Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2019

Cập nhật: 16/07/2020 21:33

Ths. Lê Thị Thanh Nhàn

GV Khoa Nhà nước và pháp luật

Luật Tổ chức chính quyền địa phương được xây dựng trên cơ sở sửa đổi toàn diện Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 cho phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013. Sau gần 5 năm thực hiện, cùng với những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh những bất cập cần khắc phục, đặc biệt là việc luật hóa các chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị Khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Từ yêu cầu trên, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020). Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung 38/143 điều của Luật tổ chức chính quyền địa phương. Bài viết xin giới thiệu một số điểm mới nổi bật trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019 như sau:

Thứ nhất, về tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính (khoản 1 Điều 2)

Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019 sửa quy định “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” (khoản 1 Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015) thành “Chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt". Với quy định mới này sẽ tạo sự linh hoạt trong tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương sao cho phù hợp với đặc điểm tại địa phương cơ sở. Hiện nay theo Nghị quyết số 97/NQ-QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội thì đến 01/7/2021 ở Thành phổ Hà Nội sẽ không tổ chức Hội đồng nhân dân phường, chỉ có Ủy ban nhân dân phường.

Thứ hai, về phân cấp, phân quyền (khoản 4,5, 6 Điều 2)

Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 đã quy định các nội dung mang tính nguyên tắc về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền đối với chính quyền địa phương, tuy nhiên không quy định cụ thể về việc đảm bảo các nguồn lực để thực hiện.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019 đã quy định rõ khi thực hiện phân quyền, phân cấp phải gắn phân quyền với phân cấp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm các điều kiện cụ thể về ngân sách, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho các địa phương; quy định cụ thể hơn các chủ thể được thực hiện ủy quyền; trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện ủy quyền và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Đồng thời, quy định mới cũng tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu lực quản lý trong thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cụ thể:

+ Việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác; gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp. Chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp.

+ Việc phân cấp cho chính quyền địa phương phải được quy định trong luật và luật phải quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác.

+ Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp.

+ Luật cũng đã quy định cụ thể việc UBND cấp trên có thể ủy quyền cho UBND cấp dưới trực tiếp, UBND có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập . Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho Phó chủ tịch, Trưởng các cơ quan chuyên môn thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải bằng văn bản.

Thứ ba, về đại biểu Hội đồng nhân dân

Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019 bổ sung thêm điều kiện đối với đại biểu Hội đồng nhân dân, cụ thể: đại biểu Hội đồng nhân dân phải có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Với quy định mới này, đại biểu Hội đồng nhân dân có thể là người mang nhiều quốc tịch, song trong đó phải có một quốc tịch Việt Nam. Quy định này là cần thiết và phù hợp với quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi là giảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Chẳng hạn như:

- Đối với Hội đồng nhân dân tỉnh:

+ Tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500.000 dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 75 đại biểu (trước là 85 đại biểu);

+ Tỉnh còn lại có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 01 triệu dân trở lên thì cứ 70.000 dân được bầu thêm một đại biểu nhưng tổng số không quá 85 đại biểu (trước là 95 đại biểu)

- Đối với Hội đồng nhân dân huyện:

+ Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; trên 40.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu).

+ Huyện còn lại có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; trên 80.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu).

+ Huyện có từ 30 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu (trước là 45 đại biểu).

- Đối với Hội đồng nhân dân xã:

+ Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2000 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu.

+ Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2000 dân đến dưới 3000 dân được bầu 19 đại biểu (trước là 20 đại biểu).

+ Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có 3000 dân được bầu 21 đại biểu; có trên 3000 dân thì được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu).

+ Xã còn lại có từ 5000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5000 dân thì được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu).

Tương tự đối với Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, phường, số đại biểu Hội đồng nhân dân đều giảm so với quy định trước đây. Đây là quy định thể chế hóa Nghị quyết của Đảng khóa XII: giảm hợp lý số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.

Thứ tư, giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổ mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 đã quy định giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Phó trưởng ban Hội đồng nhân dân, cụ thể:

+ Đối với Hội đồng nhân dân tỉnh: Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì có 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì có 02 phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

Tương tự số lượng Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, đối với các phó ban Hội đồng nhân dân, trường hợp Trưởng ban hoạt động chuyên trách thì có 1 phó ban, trường hợp Trưởng ban hoạt động không chuyên trách thì có 02 phó ban.

+ Hội đồng nhân dân huyện: Luật năm 2015 quy định có 02 phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhưng Luật năm 2019 quy định chỉ có 01 phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện hoạt động chuyên trách.

Thứ năm, tăng số lượng phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

Theo Luật sửa đổi năm 2019, quy định số lượng Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch (Luật năm 2015 quy định cấp xã, phường, thị trấn loại II có 01 Phó Chủ tịch). Như vậy, Luật mới tăng thêm 01 phó Chủ tịch đối với xã, phường, thị trấn loại 2.

Qua tổng kết quá trình thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, khảo sát thực tiễn và lấy ý kiến các địa phương cho thấy, khi thực hiện quy định của Luật này về số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp theo phân loại đơn vị hành chính đã làm giảm đáng kể số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II, III trong cả nước xuống chỉ còn 01 Phó Chủ tịch, tác động khá lớn đến hoạt động chỉ đạo điều hành và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 37 NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 thì thời gian tới sẽ tiến hành sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, dẫn đến số lượng đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm, quy mô đơn vị hành chính cấp xã và số lượng đơn vị hành chính cấp xã loại II sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, Chính phủ chỉ đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch, không tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND đối với cấp xã loại III nhằm đáp ứng yêu cầu kiện toàn cơ cấu tổ chức phù hợp, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động chỉ đạo điều hành của UBND cấp xã loại II.

Trên đây là một số điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019, Luật đã quán triệt và luật hóa các chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị Khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương theo hướng quy định tiêu chí thành lập tổ chức, sắp xếp tinh gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, quy định hợp lý số lượng cấp phó của tổ chức, giảm hợp lý số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.