Sáng ngày 19/6, tại Trường Đào tạo Cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội, Cụm thi đua các trường chính trị khu vực Đồng bằng Sông Hồng tổ chức Tọa đàm khoa học “Kinh nghiệm trong triển khai thực hiện bộ quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng ban hành kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại các trường chính trị hiện nay” và Hội nghị Sơ kết phong trào thi đua 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Tham dự Hội nghị, về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có các đồng chí: TS Cầm Thị Lai, Phó Vụ trưởng Vụ các trường chính trị; TS Mai Hoài Anh, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Ths Nguyễn Thị Hòa, Phó Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Học viện, Về phía các trường chính trị trong Cụm thi đua có các đồng chí đại diện lãnh đạo các trường chính trị trong Cụm thi đua cùng các đồng chí là giảng viên, cán bộ phụ trách công tác thi đua của các trường chính trị. Về phía Trường Chính trị Tô Hiêụ - đơn vị Cụm trưởng Cụm thi đua có các đồng chí: TS Nguyễn Kim Pha, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường; Trần Thị Thanh Minh, Phó Hiệu trưởng Trường, đại diện lãnh đạo các khoa, phòng nhà trường.
Chủ trì Tọa đàm khoa học và hội nghị sơ kết: TS Nguyễn Kim Pha, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị Tô Hiệu thành phố Hải Phòng; PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội.
TS Nguyễn Kim Pha, Trường Chính trị Tô Hiệu thành phố Hải Phòng,
Trưởng Cụm thi đua trình bày báo cáo đề dẫn tại Tọa đàm
Tại Tọa đàm, các đại biểu được nghe TS Nguyễn Kim Pha, Hiệu trưởng Trường Chính trị Tô Hiệu thành phố Hải phòng, Trưởng Cụm thi đua trình bày báo cáo đề dẫn. Báo cáo khẳng định: Bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại các trường chính trị hiện nay được ban hành gồm hệ thống các điều khoản được trình bày chặt chẽ, dễ hiểu, dễ áp dụng với tính bao quát cao, tạo ra được bộ khung pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động quản lý đào tạo ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở bộ Quy chế đó, các trường đã chủ động thực hiện và cụ thể hóa một số nội dung bằng các văn bản hướng dẫn cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng trường một cách có hiệu quả.
Trước yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn trong tình hình mới, nhất là cần phải chuẩn hóa về thể chế hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại các trường chính trị và bảo đảm đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế hiện hành, Cụm thi đua các trường chính trị khu vực Đồng bằng Sông Hồng đã thống nhất tổ chức Toạ đàm khoa học với chủ đề: “Kinh nghiệm trong triển khai thực hiện bộ quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng ban hành kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại các trường chính trị hiện nay”. Để nội dung toạ đàm trở thành diễn đàn trao đổi bổ ích, thiết thực và mang tính hệ thống, đồng chí đề nghị các đại biểu phát biểu chia sẻ những thuận lợi, khó khăn vướng mắc đặc biệt là kinh nghiệm của các trường trong quá trình triển khai thực hiện bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng.
Trước khi Tọa đàm diễn ra, Ban tổ chức đã nhận được 10 tham luận của các trường chính trị trong Cụm thi đua. Tại tọa đàm, có 4 ý kiến phát biểu trao đổi trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo trường trong Cụm thi đua. Từ vị trí công tác, với những kinh nghiệm thực tiễn của các đồng chí là người trực tiếp lãnh đạo, quản lý điều hành các hoạt động của nhà trường, các bài tham luận gửi đến ban tổ chức cũng như các ý kiến phát biểu, thảo luận đều tập trung vào làm rõ những nội dung theo chủ đề của Tọa đàm. Như: Công tác tuyển sinh và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; Công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên; Những kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên và học viên; Việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, tổng kết thực tiễn; Hoạt động thao giảng dự giờ của giảng viên; Hoạt động thanh tra đào tạo, bồi dưỡng; Việc áp dụng các quy định về tài chính và một số nội dung khác...
Các đại biểu tham luận tại hội nghị
Phát biểu kết luận Tọa đàm khoa học, PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tại Tọa đàm. Các tham luận, ý kiến đều phân tích, đánh giá thực trạng, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng; đúc kết được những kinh nghiệm quý, những cách làm hay, sáng tạo tại trường mình. Đồng thời đề xuất những giải pháp khá toàn diện với những biện pháp cụ thể trong tổ chức triển khai thực hiện gắn với điều kiện của mỗi trường nhằm thực hiện tốt hơn Bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới. Những thông tin trao đổi, chia sẽ tại Toạ đàm hôm nay sẽ là những thông tin vô cùng bổ ích, góp phần quan trọng giúp các trường thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao; nhất là khi các trường đang trong quá trình xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư.
PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội,
Cụm phó phát biểu kết luận Tọa đàm khoa học
Sau Tọa đàm, Cụm thi đua tổ chức Sơ kết phong trào thi đua 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, Đảng ủy, Lãnh đạo các trường chính trị trong Cụm thi đua đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị cũng như kế hoạch giao ước thi đua của Cụm, kế hoạch xây dựng trường chính trị chuẩn, về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra; công tác thi đua, khen thưởng được quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời; các phong trào thi đua đã được cụ thể hóa, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tế của mỗi trường, có sự phối hợp thực hiện với các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, mang lại hiệu quả cao đối với công tác chuyên môn.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, Hội nghị xác định rõ: Các trường trong Cụm tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên; thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy cấp trên trong việc ban hành chủ trương, chính sách; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức, người lao động; xây dựng trường chính trị xứng tầm với vai trò, vị thế là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng duy nhất của các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, đối với 8 trường chưa đạt chuẩn mức 1, cần tập trung đẩy mạnh việc hoàn thành các tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1 theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 16/5/2021 của Ban Bí thư; 2 trường đã được công nhận chuẩn mức 1 (Hải Phòng, Vĩnh Phúc) cần giữ vững được các tiêu chí chuẩn, phấn đấu trong 6 tháng cuối năm có từ 03 trường chính trị trở lên được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh công nhận đạt chuẩn mức 1, 01 trường hoàn thành hồ sơ trường chính trị chuẩn mức 2 theo Quy định số 11-QĐ/TW.
Ths Trần Thị Thanh Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tô Hiệu giới thiệu mô hình của Trường tại Hội nghị
Tại Hội nghị sơ kết, Trường Chính trị Tô Hiệu đã giới thiệu mô hình: “Đổi mới quản trị nhà trường tại Trường Chính trị Tô Hiệu đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn”. Với việc tích cực đổi mới mô hình quản trị nhà trường trên cơ sở bám sát các tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, Trường Chính trị Tô Hiệu đã có những thay đổi về chất trên tất cả các mặt hoạt động, hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn mức 1 trước 1 năm so với Đề án trường chính trị chuẩn được Ban Thường vụ Thành uỷ phê duyệt; đến tháng 6/2024, Trường đạt 60/64 chỉ tiêu chuẩn mức 2, phấn đấu trở thành trường chính trị đầu tiên của cả nước được công nhận chuẩn mức 2 theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư.
TS Cầm Thị Lai Phó Vụ trưởng Vụ các trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, TS Cầm Thị Lai, Phó Vụ trưởng Vụ các trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao những kết quả hoạt động của Cụm trong thời gian vừa qua, các trường đã chủ động tham mưu và triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Học viện, của địa phương; có nhiều tìm tòi, đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học đặc biệt là các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm với những nội dung thiết thực; tạo nên sự gắn bó, đoàn kết, học hỏi lẫn nhau, đưa phong trào thi đua thực sự trở thành động lực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường chính trị trong Cụm thi đua. TS Cầm Thị Lai cũng đề nghị trong thời gian tới, Cụm thi đua cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn; phát huy khả năng, thế mạnh của từng trường trong Cụm để duy trì tốt hoạt động thi đua của Cụm; tạo không khí đoàn kết, gắn bó giữa các trường trong Cụm, phát huy tinh thần xây dựng học hỏi lẫn nhau, đưa phong trào thi đua giữa các trường trong Cụm thực sự trở thành động lực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; tiếp tục hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường chính trị chuẩn” giai đoạn 2022 - 2025, phong trào thi đua đặc biệt “Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh” (1949 - 2024) của Học viện; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2024.
Các trường chính trị trong Cụm thi đua chụp hình lưu niệm trong Khu di tích Hoàng thành Thăng Long
Trước khi Hội nghị diễn ra, Cụm thi đua đã đến dâng hương tỏ lòng thành kính các bậc tiên đế, tiên hiền có công với đất nước tại Điện Kính Thiên, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Thủ đô Hà Nội.
BBT