Tìm hiểu Quy định mới về hợp đồng làm việc của viên chức áp dụng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020

Cập nhật: 15/07/2020 23:18

Thạc sĩ Bùi Hải Thắng

GV Khoa Nhà nước và Pháp luật

Luật Viên chức năm 2010 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 quy định viên chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Về hợp đồng làm việc của viên chức, tại Điều 25 Luật Viên chức năm 2010 quy định viên chức với 02 loại hợp đồng trong quá trình làm việc là “hợp đồng làm việc xác định thời hạn” và “hợp đồng làm việc không xác định thời hạn”. Cụ thể:

“1. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người trúng tuyển vào viên chức, trừ trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 58 của Luật này.

2. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với trường hợp đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn và trường hợp cán bộ, công chức chuyển thành viên chức theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 58 của Luật này.”

Với quy định này, kể từ khi trúng tuyển, viên chức cùng đơn vị sự nghiệp kí “hợp đồng làm việc xác định thời hạn” với một thời hạn tối thiểu 12 tháng và tối đa 36 tháng. Sau khi hết hạn hợp đồng này hai bên sẽ tiếp tục kí “hợp đồng không xác định thời hạn”.

Năm 2018, Chính phủ ban hành nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2019. Tại khoản 10 Điều 2 của Nghị định này về hợp đồng làm việc có quy định:

“1. Viên chức được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn lần đầu với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Thời gian thực hiện chế độ tập sự (nếu có) được quy định trong hợp đồng làm việc xác định thời hạn.

2. Sau khi hết thời hạn của hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều này, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của viên chức và căn cứ vào nhu cầu sử dụng của đơn vị sự nghiệp công lập để quyết định ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức. Trường hợp viên chức ký tiếp hợp đồng làm việc xác định thời hạn thì sau khi hết thời hạn của hợp đồng làm việc, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập xem xét thực hiện việc ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức.”

Với quy định như trên tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP thì những viên chức trúng tuyển sẽ có tối thiểu một lần, tối đa hai lần kí “hợp đồng làm việc xác định thời hạn” (thời hạn từ 12 đến 36 tháng), sau khi hết hạn các “hợp đồng xác định thời hạn” trên thì viên chức kí hợp đồng “không xác định thời hạn”.

Tuy nhiên, năm 2019 Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (gọi là Luật Sửa đổi năm 2019) có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Tại khoản 2, Điều 2, Luật Sửa đổi năm 2019 quy định:

1. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.

2. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020

 b) Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này;

c) Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.”

Với quy định này, Nhà nước đã chính thức bỏ loại hình “hợp đồng không xác định thời hạn” đối với viên chức trúng tuyển sau ngày 01 tháng 7 năm 2020. Luật Sửa đổi năm 2019 quy định có 3 nhóm trường hợp viên chức được kí “hợp đồng không xác định thời hạn” gồm:

- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020;

- Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật Sửa đổi năm 2019;

- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Như vậy, với những viên chức trúng tuyển sau ngày 01 tháng 7 năm 2020 sẽ kí “hợp đồng xác định thời hạn” với thời hạn tối thiểu 12 tháng và tối đa 60 tháng cho đến khi viên chức đó nghỉ hưu hoặc không có nhu cầu làm việc nữa hoặc bị đơn vị sự nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng. Việc xóa bỏ loại hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức sẽ tác động mạnh đến tâm lý làm việc của viên chức, xóa bỏ tư tưởng viên chức làm việc suốt đời sau khi đã kí hợp đồng không xác định thời hạn. Quy định trên có thể gây áp lực đến quá trình làm việc của viên chức; nhưng là quy định đòi hỏi viên chức sẽ phải cố gắng hết mình khi làm việc, qua đó nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị./.