1. Các trường hợp quan trắc xây dựng công trình
Ngày 16/8/2019, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 04/2019/TT-BXD sửa đổi Thông tư 26/2016/TT-BXD hướng dẫn về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Theo đó, bổ sung quy định hướng dẫn các trường hợp thực hiện quan trắc xây dựng công trình trong quá trình thi công xây dựng, cụ thể:
- Thực hiện theo quy định của thiết kế xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật, biện pháp thi công đã được phê duyệt;
- Thực hiện khi công trình có biểu hiện bất thường cần phải được quan trắc phục vụ việc đánh giá, xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý hoặc ngăn ngừa sự cố công trình trong quá trình thi công xây dựng.
Ví dụ: công trình xuất hiện sụt, trượt, lún, nghiêng, nứt,...
Thông tư 04/2019/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 01/10/2019.
2. Từ 10/10/2019: Thời hạn thực hiện nghĩa vụ công an là 24 tháng
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 70/2019/NĐ-CP quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Theo đó, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là 24 tháng (quy định hiện hành là 36 tháng).
Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có thể được kéo dài nhưng không quá 06 tháng trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Công an nhân dân năm 2018 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Thời gian thực hiện nghĩa vụ được tính từ ngày giao nhận công dân; trong trường hợp không giao nhận tập trung thì tính từ ngày đơn vị Công an nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.
Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù không được tính vào thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Nghị định 70/2019/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 10/10/2019.
3. Bảo hiểm nhân thọ sẽ không còn phải đăng ký hợp đồng theo mẫu
Quyết định 35/2015/QĐ-TTg đã bổ sung số thứ tự “11. Bảo hiểm nhân thọ” vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ban hành kèm Quyết định 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012.
Tuy nhiên, vào ngày 13/8/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 25/2019/QĐ-TTg bỏ quy định trên.
Như vậy, Bảo hiểm nhân thọ sẽ không còn thuộc Danh mục này nữa, hay nói cách khác, sẽ không còn phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung nữa.
Quyết định 25/2019/QĐ-TTg sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/2019.
4. Các loại tài sản công dùng để thanh toán cho Nhà đầu tư dự án BT
Theo Nghị định 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (dự án BT) bao gồm:
- Quỹ đất.
- Đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của:
+ Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;
+ Cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam;
+ Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
+ Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội.
- Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (sau đây gọi là tài sản kết cấu hạ tầng).
- Các loại tài sản công khác theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Nghị định 69/2019/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/2019.
5. Quy định mới về ký kết hợp đồng trong đấu thầu thuốc
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập có hiệu lực từ ngày 01/10/2019. Theo đó:
Trước thời điểm ký hợp đồng, bên mời thầu có quyền tăng, giảm số lượng tối đa không quá 10% so với số lượng thuốc tại kế hoạch đấu thầu nhưng không làm thay đổi đơn giá hay các điều kiện khác của hồ sơ mời thầu, dự thầu.
Nhà thầu được lựa chọn phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực, giá trị bảo đảm được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo mức:
- Từ 2% đến 10% giá hợp đồng;
- Từ 2% đến 3% giá hợp đồng (đối với gói thầu quy mô nhỏ).
Thủ trưởng cơ sở y tế và nhà thầu trúng thầu chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng cung cấp thuốc theo đúng quy định, phải thực hiện tối thiểu 80% giá trị của từng phần trong hợp đồng đã ký kết,…
6. Bổ sung thêm nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Từ ngày 01/10/2019, Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (ĐTXD) chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo đó, việc quản lý chi phí ĐTXD được bổ sung thêm một số nguyên tắc đơn cử như:
- Phải đảm bảo hình thức đầu tư của dự án, phương thức thực hiện của dự án;
- Chi phí ĐTXD phải phù hợp với kế hoạch thực hiện dự án, mặt bằng giá thị trường tại khu vực xây dựng công trình và các biến động giá dự kiến trong quá trình ĐTXD;
- Áp dụng nguyên tắc, phương pháp xác định chi phí ĐTXD quy định tại Nghị định này và phù hợp với đặc thù, tính chất các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc các Chương trình sau:
+ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững;
+ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
7. Giảm số lượng thành viên tổ giám sát thanh lý tài sản của Quỹ TDND
Thông tư 13/2019/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 23/2018/TT-NHNN về thanh lý tài sản Quỹ tín dụng nhân dân (Quỹ TDND) có hiệu lực từ ngày 05/10/2019.
Theo đó, tổ giám sát thanh lý tài sản của Quỹ TDND giảm từ tối thiểu 05 thành viên xuống còn tối thiểu 03 thành viên bao gồm đại diện:
- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh;
- Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam;
- Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho Quỹ TDND vay đặc biệt).
Theo quy định hiện hành thì thành viên tổ giám sát thanh lý còn có đại diện Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng (tại tỉnh, thành phố nơi có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng).
8. DN không trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư ra nước ngoài
Đây là nội dung được nêu tại Thông tư 48/2019/TT-BTC hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi…có hiệu lực từ ngày 10/10/2019.
Theo đó, việc trích lập các khoản dự phòng phải đảm bảo 04 nguyên tắc chung sau:
- Doanh nghiệp không trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư ra nước ngoài;
- Các khoản dự phòng theo quy định được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ báo cáo năm để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo năm sau;...
- Thời điểm trích lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm lập báo cáo tài chính năm.
- Doanh nghiệp xem xét, quyết định việc xây dựng quy chế về quản lý vật tư, hàng hóa, quản lý danh mục đầu tư, quản lý công nợ để hạn chế các rủi ro trong kinh doanh,.../.
Sưu tầm
Nguồn:https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thong-bao-van-ban-moi/chinh-sach/25426/chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-tu-dau-thang-10-2019