Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong xây dựng, phát triển thành phố Cảng xanh, giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Cập nhật: 02/09/2024 03:09

Cách đây tròn 79 năm, vào mùa thu Tháng Tám lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Hải Phòng sục sôi khí thế cách mạng. Cùng với cả nước, nhân dân thành phố đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa, đánh đổ cường hào ác bá, xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Thành công của Hải Phòng đã góp phần làm tan rã nhanh chóng hệ chống chính quyền thực dân phong kiến ở vùng đông bắc Tổ quốc, cùng cả nước vui trọn niềm vui trong ngày độc lập. Thời gian đã lùi xa nhưng tinh thần Cách mạng Tháng Tám vẫn mãi mãi là niềm tự hào để thế hệ hôm nay vươn về phía trước, phấn đấu xây dựng thành phố Cảng ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng - thắng lợi của tinh thần kiên quyết, kịp thời, sáng tạo, nhạy bén chớp thời cơ

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945) Đảng Cộng sản Đông Dương phát động cao trào kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Thực hiện chủ trương của Đảng, Thành ủy Hải Phòng đã lãnh đạo nhân dân phá kho thóc của Nhật giải quyết nạn đói, tiếp tục phát triển và củng cố lực lượng chính trị đồng thời xúc tiến việc xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang. Các đội tự vệ bí mật được thành lập ở các nhà máy Xi măng, Hoả xa, ở các khu Thượng Lý, Lạc Viên. Các đội tự vệ cứu quốc và du kích được thành lập ở Kiến Thuỵ, Thuỷ Nguyên, Tiên Lãng. Tháng 4/1945 đội Tuyên truyền vũ trang tỉnh Kiến An thành lập và hoạt động mạnh mẽ được nhân dân tin tưởng. Từ tháng 7/1945 phong trào cách mạng đã phát triển với khí thế mới nhất là ở các huyện ngoại thành Hải Phòng và Kiến An. Ngày 12/7/1945 nhân dân Kiến Thuỵ có tự vệ Tiên Lãng tham gia đã kéo về làng Kim Sơn lật đổ chính quyền tay sai Nhật thành lập chính quyền cách mạng. Đây là chính quyền cách mạng đầu tiên ở Hải Phòng - Kiến An được xây dựng đánh dấu bước phát triển mới của phong trào.

Sáng 15 tháng 8 năm 1945, quần chúng vũ trang ở các xã kéo lên tham dự cuộc mít tinh xóa bỏ chính quyền địch, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Kiến Thụy. Tin Việt Minh giành chính quyền thắng lợi ở huyện Kiến Thụy nhanh chóng lan đi khắp vùng, làm nức lòng nhân dân trong toàn tỉnh và thành phố. Trong khí thế cách mạng, các huyện An Lão (17/8), Vĩnh Bảo (20/8), Tiên Lãng (20/8), Thủy Nguyên (22/8) quần chúng nhân dân nhanh chóng đứng lên giành chính quyền.

Trong chưa đầy một tuần lễ, toàn bộ chính quyền tay sai của bọn đế quốc, phong kiến ở các huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Lão, An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo đã bị đập tan. Chính quyền cách mạng được thành lập. Riêng huyện Cát Hải, Cát Bà tuy quần chúng chưa nổi dậy nhưng chính quyền địch đã tự tan rã.

Ở thành phố Hải Phòng, suốt trong những ngày từ 15 đến 22 tháng 8 năm 1945, các đội tuyên truyền xung phong liên tục hoạt động. Từng đoàn thanh niên cắm cờ đỏ sao vàng trên xe đạp đi diễu hành khắp các đường phố ngoại ô và rải truyền đơn, giăng biểu ngữ kêu gọi đồng bào đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền. Các nhà máy xi măng Rô-be, Ca-rông, Com-ben, Xtai, Đăng-xét cũng thành lập ủy ban công xưởng của công nhân, thực hiện sản xuất và sửa chữa vũ khí.

Riêng tại khu vực nội thành Hải Phòng, mờ sáng 23/8/1945, hàng vạn đồng bào Hải Phòng - Kiến An cùng lực lượng vũ trang chiến khu Đông Triều từ các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát thành phố. Đúng 10 giờ, cuộc mít tinh khai mạc trọng thể. Trong không khí trang nghiêm, xúc động, mọi người hướng lên lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn, hát vang bài Tiến quân ca. Đại diện Ủy ban Khởi nghĩa thành phố tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai và ra mắt Ủy ban Cách mạng lâm thời thành phố.

Ngày 24/8/1945, tại sân vận động thị xã Kiến An, Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Kiến An được thành lập và ra mắt nhân dân trong tiếng hoan hô của hàng vạn quần chúng nhân dân.

Như vậy, nhờ biết nắm bắt thời cơ, chớp thời cơ giành chính quyền, chỉ trong vòng 10 ngày giữa tháng Tám năm 1945, tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng đã diễn ra nhanh gọn, ít đổ máu. Cách mạng đã thành công trọn vẹn ở Hải Phòng - Kiến An. Chính quyền thực dân, phong kiến ở các địa phương bị đánh đổ hoàn toàn, chính quyền cách mạng của nhân dân được thành lập.

Tiếp tục phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, xây dựng Thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại

Từ mùa thu lịch sử ấy đến nay, phát huy tinh thần hào hùng của cách mạng Tám năm 1945, trên các chặng đường và thành quả của đất nước, Hải Phòng đã luôn có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung với những chiến công hiển hách như chống càn ở Tiên Lãng, Cát Bi rực lửa, đánh địch dọc tuyến đường 5 và đường sắt qua địa bàn trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; chống phong tỏa sông biển và tập kích chiến lược miền Bắc của đế quốc Mỹ; có nhiều điển hình trong thời kỳ vừa sản xuất vừa kháng chiến chống xâm lược Mỹ. Hải Phòng còn là nơi đi đầu, thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, tìm tòi khảo nghiệm con đường đổi mới.

Bước vào công cuộc đổi mới, với quyết tâm cao và niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân hành phố đã xây dựng và phát triển thành phố lên tầm cao mới, đứng hàng tốp đầu cả nước trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) luôn đứng trong top đầu của cả nước. Riêng tổng sản phẩm (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 10,32% so với cùng kỳ năm 2023, gấp trên 2,6 lần cả nước, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố; đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 5 trên cả nước với 6,39 triệu đồng/người/tháng năm 2023. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, trong năm 2023, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố đạt kỷ lục. Năm 2023, Hải Phòng xếp thứ hai cả nước sau thành phố Hồ Chí Minh với tổng số vốn thu hút là 3,4 tỉ USD, có 933 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 28,9 tỉ USD.

Một góc đô thị Hải Phòng

Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực. Thành phố chủ động, tích cực coi trọng việc phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Công tác xây dựng và quản lý đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố được ưu tiên đầu tư phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại; xây dựng các khu dân cư và các khu đô thị mới gắn với quản lý và điều chỉnh phân bố dân cư trên địa bàn, cải tạo các khu chung cư cũ thành các khu đô thị hiện đại. Thành phố đã hoàn thành Đề án Tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng, đang trình Bộ Nội vụ thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ và trình Quốc hội. Hồ sơ thành lập thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên và chuyển huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận đã hoàn thành. Hiện nay, thành phố cũng đã hoàn thành việc lập hồ sơ thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng và đang tích cực hoàn thiện Đề án thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng.

Xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đạt kết quả toàn diện, nổi bật, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét. Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới. Đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt. Đến nay, thành phố có 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đang triển khai 35 xã nông thôn mới kiểu mẫu thực hiện từ năm 2023 và 45 xã từ năm 2024.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân thành phố được nâng lên: các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Theo Nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố xác định mục tiêu: đến năm 2025 không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Trước đó, Hải Phòng là địa phương duy nhất hỗ trợ học phí cho học sinh từ mầm non tới bậc THPT. Ngoài ra, Hải Phòng cũng dành hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ về nhà ở cho người có công; hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Hải Phòng đi đầu cả nước về nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội; hỗ trợ cho người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng núi, hải đảo được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Chính sách an sinh ưu việt còn được thể hiện rất rõ ràng trong quyết tâm cải tạo, xây dựng chung cư, xây dựng nhà ở xã hội với cách làm riêng của Hải Phòng và quan điểm nhất quán vì người dân. Hơn thế nữa, các công trình phúc lợi công cộng mọc lên ngày càng nhiều, từ Công viên cây xanh Tam Kỳ, Tố Hữu, Nguyễn Trãi tới chương trình mỗi phường 1 công viên cây xanh. Hai bên bờ sông Tam Bạc được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để nhanh chóng tạo nên một không gian mới cho người dân thành phố nghỉ ngơi, thư giãn…

Về văn hóa xã hội, Hải Phòng luôn đi đầu về phát triển văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là trung tâm trong chính sách phát triển bền vững thành phố. Nhiều di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, việc bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp được chú trọng; xây dựng những giá trị mới trong đời sống tinh thần xã hội, tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, vừa tiên tiến, hiện đại, phong phú, đa dạng về bản sắc dân tộc.

Sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo, Thành phố Hải Phòng giữ vị trí quan trọng, quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao. Đến cuối năm 2023, thành phố có 445/655 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 67,9%. Trong đó có 385 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 60 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 100% giáo viên đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn cao. Lĩnh vực khoa học, công nghệ tập trung phát huy tiềm lực, nhất là trí tuệ, tiềm năng, chất xám của đội ngũ trí thức, các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trên địa bàn Thành phố được chú trọng quan tâm. Hải Phòng đang nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ cao của cả nước, có uy tín trong khu vực.

Giữ vững ổn định an ninh trật tự, trên lĩnh vực bảo đảm ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm, Đảng ủy Công an Trung ương và Thành ủy Hải Phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia bảo vệ ANTT. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn thành phố được giữ vững, ổn định. Thành phố chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; trọng tâm là kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ xử lý triệt để, ngăn chặn “nguồn cung” ma túy vào địa bàn thành phố. Đặc biệt, Hải Phòng là địa phương đầu tiên triển khai thực hiện chủ trương thành phố không ma túy.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo; các thế lực thù địch quyết liệt đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển thành phố đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng bộ phải đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm cao hơn nữa để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Kế thừa, phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, cùng truyền thống “Anh dũng - Quyết thắng”, Đảng bộ, Nhân dân thành phố nỗ lực phấn đấu xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng thành thành phố tiêu biểu của châu Á vào năm 2030 theo Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 2/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”./.

 

ThS. Phạm Thị Dung

GVC Khoa Xây dựng Đảng