Những cống hiến vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917

Cập nhật: 08/11/2023 16:12

          Cách đây 106 năm, đêm 24-10-1917 theo lịch cũ nước Nga (tức đêm 6-11-1917), khởi nghĩa vũ trang nổ ra ở Thủ đô Pê-tơ-rô-grát (nay là thành phố Xanh Pê-téc-bua). Ngày 25-10-1917 các lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ tình hình ở Thủ đô Pê-tơ-rô-grát, trừ Cung điện Mùa Ðông và một vài nơi. Tới 2 giờ 10 phút, rạng sáng 26-10-1917, Cung điện Mùa Ðông được giải phóng, các bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời bị bắt giữ. Cuộc khởi nghĩa vũ trang tại Pê-tơ-rô-grát kết thúc thắng lợi. Ngày 07-11-1917 đã được ghi vào lịch sử là ngày thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại. Cuộc cách mạng ấy đã có những cống hiến vĩ đại cho nhân loại.

Lãnh tụ V.I.Lênin diễn thuyết ở Quảng trường Đỏ, Moscow năm 1917

           Một là, Cách mạng Tháng Mười thành công đã đưa chủ nghĩa xã hội từ khoa học thành hiện thực, góp phần khai sinh và xây dựng một hình thái kinh tế xã hội mới trong lịch sử loài người: hình thái kinh tế - xã hội Cộng sản chủ nghĩa.

          Có thể nói, trước khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra và giành thắng lợi, chủ nghĩa xã hội chỉ là trào lưu tư tưởng lý luận, chỉ là học thuyết hoặc là những phong trào thực tiễn nhưng cuộc cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã làm rung chuyển thế giới, đã biến những mơ của nhân loại về một xã hội công bằng, bình đẳng; đưa chủ nghĩa xã hội từ khoa học trở thành hiện thực. Chế độ xã hội chủ nghĩa được xây dựng ở Liên Xô cũng là khai sinh ra một hình thái kinh tế - xã hội mới trong lịch sử loài người đó là hình thái kinh tế xã hội Cộng sản chủ nghĩa. Đây là hình thái kinh tế xã hội tiến bộ trong lịch sử nhân loại, đem lại sự giải phóng giai cấp, giải phóng con người một cách triệt để.

          Hai là, Cách mạng Tháng Mười thành công tạo thời cơ bùng nổ, chỗ dựa vững chắc cho hai dòng thác cách mạng khác của thời đại trở thành cao trào.

          Cách mạng Tháng Mười đã thức tỉnh các dân tộc thuộc địa, đồng thời vạch ra tính tất yếu trong sự liên minh giữa phong trào công nhân với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và đã chỉ ra rằng, chỉ có cách mạng vô sản, sự giúp đỡ của giai cấp công nhân các nước đã nắm chính quyền thì mới có thể giải quyết được vấn đề dân tộc. Vì vậy, dòng thác cách mạng thứ nhất đã trở thành cao trào đó là dòng thác giải phóng dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, nhiều Đảng Cộng sản đã thành lập từ Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ La tinh. Do đó, Đảng Cộng sản đã lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở khắp các châu lục từ châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, đấu tranh giải phóng giai cấp, dân tộc thoát mọi khổ đau, áp bức, bóc lột bất công, thoát khỏi xiềng xích của dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trở thành người làm chủ vận mệnh của quốc gia, dân tộc mình, trở thành các dân tộc độc lập. Vì vậy,  hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân bị xóa bỏ, tạo tiền đề ra đời hàng trăm quốc gia độc lập, làm thay đổi sâu sắc bản đồ chính trị thế giới. Cách mạng Tháng Mười thắng lợi cùng với việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô giành được những kết quả tốt đẹp đã cổ vũ dòng thác cách mạng thứ hai của thế giới trở thành cao trào đó là dòng thác xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, các nước xã hội chủ nghĩa đã ra đời ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Bungari, Hunggari, Rumani, Anbani, Cộng hòa Dân chủ Đức. Một số nước sau giải phóng dân tộc đã lựa chọn con đường phát triển đi theo chủ nghĩa xã hôi như Mông Cổ, Việt Nam, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Trung Quốc, Cu ba. Chủ nghĩa xã hội hiện thực từ một nước là Liên Xô (Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết gồm 15 nước cộng hòa) trở thành một hệ thống thế giới với khoảng 1/3 dân số và 1/4 diện tích toàn cầu. Bên cạnh hai dòng thác cách mạng trên thì với thắng lợi của cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa cũng đã thôi thúc phong trào đấu tranh vì dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội diễn ra tại nhiều nước Tư bản chủ nghĩa.

          Ba là, Chủ nghĩa xã hội trở thành đối trọng hữu hiệu với chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc trên các lĩnh vực quân sự, hòa bình, an ninh và phát triển

          Cách mạng Tháng Mười giành thắng lợi cùng với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới đã đưa chủ nghĩa xã hội trở thành đối trọng hữu hiệu với chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc trên lĩnh vực quân sự, đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc trên phạm vi toàn thế giới và đã để lại cho nhân loại nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực đấu tranh gìn giữ, bảo vệ hòa bình. Góp phần quan trọng vào việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít; đẩy lùi âm mưu bành trướng, xâm lược của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc trên phạm vi toàn cầu. Chủ nghĩa xã hội cũng là tấm gương ưu việt tương phản buộc chủ nghĩa tư bản hiện đại phải điều chỉnh, thích nghi; là thành trì, chỗ dựa vững chắc cho cách mạng thế giới vì các mục tiêu lớn của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

          Ngày nay, dù chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ (bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan), song không thể phủ nhận những cống hiến vĩ đại của Cách Mạng Tháng Mười, cuộc cách mạng đã quyết định xu hướng vận động của thế giới trong thế kỷ XX. Với những thành tựu của công cuộc cải cách, đổi mới của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại từ năm 1991 đến nay, chúng ta có đủ căn cứ để khẳng định rằng: Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng triệt để nhất, tiến bộ nhất trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, tiếp tục có sức lan tỏa, hấp dẫn đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên thế giới, bởi tính cách mạng, nhân văn, nhân đạo sâu sắc của nó. Chúng ta trân trọng những cống hiến, đóng góp của Cách mạng Tháng Mười để cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hôm nay.

ThS. Dương Thị Kim Toan
Trưởng khoa Lý luận cơ sở

Các tin đã đăng