PHẠM THỊ DUNG
KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, mở ra một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam. Những văn kiện như Tuyên ngôn Độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và Di chúc - đỉnh cao của tư tưởng Hồ Chí Minh là những văn kiện lịch sử đặc biệt cắm những dấu mốc quan trọng trong thời đại Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 (Ảnh sưu tầm)
Văn kiện cắm dấu mốc lịch sử đầu tiên là bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Chính phủ lâm thời trịnh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới rằng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do đã ra đời.
Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu và phổ biến: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập.
… Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do, độc lập ấy”.
Thời điểm này, cách mạng tháng Tám mới thành công, phá tan hai xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp kéo dài hơn 80 năm và của phát xít Nhật, đồng thời còn lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế đè nặng trên cổ nhân dân ta ngót ngàn năm. Đây là một sự kiện lịch sử vô cùng to lớn. Với cách mạng tháng Tám thành công, nước ta từ một nước thuộc địa đã trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa, đưa nhân dân ta từ thân phận người nô lệ thành người tự do, làm chủ nước nhà.
Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định thực tế lịch sử oai hùng đó, đồng thời cũng nhấn mạnh rằng đó là quyền thiêng liêng của dân tộc ta, không có một thế lực đen tối nào có thể tước đoạt. Tuyên ngôn độc lập cũng nêu rõ quyền thiêng liêng đó không phải ngồi yên chờ đợi mà có, mà phải phấn đấu hi sinh, hết thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, người trước ngã xuống, người sau tiến lên, ngọn cờ cứu nước không bao giờ buông lỏng. Và một khi đã giành được quyền hưởng tự do, độc lập rồi thì không thể “tọa hưởng kỳ thành”, ngồi không hưởng thụ, mà phải ra sức tranh đấu để giữ vững quyền thiêng liêng và cao quý đó.
Có thể khẳng định Tuyên ngôn Độc lập là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng thiết tha nhất của nhân dân Việt Nam, là biểu hiện hùng hồn khí phách, bản lĩnh kiên cường, ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi lưu danh sử sách.
Sau khi ra đời, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đứng trước tình thế hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”. “Giặc đói”, “giặc dốt”, đặc biệt là thù trong, giặc ngoài cấu kết với nhau để tấn công chính quyền cách mạng còn non trẻ. Trong vòng 16 tháng (từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946) vượt qua môn vàn khó khăn chồng chất, chính quyền cách mạng dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, ra sức thực hiện nhiệm vụ trước mắt là củng cố chính quyền cách mạng, diệt trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân... Đối với giặc ngoại xâm, Đảng và Bác đã lựa chọn chính sách đối ngoại mềm dẻo, khôn khéo, lợi dụng mâu thuẫn, phân hóa hàng ngũ kẻ thù, đồng thời cứng rắn về nguyên tắc. Kế thừa truyền thống yêu chuộng hòa bình, tránh cho hai dân tộc Việt - Pháp đổ máu vô ích, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) với nhiều nhân nhượng trên các lĩnh vực và tiếp đó là Tạm ước Việt - Pháp 14-9-1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Bộ trưởng Bộ Hải ngoại M. Moutet. Tuy nhiên thực dân Pháp đã vi phạm trắng trợn các điều khoản của Hiệp định Sơ bộ và Tạm ước Việt - Pháp. Trước dã tâm xâm lược đã rõ ràng của thực dân Pháp, nhân dân ta đã cầm vũ khí kháng chiến để bảo vệ độc lập, tự do do Cách mạng tháng Tám (năm 1945) đã mang lại.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
|
Đêm 19-12-1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới đồng bào cả nước đã được truyền đi khắp đất nước:
“Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”.
|
Văn kiện lịch sử Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến một lần nữa lại nhấn mạnh tới hai quyền thiêng liêng và cao quý của Nhân dân là tự do và độc lập; và Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân cả nước đã khẳng định quyết tâm đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, không chịu quay trở lại cuộc đời nô lệ. Đồng thời, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cũng lên tiếng vạch trần âm mưu đen tối của kẻ thù chà đạp trắng trợn lên ý chí hòa bình, tinh thần nhân nhượng của nhân dân ta.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông, đất nước, là mệnh lệnh của cách mạng tiến công, giục giã và soi đường, chỉ lối cho toàn thể dân tộc Việt Nam đứng dậy cứu nước và còn thể hiện sự tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam: Dù phải gian lao kháng chiến, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ (1946 - 1954), gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Nhân dân ta phát huy cao độ truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết đã kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp có đế quốc Mỹ giúp sức đối với ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Chúng ta nghiêm chỉnh thực hiện những điều khoản quy định về định chiến, tập kết chuyển quân và chuyển giao khu vực. Trong khi đó, ở miền Nam, thực dân Pháp sau khi phải rút toàn bộ quân ra khỏi miền Nam đã trút bỏ trách nhiệm thi hành những điều khoản của Hiệp định Giơnevơ cho Mỹ - Diệm – những lực lượng ngoan cố, trắng trợn trong âm mưu phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Đất nước rơi vào tình thế tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta ở hai miền Nam – Bắc đã phát huy cao độ tinh thần cách mạng và đã giành được những thắng lợi to lớn trên mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội,… dồn kẻ thù vào tình thế đi từ thất bại này đến thất bại khác.
Giữa lúc cách mạng đang giành được những thắng lợi to lớn trên cả hai miền Nam – Bắc, một tổn thất lớn đã đến với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần ngày 2-9-1945. Trước lúc đi xa, Người để lại bản Di chúc lịch sử, trong đó một lần nữa lại trịnh trọng khẳng định quyết tâm đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng vì độc lập, tự do: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hi sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn… Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Cũng trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới yêu cầu thực hiện đoàn kết, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng; vấn đề đạo đức cách đối với đảng viên và cán bộ; yêu cầu giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Trung thành với Di chúc của Người, nhân kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc (2/9/1969 – 2/9/1999) và kỷ niệm lần thứ 70 Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2000) một cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực hiện tự phê bình và phê bình đã được quyết định tiến hành. Tại cuộc mít tinh trọng thể kỷ niệm lần thứ 109 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 30 năm thực hiện Di chúc của Người, vào ngày 18/5/1999, tại Hội trường Ba Đình, đồng chí Lê Khả Phiêu - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cùng toàn thể đồng bào tích cực hưởng ứng cuộc vận động, thường xuyên tham gia xây dựng Đảng, giám sát cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước kia cũng như công cuộc đổi mới đất nước hiện nay vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị thực tiễn và tiếp tục phát huy ảnh hưởng to lớn, có tính quyết định tới quá trình phát triển khồng ngừng đi lên của cách mạng Việt Nam.
Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những văn kiện lịch sử cắm mốc cho lịch sử Việt Nam trên bước đường phấn đấu đi lên không ngừng vì chân lý giản đơn mà cao quý, thấm đượm tính nhân văn của thời đại Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”./.