Đoàn kết, năng động để phát triển Hải Phòng xanh, văn minh, hiện đại

Cập nhật: 15/09/2016 16:36

Những ngày tháng Tám lịch sử 1945, cùng cả nước, Hải Phòng hân hoan trong niềm vui sướng tột độ khi chính quyền về tay nhân dân, đất nước được độc lập. Kể từ đó, mỗi mùa thu về, thành phố có nhiều đổi thay, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hải Phòng viết tiếp những trang sử mới bằng bài học về khơi dậy và phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết trong những ngày Cách mạng Tháng Tám.
Mùa thu thay đổi cuộc đời
“Những ngày tháng Tám luôn cho tôi những cảm xúc đặc biệt”- cụ Đặng Nam, nguyên Bí thư Huyện uỷ Kiến Thụy, cán bộ lão thành cách mạng, năm nay gần 95 tuổi chia sẻ- “Tôi vẫn nhớ như in cảm xúc những ngày Cách mạng Tháng Tám trên quê hương Kiến Thụy. Từ thắng lợi của nhân dân Kim Sơn (Tân Trào) bảo vệ được chính quyền cách mạng còn non trẻ, đánh bại âm mưu khủng bố của giặc Nhật, ngày 15- 8 -1945, dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban dân tộc giải phóng, người dân Kim Sơn giương cờ đỏ sao vàng tiến về phủ lỵ cùng nhân dân các địa phương giành chính quyền về tay cách mạng, thổi bùng phong trào kháng Nhật rộng khắp trong huyện”. Ngày 23-8-1945, nhân dân Kiến Thụy cùng hàng chục vạn người dân từ vùng ven biển Tiên Lãng đến vùng núi Thủy Nguyên, náo nức mang theo cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, cùng vũ khí thô sơ rầm rập tiến về thị xã Kiến An, trung tâm nhà hát thành phố. Nhà giáo, học sinh, công chức trong những bộ quần áo mới, các đội tự vệ nữ của huyện An Dương áo đen, nai nịt gọn gàng, các đội tự vệ nam huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng…và các chiến sĩ Đệ tứ chiến khu, chân quấn xà cạp, bồng súng oai nghiêm cùng các tầng lớp dân chúng hòa trong bài ca cách mạng, tiếng hoan hô như sấm dậy, vang vọng cả một vùng.

Cụ Đặng Nam xúc động: “Tràn ngập trong tâm khảm tôi lúc đó là cảm xúc thiêng liêng và lắng đọng về ý nghĩa vĩ đại của Ngày Độc lập với non sông và dân tộc. Một câu hỏi da diết xuất hiện trong những khoảnh khắc ấy: những gương mặt mà ta đã gặp, làng quê ta, thành phố ta sẽ như thế nào, sẽ ra sao, nếu như không có Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập ấy? Tôi ý thức rằng, kể từ thời điểm lịch sử ấy, cuộc đời tôi và bao người dân Hải Phòng, cả dân tộc Việt Nam đã đổi thay”.
Tạo trang sử mới
Từ một Hải Phòng đói nghèo, xơ xác trước Cách mạng Tháng Tám, những thành quả xây dựng XHCN sau khi thành phố được giải phóng lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, ngày nay Hải Phòng vươn lên trở thành đô thị loại 1 trung tâm cấp quốc gia, có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của vùng Bắc bộ và cả nước; là thành phố Cảng, cửa chính ra biển quan trọng của quốc gia, là đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm kinh tế - khoa học - kỹ thuật tổng hợp của vùng duyên hải Bắc bộ và là trung tâm phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thành phố có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, tầm vóc, diện mạo, cũng như chất lượng tăng trưởng. Trong 10 năm gần đây, GDP của thành phố tăng 2,67 lần. Thu ngân sách tăng 5,9 lần. Quy mô đô thị tăng 5 lần, dân số đô thị tăng 1,47 lần. Bằng những bước đi vững chãi trên cả 3 lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, kinh tế Hải Phòng bước đầu tạo dựng được cơ cấu hợp lý. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được tăng cường và bảo đảm, thu nhập bình quân đầu người tăng 5,69 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, bình quân mỗi năm giảm trên 1%, đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 2,36 %, thấp hơn so với bình quân chung cả nước là 5,97%.
Đến bất cứ nơi đâu trên thành phố hôm nay, người Hải Phòng nào từng sống qua các giai đoạn lịch sử cũng đều thấy xúc động trước những đổi thay theo hướng tiến bộ. Khắp nơi đều là những công trường xây dựng, diện mạo thành thị, nông thôn bừng lên sức sống mới...Đô thị Hải Phòng không ngừng được phát triển, mở mang, từ 3 quận nay lên tới 7 quận và sắp tới còn có thêm nhiều quận nữa. Từ một vài nhà máy năm xưa, công nghiệp Hải Phòng lớn mạnh hơn bao giờ hết, trở thành trung tâm sản xuất thép, xi măng, đóng tàu, da giày, dệt may, trung tâm sản xuất điện, phân bón...cùng nhiều ngành công nghiệp kỹ thuật cao mang tính đột phá. Nông nghiệp Hải Phòng từng bước hiện đại với nhiều cánh đồng lớn thẳng cánh cò bay, trang trại, gia trại quy mô lớn, năng suất lúa bình quân trong top đầu cả nước. Hải Phòng đang mở rộng thênh những con đường mới hiện đại như Lê Hồng Phong san sát cao ốc, văn phòng, chung cư... Ngoài quốc lộ 5 song song tuyến hỏa xa tuổi hơn thế kỷ, từ 2015 thêm đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hiện đại. Cùng với các cảng Chùa Vẽ, cảng Hoàng Diệu (bến Sáu Kho) nhộn nhịp những tàu hàng rời, khu kho cảng, bến bãi kề sát nội thành, Hải Phòng đang khẩn trương xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, là cảng nước sâu, cảng quốc tế, cửa chính ra biển của cả miền Bắc. Thành phố đang xây dựng đường ô tô vượt biển, từ nút giao Tân Vũ (phía Nam quận Hải An) theo hướng đông Khu công nghiệp Nam Ðình Vũ, xuyên qua kênh Nam Triệu đến gần bến phà Ninh Tiếp, điểm cuối là cổng cảng Lạch Huyện; với Tân Vũ- Lạch Huyện là cầu vượt biển lớn nhất Việt Nam và Ðông Nam Á. Nhờ những cố gắng trong cải thiện môi trường đầu tư, Hải Phòng đón làn sóng đầu tư mới vào thành phố của các tập đoàn lớn: Vingroup, Him Lam, Bitexco, Xuân Trường…Các dự án được thực hiện với tốc độ nhanh sẽ tạo ra bước phát triển đột phá trong thời gian tới.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nhiều lần khẳng định, một thời kỳ mới đang đến với thành phố chúng ta, thời kỳ phát triển đột phá cùng hội nhập quốc tế. Nhưng đi liền với đó, Hải Phòng cũng phải đối mặt với những khó khăn về cơ sở hạ tầng, về chất lượng nguồn nhân lực. Hải Phòng quyết tâm xây dựng được phong cách làm việc mới trong bộ máy chính quyền các cấp: năng động, chuyên nghiệp, phục vụ. Phấn đấu năm 2020, Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng tiếp tục khơi dậy và phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết những ngày Cách mạng Tháng Tám trong sự nghiệp phát triển thành phố.
(baohaiphong.com.vn)

Các tin đã đăng