cấu trúc hạ tầng thông tin theo hướng kết hợp mạng truyền số liệu chuyên dùng với mạng Internet; bảo đảm hoạt động lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trên môi trường số; đẩy mạnh họp trực tuyến, họp không giấy tờ, thực hiện triệt để làm việc trên môi trường mạng và ứng dụng chữ ký số... hướng tới chính quyền "không giấy tờ"…
Thứ năm, xây dựng và phát triển kinh tế số
Xây dựng và phát triển kinh tế số cần tăng cường cung cấp thông tin, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển; phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số; phát triển hạ tầng chuyển phát, logistics và đổi mới mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển kinh tế số và chuyển đổi số [WU1] bằng các chương trình tọa đàm phát triển kinh tế, hội chợ, triển lãm, xúc tiến đầu tư kết hợp với các doanh nghiệp lớn và các hiệp hội…
Thứ sáu, xây dựng và phát triển xã hội số
Triển khai áp dụng mô hình giáo dục trực tuyến, phổ biến kiến thức về an ninh mạng, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin tại các cấp học. Thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số; triển khai ứng dụng trên thiết bị di động làm nền tảng cho phép người dân và doanh nghiệp sử dụng mọi dịch vụ, tiện ích trong Chính phủ số, [WU2] Kinh tế số, Xã hội số mọi lúc, mọi nơi; giúp người dân có thể lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu như: sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế, giáo dục, phản ánh hiện trường, cập nhật tin tức về đời sống văn hóa xã hội, lao động, việc làm; tin nóng về an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm; tình hình dịch bệnh, thiên tai…
Thứ bảy, bảo đảm nguồn lực vật chất cho chuyển đổi số
Nguồn lực vật chất là một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo thành công của chuyển đổi số. Để bảo đảm nguồn lực vật chất cho quá trình này cần huy động nguồn đầu tư của các tập đoàn viễn thông, doanh nghiệp, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác nhằm phát triển hạ tầng viễn thông, internet hình thành hạ tầng số phục vụ tiến trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước hợp lý để phục vụ các nhiệm vụ, dự án chuyển đổi số do cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện.
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu của thời đại. Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng đã và đang bắt nhịp vào xu thế chung đó. Với sự nỗ lực vào cuộc, sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền thành phố Hải Phòng, chúng ta tin tưởng rằng Hải Phòng sẽ sớm đạt được những mục tiêu đã đề ra trong chuyển đổi số.
[WU1]phát triển CĐS, nhất là kinh tế số hoặc bỏ CĐS
[WU2]Thống nhất dung CP số hay CQ số?