Cách mạng tháng Tám năm 1945 - ý nghĩa, giá trị và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc

Cập nhật: 19/08/2023 20:53

ThS. Phạm Thị Dung

Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

Cách đây tròn 78 năm, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra và giành thắng lợi. Nhân dân ta đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp hơn 80 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, giành quyền độc lập dân tộc, thành lập Nhà nước Cộng hòa Dân chủ, đưa nhân dân lên vị trí làm chủ đất nước. Đất nước, dân tộc, nhân dân ta bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh
tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945

Ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám

Cách mạng Tháng Tám khẳng định xu thế phát triển và tạo nên sức bật mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam theo con đường mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh.

Cách mạng Tháng Tám cũng xác lập và nâng cao vị trí quốc tế của dân tộc Việt Nam trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới, đấu tranh phá bỏ nô dịch dân tộc, xây dựng nền độc lập bền vững, gắn kết chặt chẽ với tự do, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân, với bình đẳng và tiến bộ xã hội. Do vậy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mang tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa sâu sắc, như một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng thuộc địa trên thế giới.

Những luận điệu xuyên tạc

Cứ đến hẹn mỗi năm, trong không khí cả nước phấn khởi chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm chào mừng Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên một số các đài VOA, BBC,… cũng như một số trang mạng xã hội Youtube, Twitter, Facebok của các tổ chức “Việt Tân”, “Nhân dân hành động”, “Triều đại Việt”, “Tiếng dân”,…  trong và ngoài nước… thông qua các hình thức bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử, luận đàm lịch sử, đã xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật lịch sử, phủ nhận thành quả đấu tranh của toàn dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; bôi nhọ lãnh tụ dân tộc; phủ nhận, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Cách mạng Tháng Tám nói riêng và trong tổng quan nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung.

Các luận điểm xuyên tạc cho rằng “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sai lầm lịch sử”; Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sự ăn may” vì Nhật Bản thua cuộc trong chiến tranh thế giới thứ II, việc giành chính quyền chẳng qua là sự chớp thời cơ từ “khoảng trống quyền lực” sau khi Nhật đầu hàng đến khi quân Đồng Minh vào làm nhiệm vụ giải giáp quân dội Nhật. Một số lại cho rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam”; “nếu không có Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta đã giàu mạnh từ lâu và không mất dân chủ như bây giờ”... Nghiêm trọng hơn, những người này cho rằng, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã áp đặt một chế độ độc tài toàn trị, Cách mạng Tháng Tám không thay đổi về mặt bản chất chế độ nhà nước, chỉ thay đổi hình thức từ chế độ “vua trị” sang chế độ “Đảng trị”, chế độ hiện nay chính là chế độ phong kiến kéo dài mà thôi.

Với những thủ đoạn như cắt, ghép thông tin, hình ảnh, xuyên tạc, bóp méo sự thật, đánh tráo khái niệm - lập lờ “đánh lận con đen”… Những thủ đoạn kiểu này thường được thực hiện khá tinh vi, bài bản, có quy trình, được đầu tư về thời gian, kỹ thuật và tài chính. Do đó, khi tiếp cận thông tin, không chỉ những người có nhận thức hạn chế, phiến diện mà đôi khi cả những người có trình độ, nhận thức sâu rộng cũng có thể hiểu sai bản chất vấn đề hoặc hoài nghi tính đúng đắn của vấn đề.

Phản bác các luận điểm xuyên tạc, sai trái bằng chính sự thật lịch sử

Nhìn lại lịch sử, có thể khẳng định thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, là thành quả của sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh của dân tộc. Đặc biệt, thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nhờ tư duy sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán của Đảng, Bác Hồ trong xác định, lựa chọn thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa.

Trước hết, Cách mạng Tháng Tám thành công là kết quả chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của Đảng ta trong suốt 15 năm (1930 - 1945), từ chủ trương, đường lối, tổ chức thực hiện đến xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng:

Cách mạng Tháng Tám thành công đã thể hiện tính nhất quán mục tiêu chiến lược được Đảng Cộng Sản Việt Nam vạch ra từ Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng tháng 2/1930: “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[1]. Để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược, Đảng Cộng sản Việt Nam (từ tháng 10/1930 đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương) lãnh đạo, đoàn kết tất cả các lực lượng yêu nước tiến hành đấu tranh trực diện với kẻ thù qua 3 phong trào cách mạng: Phong trào Cách mạng 1930 - 1931; Phong trào Cách mạng 1936 - 1939; Phong trào Cách mạng 1939 - 1945.

Riêng trong phong trào cách mạng 1939 - 1945, Đảng ta đã trực tiếp chuẩn bị cả về đường lối, căn cứ địa và lực lượng cách mạng để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Đảng ta xác định phải xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc ở Bắc Sơn, Cao Bằng, với các tên gọi khác nhau. Chúng ta đã xây dựng Việt Bắc thành căn cứ địa hoàn chỉnh; là “hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam”; trong đó, Tuyên Quang được xác định là “Thủ đô kháng chiến”. Việc xây dựng căn cứ địa vững chắc nhằm “tạo thế” quan trọng để Tổng khởi nghĩa đi đến thắng lợi sau này.

Thứ hai, về dự báo thời cơ và kiên quyết chỉ đạo chớp thời cơ.

Thực tiễn lịch sử cho thấy, trong Cách mạng Tháng Tám, thời cơ chỉ xuất hiện và tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, từ khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh (14/8/1945) đến khi quân Đồng Minh vào giải giáp quân đội Nhật (05/9/1945). Cuộc Tổng khởi nghĩa nếu diễn ra sớm hơn hoặc chậm hơn thời gian này, thì cơ hội để giành độc lập dân tộc là rất ít. Vì nếu diễn ra trước ngày 15/8, lúc này quân Nhật còn rất mạnh, ý chí chiến đấu chưa bị đè bẹp. Còn sau ngày 05/9, quân Đồng minh sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật, lúc đó trên đất nước ta sẽ xuất hiện rất nhiều lực lượng bất lợi cho cách mạng như: Quân đội Trung Hoa dân quốc ở miền Bắc, quân đội Anh ở miền Nam và nhiều lực lượng chính trị phản động khác. Chính vì thế, muốn giành thắng lợi chỉ có thể phát động Tổng khởi nghĩa trong khoảng thời gian từ ngày 15/8/1945 đến trước ngày 05/9/1945. Khoảng thời gian đó chính là thời cơ “nghìn năm có một” đối với dân tộc ta.

Ngay khi nhận được tin Nhật Bản chấp nhận đầu hàng quân Đồng Minh, chớp thời cơ “nghìn năm có một”, ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Ngày 14 và 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định phát động toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc. Ngày 16/8/1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào, tán thành quyết định tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã diễn ra và giành thắng lợi nhanh chóng trong vòng 15 ngày (từ ngày 14/8 đến ngày 28/8/1945), trong đó, thắng lợi ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8) có ý nghĩa quyết định. Ngày 02/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một chương mới trong lịch sử dân tộc: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, là một thắng lợi vĩ đại đầu tiên của cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đi vào lịch sử dân tộc ta và trải qua gần 8 thập kỷ kiểm nghiệm bằng những thắng lợi vĩ đại của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, bằng những thành tựu to lớn, quan trọng của sự nghiệp xây dựng đất nước theo đường lối đổi mới mà nhân dân ta đã và đang tiến hành. Đặc biệt, qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”[2].

Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử kết tinh sức sáng tạo của Đảng và Nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta được mở ra từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Có thể khẳng định, thực tiễn lịch sử Việt Nam 78 năm qua là minh chứng rõ ràng nhất đã hoàn toàn bác bỏ luận điệu sai trái, tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị về Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sự thật hiển nhiên chỉ có một, với chân lý đã khẳng định giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 luôn tỏa sáng và không bao giờ bị phai mờ theo thời gian./.

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr2.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, H, 2021, t2, tr 322.