Nguyễn Thị Thanh Vân
Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó truyền thống “Hiếu học”, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” là một trong những truyền thống luôn được các thế hệ người Việt Nam kế thừa và phát huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.
Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT trong đó có nội dung quy định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày lễ mang tên “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Từ đó đến nay, ngày 20/11 đã trở thành ngày truyền thống của Ngành Giáo dục Việt Nam. Đây là dịp lớp lớp các thế hệ thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến những người thầy giáo, cô giáo của mình.
Hướng đến kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, các cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị Tô Hiệu cũng tổ chức rất nhiều các hoạt động ý nghĩa, thiết thực để chào mừng ngày lễ này. Thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư (khoá XII) và Quyết định số 1481-QĐ/TU ngày 24/6/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị Tô Hiệu; theo đó, Trường được xác định là cơ sở đào tạo duy nhất bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của địa phương. Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cấp cơ sở của thành phố; đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật, quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác do Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố giao.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Cán bộ là “gốc” của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Nhận rõ tầm quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của thành phố nên các thầy, cô ở trường Chính trị Tô Hiệu luôn cố gắng cao nhất vì mục tiêu này. Ngoài việc trau dồi, nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, mỗi cán bộ, giảng viên còn rèn luyện bản thân để có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có sự gương mẫu trong cử chỉ, hành vi, có kiến thức thực tiễn phong phú, sâu sát với cơ sở... Bên cạnh đó, người giảng viên luôn phải có ý thức “Học, học nữa, học mãi”… Không chỉ học trong sách vở mà còn học ở ngoài đời sống thực tế. Không chỉ có sự nhiệt tình, trách nhiệm để nắm vững những tri thức khoa học trong lĩnh vực giảng dạy của mình và truyền đạt đến học viên một cách có hiệu quả mà người giảng viên còn cần nghiên cứu khoa học, học hỏi, trau dồi và nâng cao kiến thức chuyên môn, hiểu biết xã hội, không ngừng cải tiến phương pháp dạy học, khai thác, phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ... để đem lại hiệu quả tích cực qua mỗi bài giảng đến với học viên.
Trong những năm qua, đội ngũ giảng viên đã có những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và qua đó ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của Nhà trường trong hệ thống các cơ quan thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, hiện nay, đội ngũ giảng viên vẫn còn tồn tại một số hạn chế về kinh nghiệm, vốn kiến thức thực tiễn chưa phong phú; việc vận dụng các phương pháp giảng dạy vào bài giảng thiếu linh hoạt... Để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, mỗi giảng viên nhà trường cần nhận thức đầy đủ và nâng cao trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhằm đáp ứng các tiêu chí trường chính trị chuẩn.
Hai là, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng bài giảng. Đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại, gắn lý luận với thực tiễn nhằm nâng cao tính khoa học, tính Đảng trong mỗi bài học để học viên dễ tiếp thu, dễ vận dụng. Nhiệm vụ này đòi hỏi người giảng viên phải chủ động, sáng tạo, không ngừng ứng dụng các phương pháp giảng dạy tích cực; đồng thời cập kịp thời những vấn đề thực tiễn đang đặt ra vào bài giảng để tăng tính chủ động, tích cực và ứng dụng cho học viên trong quá trình học.
Ba là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế trong nhà trường góp phần nâng cao khả năng nghiên cứu của đội ngũ giảng viên nhằm tích lũy kinh nghiệm công tác, tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng yêu cầu học tập nghiên cứu sâu đạt hiệu quả, tạo sự tự tin cho giảng viên khi tham gia các khóa đào tạo nâng cao và chuyên sâu.
Những thế hệ giảng viên của nhà trường hôm nay luôn tự hào khi được cống hiến sức lực và trí tuệ dưới mái trường mang tên đồng chí Tô Hiệu - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất của dân tộc ta. Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/ 20-11-2023), chúng tôi - những thầy giáo, cô giáo trực tiếp giảng dạy trong nhà trường không khỏi bồi hồi, xúc động và tự ý thức sâu sắc những vinh dự cũng như trách nhiệm lớn lao về công việc mà mình đang theo đuổi.… Hành trang mà chúng tôi mang theo không chỉ là tri thức, kinh nghiệm mà hơn hết là lòng tự hào, lòng yêu nghề và hướng tới những giá trị tốt đẹp vì sự phát triển chung của thành phố và đất nước./.