Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng sống mãi trong lòng dân tộc

Cập nhật: 06/05/2024 23:44

ThS. Phạm Thị Dung
GVC Khoa Xây dựng Đảng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng huyền thoại, người anh hùng dân tộc. Với nhân dân Việt Nam và cả nhân loại tiến bộ, Đại tướng trở thành hình mẫu đẹp, một tượng đài, một vị tướng huyền thoại, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

https://tinhuytthue.vn/imgs/Thu_muc_he_thong/_Nam_2021/_Thang_08/dai%20tuong%201.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tên khai sinh là Võ Giáp (bí danh là Văn) sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước. 

Sinh ra, lớn lên từ vùng quê giàu truyền thống yêu nước, trực tiếp chứng kiến cảnh đất nước bị nô lệ, lầm than, ông đã nung nấu trong lòng ý chí sôi sục và quyết tâm đứng lên đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Những năm 1925 - 1926, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông tham gia phong trào học sinh yêu nước ở Trường Quốc học Huế và sớm giác ngộ, tiếp thu tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Năm 1927, Võ Nguyên Giáp gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng. Năm 1929, ông cùng một số đồng chí cải tổ Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, một trong 3 tổ chức đảng hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời gian này, Võ Nguyên Giáp được tiếp xúc với các tài liệu tuyên truyền cách mạng và Chủ nghĩa Mác, trong đó có các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc.

Từ năm 1934 đến năm 1940, Võ Nguyên Giáp dạy môn lịch sử ở Trường Trung học tư thục Thăng Long, viết báo tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên học sinh, đồng thời tiếp tục học Đại học luật và kinh tế.

Năm 1936, ông tham gia sáng lập và viết bài bằng tiếng Việt và tiếng Pháp cho các tờ báo của Đảng: Lao động, Tiếng nói chúng ta, Tiến lên, Thời báo Cờ Giải phóng; tham gia phong trào Đông Dương Đại hội và được bầu làm chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.

Năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng được cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 11 - 1941, trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở cách mạng, tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động cách mạng, tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến, mở đường nối căn cứ địa cách mạng Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi. Tháng 12 - 1944, ông được Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trên các cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, Đạị tướng đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Từ năm 1945 đến năm 1947, đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong Chính phủ liên hiệp lâm thời, Chính phủ Liên hiệp quốc dân. Nổi bật là ngày 30-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh uỷ quyền cho đồng chí làm Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam, sau là Tổng tư lệnh kiêm Tổng Chính ủy, Bí thư Tổng Quân ủy.

Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm cấp tướng cho 11 cán bộ cao cấp của quân đội, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng. Từ tháng 7-1948, ông được tái bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thay Tạ Quang Bửu. Tháng 2-1951, ông được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ 9 năm (1945 - 1954), Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy các chiến dịch lớn: Chiến dịch Việt Bắc (7-10 đến 20-12-1947), Chiến dịch Biên Giới (16-9 đến 14-10-1950), Chiến dịch Trần Hưng Đạo (25-12-1950 đến 17-1-1951), Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (23-3 đến 07-4-1951), Chiến dịch Quang Trung (28-5 đến 20-6-1951), Chiến dịch Hòa Bình (10-12-1951 đến 25-2-1952), Chiến dịch Tây Bắc (14-10 đến 10-12-1952), Chiến dịch Thượng Lào (13-4 đến 03-5-1953), và đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 07-5-1954). Thời kỳ này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã kiến nghị để đưa ra những quyết sách đúng đắn và sáng tạo như: Tổ chức lại bộ đội theo hình thức đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung; thành lập đại đoàn chủ lực đầu tiên; đánh Đông Khê mà không đánh Cao Bằng trong Chiến dịch Biên Giới; mở chiến dịch đánh quân chủ lực cơ động của Pháp hành quân ra Hòa Bình, đồng thời đưa một bộ phận chủ lực ta luồn vào đánh sau lưng địch để phát triển chiến tranh du kích kiềm chế, tiêu hao tiêu diệt địch; mở Chiến dịch Tây Bắc, nơi địch sơ hở và địa hình có lợi để tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, đặc biệt là quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành thắng lợi đưa đến việc ký kết hiệp nghị Geneva. Sự chỉ đạo, chỉ huy của Đại tướng, Tổng Tư lệnh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), khi đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào miền Nam, nhiều nước bạn bè khuyên Việt Nam bỏ ý định đối đầu trực tiếp với Mỹ nhưng đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: Việt Nam sẽ thất bại nếu đánh theo kiểu chính quy của các nước lớn, nhưng người Việt Nam sẽ giành chiến thắng bằng cách đánh kiểu Việt Nam. Những kế hoạch chiến lược và phương án tác chiến của ông đã góp phần đánh bại các chiến lược của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 07-4-1975, đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh cho toàn quân “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đưa cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đất nước hòa bình, thống nhất, trên cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương (đến năm 1978), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Sau khi rời vị trí lãnh đạo, quản lý cho đến những năm đầu của thế kỷ 21, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn theo dõi, cập nhật tình hình thời sự trong nước, thế giới và luôn quan tâm, kịp thời đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước về những vấn đề quan trọng của quốc gia.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị tướng tài ba, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, một Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân từng cầm quân chinh chiến đánh thắng hai đế quốc lớn của thời đại là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng dân tộc giành lại độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục hơn 80 năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc mà ông còn sống vô cùng giản dị, gần gũi; tài đức vẹn toàn, Đại tướng đã trở thành tấm gương sáng, là niềm tự hào, kính mến trong trái tim của người dân Việt Nam. Không chỉ vậy, Đại tướng còn được đánh giá là một trong 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất của mọi thời đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của bạn bè khắp năm châu. Nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà báo, nhà văn, nhân dân thế giới viết về Đại tướng bằng tình cảm ấm áp, niềm xúc động, khâm phục tài năng và đức độ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã an nghỉ giấc ngàn thu giữa lòng đất mẹ Quảng Bình. Nhớ về ông, hàng triệu, hàng triệu trái tim người dân Việt mãi còn thổn thức… Đặc biệt, trong dịp lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sống lại ký ức những năm tháng hào hùng của chiến thắng “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”, của ngày vui đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, cả dân tộc đều kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ về đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, vị tướng của nhân dân, vị tướng mà tên tuổi sẽ mãi được ngợi ca và trường tồn mãi trong lòng dân tộc./.

Các tin đã đăng