ĐỒNG CHÍ TÔ HIỆU - NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG SẢN KIÊN TRUNG

Cập nhật: 27/07/2018 23:10
Tô Hiệu là người chiến sỹ cộng sản kiên trung mẫu mực, tấm gương sáng ngời về tinh thần hy sinh vì độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân. Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912, trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, quê hương của phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy nổi danh trong cả nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương, khi còn đang học tại trường Pháp - Việt ở thị xã Hải Dương, Tô Hiệu đã tham gia các phong trào yêu nước của học sinh như bãi khoá, để tang cụ Phan Chu Trinh… nên bị đuổi học vào năm 1926, khi mới 14 tuổi. 
Năm 1928, Tô Hiệu vào Sài Gòn, cùng anh ruột là Tô Chấn tham gia tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng và trở thành đảng viên của tổ chức vào năm 1929. Năm 1930, Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt, kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Trong thời gian bị giam cầm tại Côn Đảo, đồng chí đã kiên cường tham gia đấu tranh trong tù, tích cực học tập lý luận cách mạng, được các đồng chí cách mạng đàn anh, giàu kinh nghiệm trao truyền, giúp đỡ đồng chí có thêm nhiều hiểu biết về lý luận cách mạng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, được bồi dưỡng trở thành Đảng viên ưu tú, giàu nhiệt huyết và có bản lĩnh vững vàng. 
Từ năm 1934 đến 1939, sau khi ra tù, Tô Hiệu bị thực dân Pháp quản thúc tại làng Xuân Cầu nhưng đồng chí không chịu khuất phục vẫn bí mật tham gia lãnh đạo phong trào Mặt trận Đông Dương do Đảng phát động, được bầu làm Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1936 - 1937, đồng chí tham gia chỉ đạo phong trào ở Hà Nội và một số tỉnh khác. Năm 1938 - 1939, Tô Hiệu được điều về đặc trách Bí thư liên khu B kiêm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí đã lãnh đạo và đưa phong trào cách mạng ở đây lên rất cao.
Cuối năm 1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng, kẻ thù đã tra tấn dã man, ra sức mua chuộc nhưng không thể lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của Tô Hiệu. Đầu năm 1940 chúng đầy đồng chí đi Sơn La. Trong thời gian ở Nhà tù Sơn La với cương vị là Bí thư chi bộ Nhà tù, Tô Hiệu vừa chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, vừa quan tâm thành lập các tổ chức trong nhà tù. Mặc dù hoàn cảnh lao tù hà khắc, đói rét, bệnh tật nhưng đồng chí vẫn luôn giữ vững được phẩm chất cộng sản kiên trung, bất khuất. Tô Hiệu đã cùng với các đồng chí của mình biến nhà tù Sơn La thành trường học cách mạng để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; mở các lớp chính trị, quân sự, văn hóa, hướng dẫn các cuộc đấu tranh; viết bài tuyên truyền giác ngộ lý luận cách mạng, lãnh đạo anh em tù đấu tranh với kẻ thù, khiến bọn cai ngục phải nể phục, run sợ. Đồng chí được anh em tuyệt đối tín nhiệm, tin tưởng, được coi là linh hồn của nhà tù Sơn La, Đồng chí hy sinh ngày 07/3/1944 tại nhà tù Sơn La. 
Cuộc đời tuy ngắn ngủi, song tấm gương, tinh thần cách mạng của đồng chí Tô Hiệu là tài sản vô giá, là bài học to lớn về truyền thống cách mạng của Đảng và của lịch sử dân tộc. Tấm gương hy sinh anh dũng, bất khuất của đồng chí là sự tiếp nối những gương anh hùng trong lịch sử nước nhà. Tinh thần yêu nước, “thà chết chứ không chịu làm nô lệ” của Nhân dân nước Việt qua tấm gương Tô Hiệu trong thời đại Hồ Chí Minh sẽ trọn vẹn, trường tồn cùng non sông và đồng chí Tô Hiệu sẽ luôn sáng mãi : ”Nghĩa tình cách mạng lòng son sắt. Lý tưởng đấu tranh chí vững bền”


CN. Nguyễn Thị Minh
Trường Chính trị Tô Hiệu