Nâng cao vị trí, vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện đại - nhìn từ góc độ cá nhân người phụ nữ

Cập nhật: 19/10/2017 16:24
Trong lịch sử loài người từ trước đến nay, phụ nữ bao giờ cũng là một bộ phận quan trọng trong đội ngũ đông đảo những người lao động trong xã hội. Bằng lao động sáng tạo của mình, phụ nữ đã góp phần làm giàu cho xã hội, làm phong phú cuộc sống con người. Phụ nữ luôn thể hiện vai trò không thể thiếu của mình trong các lĩnh vực đời sống xã hội, từ hoạt động sản xuất vật chất đến các hoạt động tinh thần. Phụ nữ là lực lượng không chỉ trực tiếp sản xuất ra của cải để nuôi sống con người, tham gia vào quá trình tái sản xuất ra bản thân con người để duy trì và phát triển xã hội mà còn có vai trò sáng tạo nền văn hoá nhân loại. Bên cạnh đó, lịch sử loài người đã ghi nhận không ít cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc có sự góp phần to lớn của phụ nữ. 
Ở khu vực Á Đông, hiếm có dân tộc nào người phụ nữ có vị trí, vai trò quan trọng như ở Việt Nam. Điều này đã được chứng minh qua lịch sử hàng ngàn năm của đất nước. Trong xã hội hiện đại, vị trí, vai trò của người phụ nữ càng được thể hiện rõ nét. Điều này được khẳng định qua việc Đảng ta luôn quan tâm, quán triệt các nội dung liên quan đến phụ nữ trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng qua các thời kỳ (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, X, XI; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết số 11-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;…). Quan điểm, tư tưởng xuyên suốt trong các văn bản này của Đảng ta đó là: coi phụ nữ Việt Nam là một bộ phận quan trọng, lực lượng to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Bởi vậy, phải luôn quan tâm, chăm lo đến phụ nữ, coi đó là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quan trọng. Từ quan điểm của Đảng và các chính sách của Nhà nước, quan niệm về vị trí, vai trò của người phụ nữ cũng được thay đổi trong tư tưởng của xã hội. Trước kia, giá trị của người phụ nữ chỉ được đánh giá thông qua các công việc nội trợ, chăm sóc chồng con, phụng dưỡng bố mẹ, gia đình bên chồng, không được tham gia nhiều vào các hoạt động xã hội, sống theo khuôn mẫu “tam tòng, tứ đức” kiểu nho giáo,…thì ngày nay, vị trí của người phụ nữ đã được xã hội công nhận, ngang bằng với nam giới. Trong thời đại mới, với xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Ngày càng có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động … Trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất vật chất đến tạo ra các giá trị tinh thần, sự có mặt của người phụ nữ là không thể thiếu. Bên cạnh đó, người phụ nữ cũng tự khẳng định các giá trị của bản thân thông qua nhiều hoạt động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Như vậy, có thể khẳng định, trong xu thế phát triển, vị trí, vai trò của người phụ nữ nói chung, người phụ nữ Việt Nam nói riêng sẽ ngày càng được khẳng định và được tạo điều kiện để phát triển hơn nữa.
Có được sự phát triển, thay đổi về vị trí người phụ nữ, đặc biệt trong điều kiện xã hội Việt Nam mang nặng tư tưởng phong kiến trong suốt một thời gian dài, là một bước ngoặt lớn của lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những tàn dư của hệ tư tưởng nói trên, trói buộc sự phát triển của người phụ nữ. Điều này thể hiện qua việc bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại; sự bất công trong phân công lao động xã hội (thể hiện ở việc người phụ nữ vừa phải chăm sóc gia đình, vừa làm các công việc xã hội, không có sự chia sẻ của nam giới); quan niệm về những chuẩn mực của người phụ nữ còn cứng nhắc, vô hình trung làm nặng gánh thêm trách nhiệm của nữ giới,… Khắc phục tình trạng trên, Đảng, Nhà nước và cả xã hội đã và đang chung tay có nhiều biện pháp để thay đổi, tạo điều kiện cho người phụ nữ phát triển. Tuy nhiên, ngoài các yếu tố khách quan, xét ở góc độ chủ quan, khi là cá nhân giới nữ, việc tự khẳng định các giá trị bản thân, ý thức vai trò về giới của mình sẽ là một trong những cách thức có hiệu quả để nâng cao vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Để làm được điều này, người phụ nữ cần thiết phải nỗ lực trên mọi phương diện, cụ thể như sau:
Trước hết, người phụ nữ cần có sức khỏe. Có sức khỏe được hiểu là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật. Đây là một trong những tiêu chí Người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã xây dựng. Đây là yếu tố đầu tiên cần thiết đối với người phụ nữ bởi vấn đề sức khỏe cũng là một trong những rào cản cho sự phát triển của người phụ nữ trong quá trình tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này đòi hỏi người phụ nữ cần tìm hiểu kiến thức cơ bản về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, phòng chống bệnh tật; có ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho bản thân, gia đình và cộng đồng; kết hợp lao động và nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý; động viên chồng, con và người thân cùng chia sẻ công việc gia đình; tích cực luyện tập thể dục thể thao; Bảo vệ môi trường sống, phòng chống dịch bệnh và thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình, định kỳ kiểm tra sức khoẻ.
Thứ hai, người phụ nữ cần trang bị các kiến thức cơ bản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội để trở thành người phụ nữ có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp. Ngày nay, chúng ta đang hướng tới nền kinh tế tri thức. Bởi vậy, người phụ nữ cần thiết phải có những hiểu biết và khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được vào thực tiễn công việc; đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao trong quá trình làm việc, từ đó, tạo ra các sản phẩm chất lượng, phục vụ cuộc sống. Muốn có được tri thức và những kỹ năng nghề nghiệp nhất định, người phụ nữ trong xã hội hiện đại cần tích cực học tập mọi nơi, mọi lúc: từ trường lớp, qua sách báo, bạn bè, đồng nghiệp và từ cuộc sống. Bên cạnh đó, cần thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu công việc đồng thời với việc biết lắng nghe, quan sát, nắm bắt thông tin, tích luỹ kinh nghiệm. Có như vậy, người phụ nữ mới bắt kịp được xu thế phát triển và hội nhập của thời đại, khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong xã hội.
Thứ ba, người phụ nữ cần khẳng định vị trí, vai trò của mình thông qua việc năng động, sáng tạo, có ý thức cầu tiến, độc lập trong cuộc sống. Điều này giúp người phụ nữ ngày càng có cơ hội làm chủ cuộc sống, khắc phục tâm lý xã hội cho rằng nữ giới luôn là người phụ thuộc. Để có được phẩm chất trên, người phụ nữ ngoài việc tích cực học tập, nghiên cứu, nâng cao kiến thức, rèn luyện tay nghề; mạnh dạn áp dụng những kiến thức thu nhận được vào thực tiễn công việc và cuộc sống hàng ngày, khắc phục tính tự ty, bảo thủ còn luôn cần phải có ý thức nghiên cứu, tìm tòi, cải tiến cách thức, phương pháp làm việc để nâng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, người phụ nữ cũng cần trau dồi các kỹ năng sống cho bản thân như tự tin, sáng tạo, biết hoạch định kế hoạch, biết đối mặt với áp lực, biết chăm sóc bản thân,… Ngoài ra, việc tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội là cơ hội để người phụ nữ tích lũy tri thức và kinh nghiệm sống; mở rộng các mối quan hệ giao lưu giao tiếp, tạo thói quen suy nghĩ tích cực, từ đó, nâng cao được vị trí, vai trò của mình trong xã hội. 
Ngoài những yếu tố kể trên, người phụ nữ Việt Nam còn cần trang bị cho mình cách ứng xử, giao tiếp văn minh, lịch sự, phù hợp với phong tục, tập quán đồng thời duy trì lòng nhân hậu, yêu thương con người – vốn đã trở thành một trong những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. 
Như vậy, người phụ nữ Việt Nam hiện đại trong thời kỳ mới nếu được sự hỗ trợ tích cực từ phía khách quan, cùng với những nỗ lực chủ quan sẽ có cơ hội đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội, tạo vị thế cho bản thân, từ đó, khẳng định được vị trí, vai trò của giới nữ, góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững của đất nước, đúng như lời của nhà văn Đức Louise Otto-Peters đã từng nói: “Lịch sử của mọi thời đại đã chỉ ra rằng, phụ nữ sẽ rơi vào lãng quên khi chính họ quên mất bản thân mình.”/.
Nguyễn Huyền

Lịch công tác
Lịch giảng dạy
Lượt truy cập:
Trực tuyến: ...
EMC Đã kết nối EMC