TS. Phạm Thị Quỳnh Liên
Trưởng phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế; Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Bởi vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nói chung và đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ nói riêng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Ngày 19/5/2021, Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn được ban hành đã tạo ra bước đột phá lớn trong việc tạo ra khung khổ thống nhất, khoa học và đồng bộ trong xây dựng và phát triển các trường chính trị. Bám sát các quy định của Trung ương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Thành ủy, sự phối hợp hiệu quả của các ban, sở, ngành, căn cứ vào đề nghị của Trường Chính trị Tô Hiệu và tham mưu của Ban Tổ chức Thành ủy, ngày 03/6/2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị Tô Hiệu đạt chuẩn”. Đây là căn cứ để xây dựng Nhà trường đạt chuẩn theo 6 tiêu chí, chuẩn hóa, nền nếp từ hoạt động quản lý, xây dựng và sử dụng hiệu quả đội ngũ đến tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; đồng thời xây dựng và thực hiện văn hóa trường Đảng nhằm tạo ra môi trường làm việc văn minh, trách nhiệm; đầu tư tổng thể cơ sở vật chất, trang bị phương tiện kỹ thuật và tài chính đồng bộ để tạo ra các điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng và đổi mới tổng thể về tổ chức, hoạt động của nhà trường. Từ đó đạt được sự thay đổi về chất, vươn lên xứng tầm là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức duy nhất tại Hải Phòng.
Nhận thức được đây là cơ hội để phát triển nhà trường theo hướng khoa học, đồng bộ và hệ thống, tạo ra thay đổi về chất các mặt hoạt động, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Trường đã chủ động, phối hợp với các ban, sở ngành tham mưu xây dựng và hoàn thiện 55 chỉ tiêu của 6 tiêu chí trường chính trị chuẩn. Ngày 04/5/2023 nhân dịp kỷ niệm 73 năm thành lập Trường, Trường Chính trị Tô Hiệu là 1 trong 4 trường chính trị đầu tiên trong cả nước được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao tặng bằng công nhận trường chính trị chuẩn mức 1.
Nhà trường cũng ý thức được việc đạt các chỉ tiêu của chuẩn mức 1 đã khó, giữ được thành quả đã đạt và phát huy hiệu quả sử dụng đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất và các sản phẩm nghiên cứu khoa học để tạo thành chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thành phố, tham gia sâu, rộng vào sự phát triển của địa phương còn khó hơn. Bởi vậy, trên cơ sở kết quả các tiêu chí đã đạt được của chuẩn mức 1, Trường xác định, tiếp tục giữ vững thành quả đạt được, nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí của chuẩn mức 1 và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuẩn mức 2 theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư. Căn cứ vào đánh giá mức độ đạt được các tiêu chí của chuẩn mức 2 và điều kiện thực tế, Trường chủ trương kế thừa thành quả đã đạt được, nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn mức 2 vào năm 2025.
Để đạt được sự bứt phá, thay đổi về chất trong quá trình phát triển, hoàn thành các chỉ tiêu của 6 tiêu chí chuẩn mức 2, thiết nghĩ cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, đánh giá đúng thực trạng mức độ đạt được các tiêu chí của chuẩn mức 2 theo Quy định số 11-QĐ/TW để phân công các đơn vị, cá nhân thực hiện. Trên cơ sở Đề án “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị Tô Hiệu” đã được Ban Thường vụ phê duyệt, tiến hành rà soát và điều chỉnh Kế hoạch tổng thể số 60-KH/TCT ngày 24/7/2022 của Trường Chính trị Tô Hiệu về triển khai thực hiện Đề án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Trường Chính trị Tô Hiệu đạt chuẩn mức 2 để phân công các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, cá nhân phụ trách thực hiện các chỉ tiêu của chuẩn mức 2. Định kỳ hàng tháng tiến hành đánh giá để kịp thời điều chỉnh và có giải pháp thúc đẩy hiệu quả việc thực hiện các chỉ tiêu của 6 tiêu chí chuẩn mức 2.
Thứ hai, kịp thời đề xuất, tham mưu để Thành ủy và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quan tâm, giúp đỡ đồng thời phối hợp hiệu quả với các ban, sở, ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục thực hiện phương châm: phát huy nội lực, khơi dậy khát vọng phát triển của đội ngũ cán bộ, viên chức và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị khoa, phòng; chủ động liên hệ với các ban, sở, ngành và các cá nhân liên quan để phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Trường triển khai các nội dung cụ thể. Đồng thời tranh thủ sự quan tâm, thường xuyên báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để được giúp đỡ và tạo điều kiện, môi trường tốt nhất cho Trường hoàn thiện các chỉ tiêu.
Thứ ba, Xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức đủ về số lượng, có năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng các yêu cầu của đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn các vấn đề liên quan cho thành phố. Đây không chỉ là nhân tố quyết định thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ đã đề ra, mà còn khẳng định vị thế của nhà trường, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của Nhà trường. Muốn vậy, cần sự quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện của Thành phố, sự quyết tâm, đồng lòng của lãnh đạo và toàn thể đội ngũ cán bộ, viên chức của Trường trong công tác cán bộ. Ngay từ việc xây dựng khung vị trí việc làm, các quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, cán bộ, giảng viên cho đến khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, tiếp nhận, điều chuyển, sắp xếp đội ngũ và thực hiện chính sách cán bộ đều phải dựa trên các chỉ tiêu cụ thể của tiêu chí đội ngũ cán bộ, viên chức trong chuẩn mức 2. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ còn phải gắn với sử dụng hiệu quả đội ngũ và chế độ đãi ngộ; tạo ra môi trường, điều kiện để cán bộ, viên chức được phát huy tài năng và có thể thu hút nhân tài từ các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công về công tác tại Trường.
Thứ tư, thực hiện đúng, đủ, hiệu quả và nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ, chương trình được giao đồng thời mở rộng các loại hình và hình thức bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng theo ngạch, bậc chức danh. Đây được xem như xương sống, thực hiện sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ chính, quyết định sự tồn tại và phát triển của Nhà trường. Ngoài các chương trình được giao theo kế hoạch của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố cần chủ động đề xuất, khai thác mở rộng các loại hình, hình thức bồi dưỡng, liên kết với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường đại học và các cơ quan, ban, ngành để phát huy tốt hơn sức mạnh đội ngũ và cơ sở vật chất, khẳng định năng lực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, trở thành trung tâm kết nối, xứng tầm là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức duy nhất cấp thành phố của Hải Phòng.
Thứ năm, nâng cao chất lượng và mở rộng lĩnh vực các hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Đây là cơ sở để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đồng thời khẳng định vị thế của Trường, tham gia sâu rộng vào các hoạt động của thành phố.
Thứ sáu, Khơi dậy khát vọng vươn lên, sự nỗ lực quyết tâm, tập trung cao của tập thể cán bộ viên chức nhà trường, xây dựng văn hóa trường đảng, thực hiện kỷ luật kỷ cương để tạo nên môi trường làm việc nền nếp, hiệu quả. Phát huy tinh thần đoàn kết, các giá trị văn hóa trường đảng, lan tỏa tinh thần quyết tâm tạo ra những đột phá cho Nhà trường trong toàn thể đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động. Muốn vậy, trước hết cần phải đánh giá và xếp loại được chất lượng viên chức. Đây là căn cứ để xây dựng thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với viên chức. Xây dựng được bộ tiêu chí về đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức và ứng xử văn hóa của cán bộ, viên chức để xác định rõ nhiệm vụ, công việc; bảo đảm lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu để đánh giá phẩm chất, năng lực của viên chức. Từ đó, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, tạo động lực khuyến khích, phát huy tiềm năng của đội ngũ vào thực hiện nhiệm vụ chung của Nhà trường.
Đặc biệt cần thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động quản lý, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và trong các hoạt động phục vụ. Xây dựng và rèn luyện phong cách người cán bộ trường đảng, giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo, chuẩn mực của cơ quan. Phát huy vai trò nêu gương của người cán bộ lãnh đạo quản lý, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cơ quan và cấp trên; trách nhiệm đối với bản thân mình trước công việc được giao và trách nhiệm đối với xã hội, nói đi đôi với làm, thực hiện văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân đối với người, với công việc.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, xác định rõ vị thế của Nhà trường; đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát huy các giá trị truyền thống; kế thừa những thành quả đạt được và kinh nghiệm thực hiện chuẩn mức 1; với phương châm không ngừng đổi mới, có tầm nhìn chiến lược về sự phát triển một cách đồng bộ và toàn diện, lấy chất lượng và hiệu quả hoạt động làm thước đo; thực hiện đồng bộ các giải pháp, Trường Chính trị Tô Hiệu tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chỉ tiêu của chuẩn mức 2, phấn đấu là 1 trong các trường chính trị đầu tiên trong cả nước hoàn thiện các chỉ tiêu của trường chuẩn mức 2. Xây dựng Trường xứng tầm là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức duy nhất cấp Thành phố của Hải Phòng.