Trường Sa - tuyến biển đảo nằm ở phía đông nam của Biển Đông, một phần máu thịt không thể tách rời thuộc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Hình ảnh quân và dân trên quần đảo anh dũng, bất khuất nơi “đầu sóng, ngọn gió”, âm thầm, lặng lẽ bảo vệ vững chắc “cột mốc chủ quyền”, “nơi tuyến đầu” của Tổ quốc là minh chứng hùng hồn khẳng định sức sống mãnh liệt của những người con đất Việt, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, tôi có vinh dự được tham gia Đoàn công tác số 8 của Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đến thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 từ ngày 16/4 đến 25/4/2018 nhân kỷ niệm 10 năm “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”.
Đoàn xuất phát từ cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) trên con tàu Kiểm ngư Việt Nam mang số hiệu KN 290, với hải trình của 10 ngày trên biển, có 11 điểm dừng chân bao gồm 10 đảo và 01 nhà giàn (DK1/17). Hải trình đến với Trường Sa đã mang lại cho mỗi thành viên trong Đoàn như tôi nhiều cảm xúc thiêng liêng, tự hào và những ấn tượng không thể nào quên!
Khởi đầu chuyến hải trình, sau gần 2 ngày đêm, đoàn đến thăm đảo Đá Lớn C. Hình ảnh khu đảo chìm đầu tiên gây cho tôi cảm xúc mạnh mẽ. Một trạm gác lẻ loi nhưng cũng thật uy nghiêm giữa bốn bề một màu xanh ngút ngàn của biển trời bao la. Màu của đất nâu chỉ vỏn vẹn nằm trong những chiếc khay nhỏ dùng để trồng rau xanh, một gốc cây bàng vuông mang lại chấm xanh nho nhỏ cho khu đảo. Khi thủy triều xuống, bãi chìm nổi lên với những dáng hình huyền diệu. Giờ đây, tôi đã hiểu nghĩa của từ “chìm” - phần bãi chìm sâu trong biển khi thủy triều lên cao luôn có sự sống của những rạn san hô cùng với nhiều loài hải sản, luôn tràn đầy sức sống như ý chí mãnh liệt ẩn chứa bên trong mỗi cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa và chìm sâu trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam là tình yêu quê hương đất nước.
Khi đoàn công tác đến vùng biển đảo Gạc Ma, Cô Lin - nơi cách đây 30 năm, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng của 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc được tổ chức thành kính, trang nghiêm trên tàu KN290. Trong diễn văn tưởng niệm, đồng chí Bùi Quang Huy - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn hành trình xúc động phát biểu: “Chúng ta cảm phục tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng liệt sỹ, Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng Tàu HQ604; Anh hùng liệt sỹ Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo… Những người lính đã nằm lại biển sâu nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống bất khuất của dân tộc…”. Những nén hương thơm được thắp lên trên bàn thờ tưởng niệm và được thả xuống lòng biển khơi. Khoảnh khắc ấy không dài nhưng đọng mãi trong tôi và những đại biểu có mặt tại đây lòng biết ơn vô hạn, tình cảm dâng trào đối với các anh hùng, liệt sỹ. Với cá nhân, tôi thấy được ý nghĩa cao cả hơn của lễ tưởng niệm khi thắp lên ngọn lửa về tình yêu quê hương đất nước, là tình cảm lớn đối với Trường Sa.
Trong suốt hành trình trên biển, Đoàn đã đến thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ các lực lượng và nhân dân trên các đảo: Đá Lớn C, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tốc Tan B, Phan Vinh A, Trường Sa Đông, Đá Tây B, Đá Lát, Trường Sa. Ở đảo nào cũng vậy, từ chỉ huy hay chiến sĩ, mỗi người một quê, một độ tuổi khác nhau, nhưng điều dễ nhận thấy ở họ đó là tập thể đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, đồng cam cộng khổ như anh em ruột thịt trong một đại gia đình - đúng với nghĩa “đảo là nhà - biển cả là quê hương”.
Thông qua chuyến đi, các thành viên trong Đoàn công tác đã được chứng kiến và cảm nhận được biết bao mồ hôi, xương máu của cán bộ, chiến sĩ, người con của dân tộc đã đổ xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa hôm nay đã, đang và tiếp tục khẳng định sức sống mới nơi tiền tiêu của Tổ quốc bằng sự vững vàng, kiên trì, luôn rèn luyện, huấn luyện, gương mẫu trong đời sống, sáng tạo trong lao động sản xuất và mưu trí, quả cảm trong thường trực sẵn sàng chiến đấu… Được tới những đảo chìm, đảo nổi, được chứng kiến, mỗi đại biểu như tôi càng ngấm, càng hiểu và càng thấy yêu Tổ quốc Việt Nam đã trải qua bão dông, khói lửa và sinh tồn cùng lịch sử.
Đại tá Phạm Văn Sơn - Chuẩn đô đốc, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân, Chỉ huy hành trình mong muốn sau chuyến công tác, mỗi thành viên cần tích cực tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc đến các tầng lớp nhân dân, các ngành, các cấp, các địa phương trong cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, có những hành động cụ thể, thiết thực, chủ động tham mưu đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội những chủ trương, giải pháp hiệu quả nhằm tiếp thêm sức mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quân và dân huyện đảo Trường Sa, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược biển Việt Nam.
Trước khi kết thúc hải trình, con tàu KN290 đã đưa chúng tôi đến thăm nhà giàn DK1/17 Phúc Tần. Hơn 10 điểm đảo đã đi qua, song đến đây chúng tôi mới hiểu tại sao chiến sỹ trên đảo luôn nói rằng những vất vả của họ vẫn chưa thể so với cán bộ, chiến sỹ tại các nhà giàn. Gần 30 năm qua, kể từ ngày Nhà nước thành lập Cụm Dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật (nhà giàn DK1) ở thềm lục địa phía Nam (5/7/1989), chúng ta đã xây dựng được 15 nhà giàn. Cũng từ đó, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân Việt Nam, trực tiếp là Tiểu đoàn DK1 - Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã gác lại những tình cảm riêng tư để có mặt, làm nhiệm vụ trên các nhà giàn nhiều gian khổ và khắc nghiệt. Những trận cuồng phong năm 1990, 1996, 1998, 2000 và gần đây nhất là cơn bão số 16 (Tembin) năm 2017 đã làm đổ một số nhà giàn, cướp đi sinh mạng của nhiều cán bộ chiến sỹ. Lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc là thời khắc không thể nào quên với chúng tôi. Các anh đã mãi mãi ở lại với biển khơi, nhưng tinh thần quả cảm, tấm gương anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ nhà giàn, bảo vệ chủ quyền, vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc vẫn mãi tỏa sáng.
Khi bắt đầu chuyến hải trình, tôi nghĩ mình sẽ mang hơi ấm của đất liền đến với các anh, nhưng không, các anh đã truyền lửa Trường Sa cho chúng tôi. Tạm biệt Trường Sa và DK1, tôi thầm mong một ngày không xa, mình lại tiếp tục được một lần nữa… để được gặp lại các anh - nơi biển đảo của quê hương. Trở về với công việc, tôi như vẫn còn nghe vang vọng đâu đây câu hát: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”. Tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh, thanh niên Việt Nam hiện nay cần có những hành động cụ thể, thiết thực hướng về biển đảo quê hương, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, vì một Việt Nam hòa bình, độc lập và phát triển.
Ths. Vũ Thị Lan Anh
Khoa Xây dựng Đảng