ThS. Nguyễn Thị Huyền
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
Cách đây 69 năm, ngày 13-5-1955, những tên lính Pháp cuối cùng rời Hải Phòng. Nhân dân thành phố Cảng hân hoan chào đón Bộ đội Cụ Hồ từ các cửa ô tiến vào tiếp quản thành phố. Cứ mỗi độ tháng 5 về, cùng với sắc phượng thắm rợp trời người dân thành phố Hải Phòng lại được hân hoan sống lại khoảnh khắc hào hùng của những ngày giải phóng. Nghĩ về tháng năm lịch sử, nhìn lại cả quá trình phát triển, tìm hiểu lịch sử của dân tộc nói chung, của Thành phố nói riêng và không khỏi tự hào với quá trình đổi mới, sự vươn lên không ngừng của Thành phố Cảng hôm nay.
1. Hải Phòng sau Ngày giải phóng - khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chiến đấu bảo vệ Thành phố, góp phần đấu tranh thống nhất đất nước
Thắng lợi của cuộc đấu tranh 300 ngày giải phóng Hải Phòng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc giải phòng hoàn toàn miền Bắc. 300 ngày đóng quân cuối cùng của thực dân Pháp ở Hải Phòng - Kiến An cũng là 300 ngày đấu tranh gay go, quyết liệt nhưng vô cùng sôi động của nhân dân trên các mặt chính trị, kinh tế đòi đối phương thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ; để bảo vệ thành quả cách mạng. Thắng lợi này là kết quả của cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân Hải Phòng - Kiến An dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hải Phòng, tỉnh ủy Kiến An trong 9 năm kháng chiến. Mặc dù thời điểm đó, chúng ta chưa giải phóng được hoàn toàn đất nước nhưng giải phóng Hải Phòng là cơ sở tạo điều kiện để xây dựng miền Bắc vững mạnh, trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này.
Hải Phòng là thành phố Cảng lớn nhất miền Bắc, tiếp nhận phần lớn hàng viện trợ quốc tế và là căn cứ xuất phát của "đường Hồ Chí Minh trên biển". Vì vậy, trong các cuộc leo thang đánh phá miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt Hải Phòng, tiến hành phong toả Cảng, nhằm huỷ diệt đầu mối giao thông vận tải, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, của quốc tế với Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đã dũng cảm chiến đấu, phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân, đánh thắng chiến tranh phá hoại, phong toả Cảng của không quân và hải quân Mỹ, giữ vững mạch máu giao thông, tiếp nhận, vận chuyển hàng chục triệu tấn trang thiết bị quân sự, hàng hoá phục vụ chiến trường. Kể từ trận đầu bắn rơi máy bay Mỹ trên đảo Bạch Long Vĩ (26-3-1965) đến chiến thắng oanh liệt trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Hải Phòng đã chiến đấu trên 4.000 trận, bắn rơi 317 máy bay Mỹ (có 5 chiếc B52), bắt sống 16 giặc lái Mỹ; 28 lần bắn cháy tàu chiến địch.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải Phòng đã tập trung cao độ chi viện cho tiền tuyến, luôn luôn dành cho đồng bào miền Nam tình cảm sâu sắc và hành động thiết thực nhất với tinh thần “Vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “Vì Đà Nẵng - Gò Công kết nghĩa”. Đảng bộ, nhân dân Hải Phòng đã động viên, tiễn đưa hàng chục vạn thanh niên xung phong ra chiến trường đánh giặc. Trong đó, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Để ghi nhận, biểu dương những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng, Bác Hồ đã 3 lần gửi thư khen và tặng cờ luân lưu "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Đảng và Nhà nước trao tặng thành phố Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương chiến công hạng nhất và đặc biệt, năm 1985, thành phố được vinh dự đón nhận Huân chương Sao vàng. Lực lượng vũ trang thành phố, 66 tập thể và 17 cá nhân được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Năm 1994, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" cho 407 bà mẹ.
Hai mươi năm (1955-1975) là thời kỳ lịch sử sôi động, hào hùng những cũng nhiều khó khăn thử thách. Dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng đã nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thắng lợi to lớn trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, đặc biệt là trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, phong toả của đế quốc Mỹ, giữ vững sản xuất, ổn định đời sống, tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, làm tròn trách nhiệm của thành phố Cảng, hoàn thành nhiệm vụ đối với đất nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Những năm 1981 - 1985, Đảng bộ lãnh đạo kinh tế hướng vào xoá tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh XHCN. Đây là một thời kỳ sôi động, Đảng bộ, quân và dân thành phố vận dụng sáng tạo các Nghị quyết Đại hội Đảng thành phố lần thứ IV, lần thứ V, vượt qua thử thách, khó khăn gay gắt do hậu quả của chiến tranh và của đời sống kinh tế - xã hội Hải Phòng, phấn đấu vươn lên giành những thắng lợi to lớn, làm thay đổi bộ mặt thành phố. Đó là những thắng lợi to lớn, toàn diện trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng Đảng và củng cố, tăng cường cơ sở. Thắng lợi đó là do Đảng bộ đã xây dựng được khối đoàn kết nhất trí, tăng cường thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ. Mọi tư tưởng chỉ đạo của Thành uỷ được quán triệt tới các tổ chức của hệ thống chính trị, tới các tổ chức cơ sở của Đảng bộ và từng đảng viên. Thông qua giáo dục nâng cao nhận thức, thông qua tự phê bình và phê bình, cán bộ, đảng viên không ngừng trưởng thành về lập trường tư tưởng và phẩm chất đạo đức, luôn phát huy vai trò lãnh đạo trong phong trào cách mạng của quần chúng.
2. Hải Phòng trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới và Cương lĩnh của Đảng, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã nhận thức ngày càng đầy đủ hơn vị thế, tiềm năng, lợi thế, đề ra chiến lược phát triển thành phố trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách đúng đắn và có quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, giành được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự biến đổi sâu sắc, cơ bản trên mọi mặt của đời sống xã hội thành phố, góp phần cùng cả nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế và kém phát triển. Trong 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước 2001-2010, kinh tế thành phố ổn định, tăng trưởng khá nhanh và toàn diện; quy mô kinh tế được mở rộng, năng lực sản xuất-kinh doanh được nâng lên, đặc biệt là nội lực. GDP tăng liên tục với tốc độ bình quân 11,1%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá,…
Ngày nay, sau hơn 37 năm đổi mới giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển. Thế và lực, uy tín quốc tế của đất nước tăng lên. Nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, với những thời cơ lớn và cả những khó khăn, thách thức lớn. Hải Phòng, với vị trí địa lý quan trọng và những tiềm năng, lợi thế của mình, có vai trò và trách nhiệm to lớn góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của đất nước.
Do vai trò, vị trí quan trọng của Hải Phòng, năm 2003, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ra Nghị quyết số 32-NQ/TƯ về xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã được Ðảng bộ và nhân dân Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tích cực, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo ra bước phát triển mới và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật là thành phố đã có bước chuyển biến mới về phát huy các nguồn lực và lợi thế cho đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Công tác quy hoạch được quan tâm hơn, đạt kết quả tích cực; việc gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội có tiến bộ; quốc phòng, an ninh được củng cố; công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị có chuyển biến mới.
Nếu như Nghị quyết số 32-NQ/TƯ của Bộ Chính trị là điểm tựa để “đánh thức” Hải Phòng vươn dậy, khẳng định vai trò của một trung tâm hội nhập quốc tế và động lực phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng, thì Nghị quyết mới 45-NQ/TƯ ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được kỳ vọng khơi thông “điểm nghẽn,” tạo sức bật mới cho Hải Phòng cất cánh, vươn tầm cao mới. Nghị quyết số 45-NQ/TƯ đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của Vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển; trung tâm du lịch quốc tế; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững”. Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của Hải Phòng trong giai đoạn mới, thể hiện sự quan tâm, định hướng và đánh giá của Trung ương đối với vai trò, tiềm năng, vị thế của Hải Phòng. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 45 là rất quan trọng, có ý nghĩa tầm nhìn chiến lược.
Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hải Phòng đứng trước thuận lợi, cơ hội có được từ xu hướng phục hồi của nền kinh tế thế giới; các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tác động trực tiếp, tạo điều kiện cho thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với các lợi thế so sánh và đà phát triển đã có, thành tựu to lớn, toàn diện đạt được của nhiệm kỳ qua, cùng với sức mạnh nội sinh của tinh thần đoàn kết, truyền thống đổi mới, sáng tạo, Hải Phòng hoàn toàn có thể phát triển bứt phá vươn lên.
Có thể nói, phát huy truyền thống vẻ vang được hội tụ từ hàng ngàn năm của miền đất và con người Hải Phòng; truyền thống Trung dũng - Quyết thắng trong đấu tranh cách mạng và năng động, sáng tạo qua 65 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển thành phố; dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và các lực lượng vũ trang thành phố Hải Phòng đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng và phát triển Thành phố trở thành thành phố gương mẫu của cả nước như lời Bác Hồ đã căn dặn và thực hiện thắng lợi các mục tiêu được Nghị quyết số 45-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) xác định, tiếp tục đóng góp xứng đáng trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và thành phố Hải Phòng trong giai đoạn mới./.