Thực hiện phương châm gắn lý luận với thực tiễn, sáng ngày 12/4, Khoa Nhà nước và Pháp luật tổ chức đoàn nghiên cứu thực tế cho các giảng viên trong Khoa tại xã Quốc Tuấn, huyện An Dương với nội dung: “Tìm hiểu về tình hình kinh tế - xã hội, quản lý các hoạt động văn hóa; giáo dục; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; sau sắp xếp lại đơn vị hành chính của xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng”.
TS. Phạm Thị Quỳnh Liên - Trưởng đoàn NCTT phát biểu tại buổi làm việc với Lãnh đạo xã Quốc Tuấn
Đoàn nghiên cứu thực tế do TS Phạm Thị Quỳnh Liên - Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật làm Trưởng đoàn. Cùng dự buổi làm việc với tập thể giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật có đồng chí Nguyễn Văn Phức - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện An Dương; đồng chí Nguyễn Văn Bằng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Quốc Tuấn; đồng chí Nguyễn Văn Bến - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; đồng chí Đinh Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã và toàn thể các đồng chí trong Đảng ủy xã.
Trong nội dung làm việc tại Hội trường, Đoàn nghiên cứu đã được nghe đồng chí đại diện Ủy ban nhân dân xã báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, quản lý các hoạt động văn hóa, giáo dục; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; sau sắp xếp lại đơn vị hành chính của xã Quốc Tuấn. Những kết quả mà Đảng bộ, nhân dân xã Quốc Tuấn đã đạt được trong thời gian qua rất đáng khích lệ, trong đó một số kết quả nổi bật, như:
Về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu: Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhân dân trên địa bàn xã ủng hộ, đồng thuận rất cao, phong trào hiến đất thực hiện giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn mới đã được nhân dân tích cực hưởng ứng. Kết quả sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân trên địa bàn xã đã đồng thuận hiến 30.000m2 đất nông nghiệp và trên 40.000 m2 đất ở và trên 5.000 ngày công lao động; đồng thời chủ động tháo dỡ, di chuyển tài sản, vật kiến trúc, cây cối hoa màu nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng để thực hiện xây dựng các công trình nông thôn mới kiểu mẫu. Qua công tác tuyên truyền, vận động, ý thức của người dân trên địa bàn xã được nâng lên và xác định rõ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là cơ hội để địa phương đổi mới, phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, giàu có và thịnh vượng, tiếp cận với đô thị. Địa phương tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh- sạch-đẹp. Hệ thống chính trị ổn định, tình hình an ninh trật tự được giữ vững; môi trường sống người dân được đảm bảo dân chủ, đoàn kết, văn minh.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận
Về phát triển kinh tế: Kinh tế xã hội của xã Quốc Tuấn trong những năm qua phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 14-15%. Phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng giá trị sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Thu nhập bình quân năm 2023 là 76,02 triệu đồng/người/năm, qua đó góp phần ổn định an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Về văn hóa - xã hội: Không chỉ phát triển về kinh tế, xã Quốc Tuấn còn rất chú trọng giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa. Toàn xã có 4 đình, 4 chùa, 8 miếu; trong đó có 4 công trình tín ngưỡng, 01 cơ sở tôn giáo được xếp hạng di tích lịch sử. Đặc biệt, đình Nhu Thượng còn được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trong 2 năm 2022, 2023, xã đã huy động được nguồn xã hội hóa trên 40 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo. Hàng năm, các lễ hội truyền thống đều được tổ chức trang trọng đã góp phần trọng giữ gìn nét văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc cũng như đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng cho nhân dân trong xã…
Những thành công xã Quốc Tuấn đạt được là nhờ sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị, trong đó yếu tố quyết định chính là có sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng uỷ, quyết tâm chính trị của tập thể lãnh đạo, tầm nhìn của người đứng đầu trong thực hiện xây dựng nông thôn kiểu mẫu và chuyển đổi địa phương từ xã sang phường. Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận trong tham gia, đóng góp tích cực của người dân là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công ấy.
Tại buổi làm việc, các giảng viên của Khoa cũng tích cực trao đổi, thảo luận về những vấn đề có liên quan đã được nêu trong Báo cáo và được chia sẻ những mô hình hay, những cách làm sáng tạo và những kinh nghiệm, bài học từ thực tiễn đã triển khai có hiệu quả tại địa phương. Đây chính là cơ hội tốt để các giảng viên được nghiên cứu, học tập, gắn lý luận với thực tiễn, góp phần nâng chất lượng giảng dạy tại trường.
Chụp hình lưu niệm tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã
Sau phần nghe báo báo cáo tại Hội trường, Đoàn nghiên cứu tham quan thực tế một số công trình nông thôn mới kiểu mẫu. Đoàn đã đến dâng hương tại Đình Nhu Thượng - Khu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia; thăm di tích lịch sử văn hóa Đình - Miếu Một, Miếu Đôi Làng Văn hóa Nhu Kiều.
Đoàn NCTT đến dâng hương tại Đình Nhu Thượng - Khu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia
Chuyến nghiên cứu thực tế của Khoa Nhà nước và Pháp luật tại xã Quốc Tuấn, huyện An Dương đã thành công tốt đẹp. Chương trình nghiên cứu thực tế được tổ chức không chỉ bảo đảm về thời gian, hoàn thành các nội dung theo Kế hoạch mà còn rất thiết thực và hiệu quả. Các đồng chí giảng viên trong Khoa sẽ vận dụng những kiến thức thực tiễn để bổ sung cho bài giảng thêm phong phú, sinh động và tiếp tục xây dựng những nội dung nghiên cứu thực tế mới trong thời gian tới./.
ThS. Phạm Thị Liên
Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật