ThS. Phạm Thị Liên
Giảng viên chính Khoa Nhà nước và pháp luật
Với mục tiêu đưa thành phố tiếp tục phát triển bứt phá với tốc độ cao, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân đề ra, năm 2024 thành phố Hải Phòng chọn chủ đề năm là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hoá đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Tăng cường thực hiện các chính sách xã hội và chuyển đổi số”.
Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hoá đô thị
Từ năm 2021 đến nay, nhiệm vụ “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” đều được đưa vào chủ đề công tác năm của thành phố. Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), đến nay, thành phố Hải Phòng đã đạt được những kết quả bước đầu trên tất cả các lĩnh vực. Hạ tầng giao thông, không gian đô thị liên tục được đầu tư mở rộng, tạo vị thế cho thành phố, phát triển công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại là những trụ cột chính đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nửa nhiệm kỳ đầu, thực hiện các Nghị quyết của Đảng.
Về xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị, thành phố Hải Phòng tăng cường chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023. Đồng thời, thành phố cũng chỉ đạo triển khai hoàn thành các Dự án chỉnh trang đô thị, khởi công nhiều dự án phát triển đô thị; triển khai Đề án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố…Thành phố đã xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng mang bản sắc đặc trưng riêng của thành phố Cảng biển. Đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm: Hoàn thành Dự án cải tạo hè 09 tuyến đường trung tâm thành phố; triển khai Chương trình xây dựng các công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025...
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hải Phòng tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, triển khai quyết liệt các thủ tục đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng, sẵn sàng các điều kiện để thu hút làn sóng đầu tư mới, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường để Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp lớn của đất nước. Các khu, cụm công nghiệp được xây dựng đồng bộ về hạ tầng, góp phần phát triển công nghiệp theo hướng tập trung, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Theo thống kê, thành phố hiện có 14 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.105,17 ha và 13 cụm công nghiệp có tổng diện tích 519,61 ha đang hoạt động, thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn. Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, Hải Phòng tiếp tục có những bước phát triển đột phá, theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thực hiện tốt vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc.
Bên cạnh đó, Hải Phòng đã hoàn thành nhiều dự án quan trọng kết nối giao thông nội đô, góp phần nâng cao năng lực hạ tầng giao thông của thành phố; đồng thời tiếp tục cải tạo, sửa chữa các tuyến đường đô thị và các tuyến đường tỉnh đi qua địa bàn thành phố. Các công trình giao thông đối ngoại kết nối với các địa phương được quan tâm đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác đã từng bước đưa Hải Phòng trở thành địa phương có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế…
Với lợi thế mạng lưới đường thủy nội địa dài gần 2.700km, chiếm khoảng 40% tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước, hoạt động vận tải đường sông của Hải Phòng vô cùng sôi động. Với việc giảm 50% phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa, thành phố đã tạo cú hích lớn cho doanh nghiệp vận tải thủy, giúp giảm chi phí, từ đó giảm được giá thành vận chuyển, tăng tính cạnh tranh cho vận tải thủy, phục vụ phát triển giao thông trong khu vực. Ngoài ra, việc phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa… đang dần trở thành hiện thực sinh động.
Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Triển khai Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 18/7/2023 của Hội
đồng nhân dân thành phố về Xây dựng nông thôn mới thành phố giai đoạn 2021-
2025, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện; rà soát, chấp
thuận danh mục 823 công trình tại 35 xã thực hiện từ năm 2023; giao vốn đầu tư
công cho các huyện để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; phân bổ kinh phí
thực hiện quản lý, vận hành hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường nông
thôn mới kiểu mẫu; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tổ chức triển
khai thực hiện để kịp thời chỉ đạo giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy
ban nhân dân thành phố; sự vào cuộc của các Sở, ngành, Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố; sự nỗ lực của các địa phương và đặc biệt là sự hưởng ứng, đón nhận, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, đến nay thành phố đã cơ bản hoàn thành các công trình nông thôn mới kiểu mẫu tại 35 xã thực hiện từ năm 2022 (khối lượng trung bình đạt 99%). Hiện nay, thành phố đang triển khai thi công các công trình tại 35 xã thực hiện từ năm 2023, khối lượng trung bình ước đạt 26%. Ngoài ra, có thêm 02 huyện (Vĩnh Bảo, An Lão) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn lên 7/8 huyện (huyện đảo Bạch Long Vĩ năm 2023 mới bắt đầu triển khai); có thêm 42 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, trong đó, có 39 xã đã được công nhận đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 84/137 xã, đạt 61%; có thêm 35 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó, đã công nhận đạt chuẩn cho 26 xã, nâng xã kiểu mẫu lên 48/137 xã, đạt 35%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố Hải Phòng vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định, như: tiến độ thực hiện tại một số địa phương còn chậm (còn 03 công trình giao thông của xã Cao Nhân, huyện Thuỷ Nguyên ước khối lượng thi công đạt 87% …); một số tuyến đường sau khi đầu tư chưa đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu (vỉa hè, trồng cây xanh); công tác bàn giao các công trình đưa vào sử dụng còn chậm gây ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường sau đầu tư (còn 21 công trình thuộc các xã thực hiện từ năm 2021 chưa hoàn thành công tác nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, gồm 09 công trình thuộc xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thuỵ; 12 công trình thuộc xã Chiến Thắng, huyện An Lão); việc cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp tự nguyện tặng cho quyền sử dụng đất để nâng cấp, mở rộng các công trình nông thôn mới kiểu mẫu còn hạn chế (đạt 25%, tương ứng 2.012/7.979 trường hợp); việc quản lý các công trình sau đầu tư (nhất là dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường) còn hạn chế; một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến việc triển khai hoàn thành các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao… Những hạn chế nêu trên do một số nguyên nhân như: khối lượng công việc lớn, phạm vi triển khai rộng, việc triển khai thực hiện liên quan đến nhiều quy trình thủ tục nên đòi hỏi cần có thời gian để triển khai thực hiện; một số tiêu chí cần thời gian để triển khai thực hiện hoàn thành; việc vận động nhân dân tặng cho quyền sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn; năng lực của một số đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công còn hạn chế, một số địa phương chưa chủ động và thiếu quyết liệt trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện.
Tăng cường thực hiện các chính sách xã hội và chuyển đổi số
Với chủ trương nhất quán “Đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế”, thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã tạo đột phá, không chỉ là “điểm sáng” về kinh tế mà còn là địa phương dẫn đầu cả nước về bảo đảm an sinh xã hội với nhiều cơ chế, chính sách vượt trội so với cả nước. Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong toàn quốc hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc mầm non tới trung học phổ thông lên tới hàng trăm tỷ đồng/năm học từ ngân sách. Thành phố cũng dành hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Hải Phòng đi đầu cả nước về nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, hỗ trợ cho người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng núi, hải đảo được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đặc thù như hộ nghèo, hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình… Liên tục những năm gần đây, thành phố dành hàng nghìn tỷ đồng dành tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo vào các dịp lễ, tết với mức tặng lên tới 5,5 triệu đồng/hộ chính sách; 1,6 đến 1,8 triệu đồng/hộ nghèo, cận nghèo. Đây là mức cao nhất cả nước, mang lại niềm vui, niềm tự hào cho người dân thành phố. Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, bên cạnh cơ chế hỗ trợ vốn, tạo việc làm để cải thiện kinh tế, đối với những người không còn khả năng lao động, thành phố còn có chính sách đặc thù như hỗ trợ thu nhập hàng tháng bằng với mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 do Chính phủ quy định…
Đối với hoạt động chuyển đổi số, xác định chuyển đổi số là động lực để phát triển, Hải Phòng đã sớm triển khai kế hoạch chuyển đổi số theo hướng tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng; trong đó, các mục tiêu về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số được đặt ra rất rõ ràng, cụ thể. Đến nay, sau một thời gian triển khai, chuyển đổi số của thành phố bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đối với một số lĩnh vực được Chính phủ lựa chọn Hải Phòng triển khai thí điểm, thành phố sớm thuộc vào nhóm dẫn đầu cả nước như: xây dựng dữ liệu dân cư; triển khai hóa đơn điện tử đứng thứ 3 trên 6 tỉnh, thành phố được lựa chọn thí điểm giai đoạn đầu; Hải Phòng cũng là địa phương triển khai đầy đủ 4 chức năng hệ thống quản lý dữ liệu đất đai; triển khai đưa dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe lên cấp độ 4 đầu tiên trên cả nước… Bên cạnh đó, thành phố cũng hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm Bộ Thông tin và Truyền thông giao như: nền tảng số quốc gia, đưa hộ nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, nền tảng điện toán đám mây, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số, tổ công nghệ số cộng đồng…
Hạ tầng số của thành phố tiếp tục được phát triển mở rộng. Toàn thành phố hoàn thành đưa vào khai thác mới 41 trạm BTS công nghệ 4G, nâng tổng số trạm BTS trên địa bàn thành phố lên 2.362 trạm. Cùng với đó, có 7 trạm BTS công nghệ 5G được triển khai thử nghiệm tại Cảng Tân Vũ, Cảng Đình Vũ và khu vực trung tâm thành phố. Tháng 7-2023, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội thử nghiệm thành. Việc triển khai mạng 5G góp phần quan trọng phát triển hạ tầng viễn thông, ứng dụng công nghệ trong sản xuất thông minh tại thành phố.
Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ nét. Hải Phòng hiện là một trong những địa phương có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao của cả nước với tỷ lệ đạt hơn 90% (năm 2021 là 18%). Đánh giá chỉ số chuyển đổi số DTI của thành phố được cải thiện, năm 2022 Hải Phòng xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2020. Bên cạnh đó, chuyển đổi số gắn với thực hiện Đề án 06, toàn thành phố xác thực hơn 1,7 triệu thông tin nhân khẩu, 100% số người dân trưởng thành có tài khoản định danh điện tử... Đến nay, chuyển đổi số đã và đang dần đi vào đời sống người dân, mang lại nhiều tiện ích và tạo ra những cơ hội phát triển mới trên mọi lĩnh vực, mọi mặt đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chuyển đổi số của thành phố hiện nay còn tồn tại một số khó khăn nhất định như: chưa có sự nhận thức đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị, sở ngành, địa phương; người dân chưa nhìn thấy lợi ích rõ rệt nên chưa tham gia tích cực; một số nền tảng số quốc gia chưa được triển khai, chưa có lộ trình cụ thể. Mặt khác, nguồn nhân lực trong thực hiện chuyển đổi số cũng còn gặp khó khăn, nhất là nhân lực chuyên trách, có chuyên môn sâu để thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay, phần lớn cán bộ làm công tác tham mưu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan chỉ thực hiện nhiệm vụ phụ trách, kiêm nhiệm nên việc chủ động tham mưu triển khai các phần việc, nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, chính quyền còn chưa kịp thời và đôi khi gặp lúng túng trong triển khai nhiệm vụ. Cơ chế, chính sách hiện có cũng chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin về làm việc trong các cơ quan nhà nước. Trong các cơ quan, chính quyền nhà nước, nhiệm vụ chuyển đổi số được chú trọng, đặc biệt quan tâm triển khai. Tuy nhiên, ở khối doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho chuyển đổi số. Không ít doanh nghiệp cho rằng, chuyển đổi số tốn nhiều chi phí; lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin nội bộ, bí mật kinh doanh; chưa định hướng đi, lộ trình cụ thể để chuyển đổi số trong doanh nghiệp...
Có thể nói, những thành tựu mà thành phố Hải Phòng đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua là kết quả của sự đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân, đồng thời khẳng định, phương thức lãnh đạo của Thành ủy Hải Phòng và các cấp ủy được đổi mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh. Các nhiệm vụ trọng tâm được chỉ đạo theo hướng rõ mục tiêu, rõ lộ trình, rõ nguồn lực gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và theo dõi, đôn đốc thực hiện thường xuyên. Đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu. Việc thành phố Hải Phòng chọn chủ đề năm năm 2024 với nội dung “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hoá đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Tăng cường thực hiện các chính sách xã hội và chuyển đổi số” vừa mang tính kế thừa, vừa có sự phát triển; vừa tận dụng được những lợi thế của thành phố nhưng cũng đặt ra những thách thức nhất định.
Để hoàn thành thắng lợi Chủ đề năm 2024 của thành phố, mỗi cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cần tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố giao; kịp thời phát hiện các vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện để có hình thức khắc phục phù hợp. Đồng thời, triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các nhiệm vụ, tập trung vào các điểm nóng, đột phá của thành phố, các nhiệm vụ chính trị; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong các hoạt động nhằm đem lại kết quả cao nhất, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch và vững mạnh./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về Chuyển đổi số tại thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Kỷ yếu Hội thảo “Đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo bước phát triển nhanh, bền vững thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” - Hải Phòng ngày 09/8/2022.
3. Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 12/01/2023 của UBND thành phố Hải Phòng về việc Kế hoạch Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng năm 2023.
4. Thông báo Kết luận số 751/TB- VP ngày 01/02/2024 của Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Nguyễn Đức Thọ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và Phát triển bền vững thành phố đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, kế hoạch thực hiện năm 2024.