Chi bộ Khoa Nhà nước và pháp luật với việc thực hiện mô hình dân vận khéo “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng người đảng viên, giảng viên Trường Chính trị Tô Hiệu chuyên nghiệp, hiện đại”

Cập nhật: 12/10/2023 15:57

 Trong quá trình cách mạng Việt Nam, từ trong đấu tranh giành độc lập dân tộc đến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công[1]. Thực hiện lời dạy của Người, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được kết quả đó là phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đang ngày càng lan tỏa, mang lại hiệu ứng tích cực cho quá trình phát triển đất nước. Phong trào “Dân vận khéo” dần trở thành phương thức quan trọng trong công tác vận động nhân dân. Hiện nay, có rất nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tập hợp, động viên, đoàn kết các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.

Trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường chính trị Tô Hiệu, nhiệm kỳ 2020-2025, đối với công tác dân vận, nhà trường đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật, tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua "Dân vận khéo", góp phần đưa các phong trào cách mạng ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, tạo sự lan tỏa sâu rộng, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Năm 2023, chi bộ Khoa Nhà nước và pháp luật đã lựa chọn chủ đề “Chi bộ khoa Nhà nước và Pháp luật với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng người đảng viên, giảng viên trường Chính trị Tô Hiệu chuyên nghiệp, hiện đại” là mô hình “Dân vận khéo”. Việc triển khai mô hình đã được đông đảo đội ngũ đảng viên, giảng viên của chi bộ Khoa tích cực hưởng ứng tham gia và bước đầu đạt những kết quả nhất định.

1. Sự cần thiết triển khai mô hình

Ngày nay với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật thì công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực có nhiều đóng góp thiết thực nhất cho sự phát triển của xã hội. Các ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia trực tiếp vào hoạt động của con người, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trở thành xu thế phát triển của thế giới.

Những năm gần đây, ngành giáo dục rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả. Từ mô hình lớp học tập trung đã dần chuyển sang các mô hình dạy học trực tuyến, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông đễ hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, học tập. Qua đó, người học có thể tiếp cận tri thức mọi nơi, mọi lúc, có thể chủ động trong việc học tập và ứng dụng kiến thực vào thực tiễn. Sự bùng nổ về công nghệ giáo dục đã, đang và sẽ tạo ra những phương thức giáo dục phi truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền giáo dục mang tính chuyển đổi sâu sắc vì con người. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ 2 sau lĩnh vực y tế.

Ngày 26/10/2021, Thành ủy Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo được Thành phố xác định là một trong những lĩnh vực được ưu tiên phát triển trong nhiệm vụ phát triển Xã hội số. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của giáo dục đào tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với ngành mà còn tác động rất lớn đối với sự phát triển của đất nước, của Thành phố.

Trường Chính trị Tô Hiệu đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành uỷ Hải Phòng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ Thành uỷ. Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.

Nhận thức tầm quan trọng, ý nghĩa của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo nói chung và giảng dạy lý luận chính trị nói riêng, trong những năm gần đây, đội ngũ đảng viên, giảng viên, chuyên viên của Nhà trường luôn xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các hoạt động chuyên môn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Nhà trường. Từ đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo đội ngũ giảng viên, chuyên viên Nhà trường.

Là Khoa chuyên môn của Nhà trường, nhằm thiết thực thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện chủ đề năm của Thành phố Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”, đặc biệt nhận thức được ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; với mong muốn lan tỏa những giá trị tích cực từ việc triển khai hoạt động này, Chi bộ Khoa Nhà nước và Pháp luật, trường Chính trị Tô Hiệu đã lựa chọn xây dựng và triển khai mô hình Chi bộ khoa Nhà nước và Pháp luật với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng người đảng viên, giảng viên trường Chính trị Tô Hiệu chuyên nghiệp, hiện đại”.

2. Mục tiêu của mô hình

Tuyên truyền, lan tỏa nhận thức của cấp ủy, chi bộ, đảng viên chi bộ khoa Nhà nước và Pháp luật về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.

Xây dựng phong cách, tư duy làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy khả năng thích ứng của giảng viên trước sự phát triển của công nghệ thông tin trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu giảng viên nhằm hiện thực hóa các tiêu chí hướng tới xây dựng Trường chính trị Tô Hiệu đạt chuẩn mức 2 vào năm 2025, đáp ứng yêu cầu là trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở duy nhất của Thành phố.

Chi bộ Khoa họp triển khai mô hình

3. Nội dung cụ thể của mô hình

 Mô hình được xây dựng theo phương châm “2 chủ động, 3 lợi ích, 4 cấp độ”

2 chủ động

Thứ nhất, Chi bộ chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các đảng viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; chủ động trong việc lên kế hoạch, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, khích lệ, động viên đảng viên trong suốt quá trình triển khai mô hình.     

Thứ hai, Đảng viên, giảng viên chủ động đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong ứng dụng công nghệ thông tin.

 Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước mắt là chuyển đổi số, đòi hỏi giảng viên trường chính trị phải chuyển đổi suy nghĩ, thay đổi cách làm, và chủ động tạo ra một môi trường giảng dạy và học tập sáng tạo, phát huy các giá trị lớn trong kỉ nguyên số là sự chia sẻ, là kết nối, là yếu tố mềm… Khả năng thích ứng của giảng viên giúp người học được thụ hưởng những bài giảng hay, những ý tưởng sáng tạo mới mẻ.

3 lợi ích

Mô hình hướng tới cung cấp được 03 lợi ích trực tiếp cho quá trình đào tạo, bồi dưỡng

Thứ nhất, hỗ trợ giảng viên trong soạn và giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Ứng dụng công nghệ thông tin giúp giảng viên dễ dàng, thuận lợi trong quá trình xây dựng giáo án điện tử và bài giảng điện tử. Giáo án điện tử là phần bài soạn của giảng viên, có nội dung bao gồm mục tiêu về: kiến thức, kỹ năng, thái độ, tiến trình giảng dạy, các hoạt động của giảng viên và học viên. Giáo án điện tử được soạn sẵn và in ra thay thế cho các giáo án viết tay. Bài giảng điện tử là những tập tin được giảng viên trình bày thông qua slide nhằm truyền tải kiến thức đến học viên. Bài giảng điện tử tạo ra sự tương tác giữa người dạy và người học.

Thứ hai, khai thác, tìm kiếm, chia sẻ tạo phông kiến thức đa dạng và được cập nhật thường xuyên đối với giảng viên. Thông qua ứng dụng, công nghệ thông tin, giảng viên có thể nghiên cứu, tra cứu, tham khảo, tìm tài liệu thông qua Internet; trao đổi thông tin qua email, sử dụng giáo án điện tử, sách điện tử. Những công cụ tìm kiếm như: giáo án điện tử, ebook, website,…, đã mở ra một “kho tàng” kiến thức phong phú cho giảng viên. Tùy theo khả năng và nhu cầu, giảng viên có thể chủ động tích lũy kiến thức cho riêng mình.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả, chất lượng bài giảng cả về nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy. Trước đây, giảng viên chỉ có thể truyền tải bài giảng qua bảng đen, phấn trắng hoặc giáo trình khô khan. Hiện tại, với sự hỗ trợ của công nghệ, những bài giảng trở nên sinh động và thu hút hơn. Giảng viên có thể tích hợp với các phương tiện khác như: âm thanh, hình ảnh, video,…, để làm ví dụ minh họa cho bài giảng của mình.

4 cấp độ

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là quá trình học hỏi, khảo nghiệm, ứng dụng từ cấp độ cơ bản đến cấp độ cao.

Cấp độ 1: Ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ cơ bản là sưu tầm tài liệu, in giáo án, tranh ảnh…

Cấp độ 2:  Ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc trình chiếu trên tivi, màn hình, slide kết hợp với ghi chép nội dung trên bảng.

Cấp độ 3: Giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy để toàn bộ buổi học thông qua máy chiếu.

Cấp độ 4:  Mọi vấn đề dạy học đều dùng công nghệ thông tin. Người học được học bằng máy chiếu, cung cấp tài liệu thông qua các ứng dụng đang phổ biến như Email, Zalo, Group Facebook…

Tài liệu học tập cần được số hóa bao gồm: Sách giáo khoa; Bài giảng; Hệ thống câu hỏi ôn tập; Các tài liệu tham khảo được biên soạn bởi đội ngũ giảng viên và chuyên gia uy tín, đảm bảo chất lượng cao và phù hợp với chương trình trung cấp lý luận chính trị. Các loại học liệu trên được cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của nhà trường, giúp giảng viên và học viên có thể tìm kiếm và sử dụng học liệu mới nhất. Mỗi học viên được cấp tên tài khoản, mã đăng nhập riêng để phục vụ tra cứu, tải tài liệu học tập.

4. Cách thức triển khai mô hình

Thứ nhất, đối với hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ

Chi bộ khoa đã ứng dụng công nghệ thông tin vào đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt chi bộ, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến; thường xuyên triển khai các hoạt động, thông tin của chi bộ trên nền tảng công nghệ (nhóm zalo), đảm bảo việc triển khai được nhanh chóng, kịp thời.

Chi bộ khoa định hướng giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo kiến thức trọng tâm, phù hợp với đối tượng học viên, phát huy được những ưu điểm của giảng viên và khắc phục những hạn chế của giảng viên trong quá trình triển khai mô hình. Có thể nhận thấy, Công nghệ thông tin có thể không phù hợp với tất cả các bài giảng, một số bài giảng vẫn cần thực hiện giảng dạy theo phương pháp truyền thống.

Chi bộ tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền mô hình một cách sâu rộng, phù hợp tới các đồng chí đảng viên trong chi bộ.

Giảng viên chi bộ Khoa tham gia tập huấn ứng dụng CNTT

Theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên để có những điều chỉnh kịp thời trong quá trình giảng viên thực hiện mô hình.

Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện mô hình ở cấp khoa sau một thời gian triển khai mô hình, tiếp thu những khó khăn, vướng mắc của giảng viên để tìm ra giải pháp nhằm thực hiện mô hình hiệu quả hơn.

Thứ hai, đối với đảng viên, giảng viên trong chi bộ

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong số hóa tài liệu học tập lý luận chính trị và đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị.

Việc số hóa tài liệu giúp chuyển đổi những tài liệu truyền thống in trên giấy thành các file dữ liệu kĩ thuật số dễ dàng lưu giữ và chia sẻ mọi lúc mọi nơi trên môi trường kết nối Internet.

100% giảng viên của Khoa sử dụng phần mềm Microsoft Office để tiến hành soạn thảo bài giảng.

Sử dụng Microsoft Word để lập kế hoạch, xây dựng giáo án điện tử theo tiến trình bài giảng. Trong đó, đặc biệt chú ý tới phương pháp, cách thức triển khai phù hợp với nội dung của từng phần học.

Sử dụng Microsoft PowerPoint để thiết kế bài giảng. Bài giảng sử dụng PowerPoint trình diễn là công cụ hữu hiệu để đặt vấn đề cho bài giảng, phân tích những hiện tượng diễn tả bằng lời, đưa ra những câu hỏi tình huống cho bài giảng, những câu hỏi có kèm hình ảnh, audio, đồ thị, liên kết … giúp người học có thể so sánh, đánh giá khái quát nội dung thông tin, đưa thêm những thông tin mới mà giảng viên cần truyền đạt gắn liền lý luận với thực tiễn.

Giảng viên của khoa thường xuyên khai thác, trao đổi thông tin trên Interrnet

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học, công nghệ, mạng internet thuận tiện nên giảng viên có nhiều điều kiện để kết nối với các nguồn tài liệu phong phú, đa dạng, làm phong phú thêm bài giảng của mình mà không mấ́t nhiều thời gian tra cứu các thư viện như trước đây.

Bên cạnh đó, giảng viên có thể trao đổi bài giảng trực tiếp thông qua mạng Internet, trao đổi những vấn đề thực tiễn, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trên mọi miền của đấ́t nước, tốn rấ́t ít thời gian và công sức đi lại.

Giảng viên của khoa sử dụng đa dạng các phần mềm hỗ trợ giảng dạy trực tiếp, trực tuyến.

Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm phần mềm phục vụ cho quá trình dạy và học đã xuất hiện. Mỗi sản phẩm đều có một đặc trưng riêng, phục vụ cho mục tiêu xác định của người giảng viên. Mỗi giảng viên có thể tham khảo các phần mềm và lựa chọn phần mềm nào có thể dùng đưa vào bài giảng một cách phù hợp. 100% giảng viên khoa sử dụng đa dạng, thành thạo các phần mềm vào giảng dạy như: Quizizz, Quizlet, Poll Everywhere, Zoom, Google Meet, Google Classroom, Microsoft Teams … Việc sử dụng đa dạng các phần mềm đã góp phần phát huy tính tích cực trong lĩnh hội tri thức của của học viên, làm thay đổi hình thức giảng dạy, nâng cao chất lượng từng bài giảng.

Giảng viên chi bộ Khoa ứng dụng CNTT trong giảng dạy và quản lý học viên thông qua phần mềm giảng dạy trực tuyến Microsoft Teams

Giảng viên thường xuyên tổng kết thực tiễn, tự đánh giá, rút kinh nghiệm ở góc độ cá nhân sau khi thực hiện mô hình. Trên cơ sở đó giảng viên kịp thời đề xuất với khoa các giải pháp thực hiện mô hình tốt hơn.

5. Hiệu quả và kinh nghiệm bước đầu

5.1. Hiệu quả

* Đối với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của khoa:

Thông qua việc xây dựng, tổ chức, triển khai mô hình đã khơi dậy tinh thần học tập, làm việc hăng say, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu, giảng dạy, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trong nhà trường.

Đội ngũ đảng viên, giảng viên trong chi bộ nói riêng và đảng bộ nhà trường nói chung đã tiếp cận, cập nhật nhanh chóng, ứng dụng ngày càng thành thạo công nghệ hiện đại vào trong công tác nghiên cứu, giảng dạy. Bên cạnh đó, giảng viên có thể chọn lựa nhiều phương pháp giảng dạy tích cực, phù hợp nội dung và mục tiêu mà mình mong muốn, làm tăng khả năng truyền tải kiến thức đến với học viên, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng

Khắc phục được một số hạn chế của phương pháp giáo dục truyền thống, phương pháp giảng dạy, học tập chuyển từ việc học viên “thụ động” tiếp nhận kiến thức sang “chủ động” nghiên cứu, tự học, trao đổi, phản biện với giảng viên để nắm bắt kiến thức, nắm bắt các vấn đề.

Chất lượng bài giảng của giảng viên được nâng cao. Việc sử dụng công nghệ hỗ trợ giúp bài giảng trở nên sinh động, giảng viên hoàn toàn thoải mái để tích hợp các phương tiện tiện ích khác như: âm thanh, hình ảnh, video minh họa,… để làm các ví dụ cho học sinh của mình dễ hiểu, các tiết học trở lên sinh động, bớt nhàm chán, thu hút sự quan tâm của học viên hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 có những diễn biến phức tạp, các giảng viên đã thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của mình trên các phần mềm giảng dạy trực tuyến nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Thực tiễn tổ chức, triển khai mô hình đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, tháng 9/2023, khoa Nhà nước và Pháp luật vinh dự có 01 đồng chí giảng viên được đại diện nhà trường tham dự “Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VIII”. Việc khai thác, sử dụng thành thạo, nhuần nhuyễn công nghệ thông tin phục vụ bài giảng đã góp phần giúp đồng chí giảng viên đạt danh hiệu “Giảng viên dạy xuất sắc” trong hội thi.

* Đối với việc thực hiện lề lối, tác phong làm việc

Trong việc thực hiện lề lối, tác phong làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại những kết quả nhất định, góp phần xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, chuyên môn hóa, tăng cường sự phối hợp giữa các cá nhân, tổ chức liên quan, hướng tới xây dựng người đảng viên, giảng viên trường chính trị chuyên nghiệp, hiện đại.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, trao đổi, sinh hoạt chuyên môn, hoạt động đoàn thể nên các đảng viên tiết kiệm nhiều thời gian để làm việc có hiệu quả cao nhất.

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ trong quản lý thời gian, lập kế hoạch nên các giảng viên đều dễ dàng xây dựng kế hoạch làm việc theo năm, tháng, tuần, ngày. Kế hoạch năm là định hướng chung về trách nhiệm của bản thân trong năm, sau đó phải xác định nhiệm vụ trong tháng, trong tuần, trong ngày làm gì; nhiệm vụ nào cần giải quyết trước, nhiệm vụ nào làm sau. Nhờ vậy, các đảng viên trong Chi bộ đều chủ động có ý thức về công việc được giao.

Từ những kết quả ban đầu đạt được trong triển khai mô hình, Chi bộ khoa Nhà nước và Pháp luật đã đề xuất Đảng bộ nhà trường ban hành hướng dẫn nhân rộng mô hình, áp dụng trên phạm vi toàn trường.

5.2. Kinh nghiệm bước đầu

Từ thực tiễn việc tổ chức triển khai, thực hiện mô hình tại Chi bộ khoa Nhà nước và Pháp luật, có một số vấn đề cần lưu ý để tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả thực hiện mô hình như sau:

Về phía Đảng bộ nhà trường:

Cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, phù hợp nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo, bồi dưỡng hiện nay.

Tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin cho đảng viên, giảng viên trong chi bộ và toàn đảng bộ.

Về phía đảng viên, giảng viên:

Tích cực trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn bằng cách nghiên cứu thêm nhiều thông tin từ thế giới Internet, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên mạng.

Thường xuyên nghiên cứu, trao đổi để hoàn thiện các kỹ năng giảng dạy bằng công nghệ thông tin.

Nâng cao kỹ năng kiểm soát lớp học khi sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, đặc biệt là các phương pháp có sử dụng công nghệ thông tin.

Thường xuyên cập nhật, nghiên cứu nắm rõ các phần mềm dạy học và chọn lọc các phần mềm dạy học phù hợp với từng nội dung, từng phần học cụ thể.

Nâng cao trình độ ngoại ngữ để có điều kiện tiếp cận những tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến do sự phát triển của công nghệ 4.0 mang lại. Đây đồng thời là điều cần thiết để giảng viên hội nhập với xu hướng kết nối toàn cầu, hội nhập với giáo dục hiện đại.

6. Kết luận

Việc triển khai mô hình “Dân vận khéo” với chủ đề: Chi bộ khoa Nhà nước và Pháp luật với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng người đảng viên, giảng viên trường chính trị Tô Hiệu chuyên nghiệp, hiện đại” đã nhận được sự quan tâm, sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của cấp ủy chi bộ, sự hưởng ứng, tích cực tham gia vào cuộc của toàn thể đảng viên, giảng viên trong chi bộ. Bước đầu việc triển khai mô hình đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của chi bộ và nhà trường. Mô hình “Dân vận khéo” của chi bộ Khoa Nhà nước và pháp luật Trường Chính trị Tô Hiệu góp phần thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và thực hiện chuyển đổi số theo chủ đề năm 2023 của Thành phố./.

 

 

[1] Báo Sự Thật, số ra ngày 15/10/1949