Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý học viên ở Trường Chính trị Tô Hiệu

Cập nhật: 04/12/2023 22:01

  ThS. Trần Công Long
 Giảng viên chính, Khoa Xây dựng Đảng

        Quản lý học viên là một trong những hoạt động quan trọng, mang tính thường xuyên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Bởi vì, kết quả học tập của học viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; động cơ, thái độ, phương pháp học tập của học viên, trong đó có vai trò quan trọng của công tác quản lý học viên. Chính vì vậy, việc quản lý, theo dõi quá trình học tập và rèn luyện của học viên có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy vai trò chủ động của người học từ đó nâng cao chất lượng và kết quả học tập.

         Đối tượng đào tạo ở Trường Chính trị Tô Hiệu là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở cấp cơ sở và dự nguồn các chức danh trên. Đây là những người có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, cương vị công tác, sự hiểu biết xã hội và tuổi đời cũng khác nhau. Đa số cán bộ tham gia chương trình học vì muốn nâng cao trình độ nhận thức để làm việc có hiệu quả công việc đảm nhận. Song, cũng có những trường hợp do chưa xác định đúng động cơ học tập, với tâm lý đi học để có bằng cấp, chứng chỉ đảm bảo chuẩn hóa văn bằng chứng chỉ. Mặt khác, do đặc thù công việc tại địa phương mà cán bộ, chuyên viên dù được cử đi học nhưng vẫn phải đảm nhiệm khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi phải giải quyết trong ngày, nên nhiều khi vì công việc phải nghỉ học, hoặc đi học muộn.

       Từ những đặc điểm đặc điểm nêu trên, công tác quản lý học viên có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn; nhất là, việc quản lý thời gian lên lớp nghe giảng, tỷ lệ chuyên cần, phương pháp học tập,... Một số học viên thực hiện chưa nghiêm túc, chưa coi trọng việc học lý luận chính trị để vận dụng vào quá trình công tác tại cơ sở, dẫn tới chất lượng, hiệu quả của việc học còn thấp. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân. Có những học viên thực sự do yêu cầu công tác phải nghỉ học hoặc do có sự trùng lặp giữa các chương trình đào tạo, hiện tượng đó. Do đó, theo quan điểm cá nhân tôi: Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý học viên chưa thật chặt chẽ và thiếu động bộ.

         Từ thực tế ở nhà trường và qua tham khảo kinh nghiệm ở một số trường khác, để tăng cường công tác quản lý học viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, theo tôi cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

         Thứ nhất: Thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế quản lý học viên do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành. Trên cơ sở các quy chế do Học viện ban hành, nhà trường có thể nghiên cứu và ban hành các văn bản cụ thể hóa, hướng dẫn các nội dung quản lý học viên cho phù hợp với điều kiện thực tế của trường. Có thể bổ sung tính điểm chuyên cần, ý thức tham gia bài giảng của các môn học, coi đó là điều kiện xét dự thi của học viên. Thực tế có học viên đi học mà không biết học môn gì? Thầy cô nào giảng dạy, khoa nào phụ trách môn học… thậm chí sách không mang, vở ghi không có.

         Thứ hai: Phải thống nhất về trách nhiệm quản lý học viên cũng như hành động trong công tác quản lý, từ Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa, phòng đến đội ngũ giảng viên, chủ nhiệm lớp. Đòi hỏi phải coi đây là một trong những khâu quan trọng của quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Muốn vậy, dựa trên cơ sở các quy định của Trung ương, luật giáo dục, chương trình đào tạo… Nhà trường cần xây dựng thành những quy định cụ thể, mang tính khả thi. Mặt khác, phát huy vai trò của giảng viên giảng dạy trong phối hợp quản lý học viên. Mặc dù, chủ nhiệm có nhiệm vụ quản lý, điều hành lớp học, nắm tình hình học tập và rèn luyện của học viên, song việc quản lý học viên trong giờ học cần phải có sự tham gia của giảng viên giảng dạy vì giảng viên giảng dạy là người nắm rõ nhất ý thức, thái độ học tập của học viên trong giờ học. Việc thống nhất giữa chủ nhiệm, giảng viên giảng dạy, ban cán sự lớp về sĩ số học viên từng buổi học, nhận xét, đánh giá ý thức học tập của lớp thực hiện vào cuối buổi học và cần phải ghi đầy đủ các nội dung vào sổ theo dõi giảng dạy và học tập.

         Thứ ba: Làm tốt công tác giáo dục tư tưởng nhằm xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng cho người học. Việc này phải được tiến hành ngay từ đơn vị cơ sở khi cử cán bộ đi học và phải được tiến hành thường xuyên trong suốt thời gian học viên học tập tại trường. Làm công tác tư tưởng đối với học viên là trách nhiệm chung của Ban Giám hiệu, các khoa, phòng chức năng, chủ nhiệm lớp, ban cán sự và mỗi học viên phải tự làm tư tưởng cho chính mình. Mặt khác, mỗi học viên tham gia các lớp học cũng phải làm công tác tham mưu cho lãnh đạo quản lý của mình để tạo điều kiện tốt nhất cho mình tham gia khoá học.

          Thứ tư: Nêu cao vai trò trách nhiệm của chủ nhiệm, thực sự là cầu nối giữa học viên với nhà trường. Chất lượng, kết quả học tập của lớp học tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: Nội dung giảng dạy, giảng viên, giáo trình, học viên, cơ sở vật chất... nhưng trong đó không thể không nói đến vai trò của người quản lý trực tiếp lớp học đó là chủ nhiệm lớp và đồng chủ nhiệm lớp đối với lớp mở ở các Trung tâm Chính trị quận, huyện, chủ nhiệm lớp có vai trò quan trọng trong việc quản lý, điều hành quá trình học tập và rèn luyện của học viên. Với đối tượng học viên hiện nay khác nhau về tuổi tác, trình độ, nghề nghiệp... Vì thế, chủ nhiệm lớp cần phải nghiêm túc, thận trọng, tế nhị đối với từng học viên. Để quản lý lớp học có chất lượng, đạt hiệu quả cao thì chủ nhiệm lớp cần làm tốt những việc sau:

         - Lập danh sách chia tổ, lập sơ đồ lớp học và yêu cầu học viên ngồi theo vị trí đã quy định. Tham mưu cho Ban Giám hiệu chỉ định Ban cán sự lâm thời phải chú ý tới những học viên có kinh nghiệm công tác, giữ vị trí quản lý tại cơ quan, đơn vị công tác, có khả năng tổ chức các hoạt động của lớp và quy tụ học viên. Thực tế cho thấy, nếu chủ nhiệm lớp đề cử được ban cán sự làm việc có trách nhiệm thì mọi công việc của lớp khi triển khai sẽ thuận lợi rất nhiều, kể cả thái độ học tập của các học viên cũng rất tốt trong suốt khoá học. Khi khai giảng xong, chủ nhiệm thông báo tới học viên nội quy, quy chế, phổ biến quán triệt nội dung các văn bản, chủ trương các cấp tới tất cả học viên lớp mình phụ trách một cách nhanh chóng, kịp thời nhất.

        - Mặc dù có ban cán sự lớp, nhưng chủ nhiệm phải luôn bám sát lớp học, nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng, kết quả học tập rèn luyện của học viên. Nhắc nhở uốn nắn kịp thời những hành vi vi phạm nội quy, quy chế của học viên lớp mình quản lý. Kết hợp với đồng chủ nhiệm lớp và thông báo tới đơn vị chủ quản học viên nhắc nhở học viên nếu nghỉ học không có lí do.

        - Nắm vững được đặc điểm của từng đối tượng học viên trên các phương diện sau: Động cơ đích thực của người học, những nhu cầu về mặt tri thức, kỹ năng cần thiết trong hoạt động của họ, vốn tri thức, kinh nghiệm thực tiễn đã có của học viên. Sự hiểu biết, vốn tri thức có thể nắm bắt được thông qua: Tuổi tác, trình độ học vấn, ngành nghề đào tạo, trình độ nghề nghiệp tại lý lịch học viên và qua tiếp xúc với học viên trên lớp. Việc nắm bắt được các vấn đề trên sẽ giúp chủ nhiệm có phương pháp quản lý phù hợp với từng đối tượng học viên.

        - Ngoài ra, chủ nhiệm nên dành thời gian chú ý đến những điều kiện sống, điều kiện vật chất, tinh thần của học viên và đặc biệt quan tâm đến những hoàn cảnh đặc biệt của học viên để có sự thông cảm, chia sẻ và động viên.

       Thứ năm: Thực hiện chế độ giao ban hàng tháng giữa Ban Giám hiệu, chủ nhiệm lớp và đại diện Ban cán sự các lớp. Việc tổ chức giao ban hàng tháng không chỉ tạo lập mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa nhà trường và học viên mà qua đó sẽ giúp Ban Giám hiệu nắm bắt trực tiếp tình hình học tập, rèn luyện của học viên các lớp, những phản ánh, kiến nghị, đề xuất của học viên liên quan đến công tác giảng dạy, quản lý và phục vụ của nhà trường từ đó có giải đáp và biện pháp giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, để cuộc họp giao ban có hiệu quả thì chủ nhiệm cần phối hợp tốt với Ban cán sự trong chuẩn bị nội dung báo cáo, cần tổ chức họp lớp để tập hợp các ý kiến học viên của lớp về tình hình học tập, rèn luyện, những phản ánh, kiến nghị, đề xuất với nhà trường. Ban cán sự lớp tổng hợp các nội dung trên để báo cáo tại cuộc họp giao ban.

        Thứ sáu: Nhà trường cần phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị cử cán bộ đi học thống nhất quản lý học viên. Định kỳ 6 tháng, nhà trường gửi phiếu thông báo kết quả học tập và ý thức học trên lớp của học viên về đơn vị. Đề nghị đơn vị xác định việc đi học là một trong những nhiệm vụ chính của cán bộ, lấy kết quả học tập là tiêu chí bình xét thi đua, xét danh hiệu phấn đấu của Đảng viên hàng năm.

      Quản lý học viên được xem là vừa mang tính khoa học, lại vừa mang tính nghệ thuật. Nếu quản lý tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, đánh giá đúng thực chất kết quả học tập. Ngược lại, quản lý không tốt thì kết quả học tập, chất lượng học tập sẽ được đánh giá không chính xác. Bởi chỉ có quản lý chặt chẽ học viên mới giúp học viên tự giác chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế học tập, tự giác học tập, có như vậy thì hoạt động dạy học mới có hiệu quả và chỉ khi công tác quản lý học viên được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định thì hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường mới đảm bảo được chất lượng. Điều này tuy không phải là mới, song nếu được thực hiện thường xuyên và đồng bộ những biện pháp nêu trên chắc chắn sẽ tạo nên những chuyển biến đáng kể trong công tác quản lý học viên. Điều đó sẽ góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo đúng đường lối chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới.

 

    

Các tin đã đăng