ThS.Trần Thị Thanh Minh – Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
Đánh giá kết quả học tập là một khâu quan trọng nhằm xác định mức độ hiểu biết về kiến thức, kỹ năng và khả năng vận dụng của người học sau quá trình tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Qua kiểm tra đánh giá giúp cho việc xác định kết quả theo mục tiêu đã đề ra, từ đó giúp cho việc điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp.
Nhận thức được tầm quan trọng của khâu đánh giá kết quả trong quá trình thực hiện chương trình được phân công, trong những năm qua, Khoa Nhà nước và Pháp luật đã triển khai nghiên cứu đề tài về vấn đề này và áp dụng trong thực tế thực hiện nội dung một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng được phân công gồm chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính và chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, đáp ứng kịp thời yêu cầu đặt ra.
Đa dạng hóa hình thức thi hết phần học ở chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo yêu cầu
Đối với chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, theo Nghị quyết số 32-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý” ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, cùng với việc xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian đào tạo, bồi dưỡng theo hướng mới, việc đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả đào tạo bảo đảm thực chất là yêu cầu bắt buộc. Tiếp đó, ngày 20/11/2015, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 117-KL/TW về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố, cơ quan TW có liên quan và các trường chính trị tỉnh phải thực hiện tốt 5 nội dung nhiệm vụ, trong đó có nội dung “Tăng cường công tác thanh tra, khảo thí, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học viên, hoàn thiện công tác quản lý đào tạo, bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng”.
Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ký Quyết định điều chỉnh chương trình đào tạo TCLLCT-HC và ban hành bộ Quy chế mới về quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Từ năm 2016, theo Quy chế Đánh giá và quản lý kết quả học tập của học viên TCLLCT-HC của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ- HVCTQG, một số yêu cầu, quy trình, hình thức thi... có sự thay đổi. Về hình thức thi, Quy chế quy định rõ: “thi hết phần học có thể được thực hiện dưới các hình thức: tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp”. Quy định này tiếp tục được kế thừa trong Quy chế ban hành theo Quyết định 2252- QĐ/HVCTQG ngày 02/5/2019.
Xác định được việc thay đổi trong quy định của Học viện với nhiều hình thức thi hết phần học nhằm đánh giá toàn diện, chính xác với học viên như đánh giá trực tiếp năng lực thông qua giao tiếp thực tế, năm 2017, Khoa Nhà nước và Pháp luật đã triển khai đề tài nghiên cứu cấp trường về “Đổi mới phương thức đánh giá kết quả học tập phần Những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước, pháp luật và Quản lý hành chính nhà nước trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Trường Chính trị Tô Hiệu”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài, năm 2018, khoa đã triển khai áp dụng kết hợp 2 hình thức thi ở 2 phần học được phân công trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính: thi vấn đáp hết phần học Nhà nước - Pháp và thi tự luận hết phần học Quản lý hành chính nhà nước. Mặc dù do điều kiện khách quan khó bố trí lực lượng giảng viên tập trung một thời điểm để tham gia, việc đánh giá theo hình thức vấn đáp chưa được triển khai ở nhiều lớp, song kết quả bước đầu theo đánh giá từ phía người học và lực lượng giảng viên trực tiếp tham gia cho thấy nhiều phản hồi tích cực. Việc kết hợp các hình thức thi cả tự luận, vấn đáp vừa giúp đánh giá toàn diện kết quả học tập đối với học viên, nâng cao ý thức học tập của học viên và tăng cường trao đổi giữa người dạy và người học. Đây cũng là cơ hội để các giảng viên tham gia đánh giá hệ thống kiến thức phần học, xác định được những điểm cần điều chỉnh trong quá trình thực hiện chương trình.
Hiện nay, theo sắp xếp lại tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các khoa, phòng nhà trường, ngoài 2 phần học Nhà nước -– Pháp luật và Quản lý hành chính nhà nước, khoa được phân công đảm nhiệm thêm phần học Kỹ năng lãnh đạo quản lý … Trong thời gian tới, với lực lượng giảng viên được bổ sung, trên cơ sở thực tế đã triển khai và trao đổi kinh nghiệm ở một số trường chính trị, Khoa sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện bộ câu hỏi tự luận, trắc nghiệm và vấn đáp, thực hiện đa đạng hóa hình thức thi hết phần học ở các chương trình được phân côn, đáp ứng yêu cầu “đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả đào tạo bảo đảm thực chất” theo Nghị quyết số 32-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý”.
Trắc nghiệm trong kiểm tra kết quả học tập phần Kỹ năng ở chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên theo quy định mới
Nhằm nâng cao năng lực cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên được ban hành và thực hiện từ nhiều năm. Năm 2013, theo Quyết định số 51/QĐ-BNV ngày 22/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành chương trình và tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chương trình mới được ban hành thay thế chương trình cũ với kết cấu gồm 16 chuyên đề, chia làm 3 phần: Phần I - Kiến thức chung; Phần II- Kiến thức Quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ và Phần III - Một số kỹ năng cơ bản. Việc đánh giá được thực hiện 02 lần: lần 1 đánh giá kết quả học tập phần- – Kiến thức chung và lần 2 đánh giá kết quả học tập phần II - Kiến thức Quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ. Đối với phần III - Một số kỹ năng cơ bản, không yêu cầu đánh giá, giá dẫn tới thiếu toàn diện, không có căn cứ để đánh giá kết quả học tập của học viên cũng như chất lượng giảng dạy của giảng viên nội dung này. Do hạn chế về việc đánh giá kết quả, cùng với những hạn chế khác về nội dung chương trình (kết cấu bài chưa phù hợp, nội dung trùng lặp, lạc hậu,...) ngày 14/12/2018, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 2640/QĐ- BNV ban hành kèm Chương trình Bồi dưỡng ngạch chuyên viên mới thay cho chương trình năm 2013.
Theo chương trình mới, ngoài điều chỉnh về nội dung và cách tổ chức thực hiện chương trình, cách thức kiểm tra đánh giá học tập cũng có sự thay đổi. Việc đánh giá kết quả học tập được chia làm 2 lần. Lần kiểm tra thứ nhất nhằm đánh giá kết quả học tập phần Phần I - Kiến thức chung và Phần II - Kiến thức Quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ (gồm 09 chuyên đề từ chuyên đề thứ 1 đến chuyên đề thứ 9), với hình thức tự luận. Lần kiểm tra thứ hai được áp dụng đối với các chuyên đề phần III - Các kỹ năng (gồm 07 chuyên đề từ chuyên đề thứ 10 đến chuyên đề thứ 16), với hình thức trắc nghiệm.
Đối với khoa Nhà nước và Pháp luật, là khoa được phân công chủ yếu trong thực hiện nội dung chương trình, để đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình mới, trong đó có yêu cầu về đánh giá kết quả, việc nghiên cứu xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm đánh giá phần học Các Kỹ năng là cần thiết, vừa để đảm bảo kịp thời đáp ứng yêu cầu của chương trình, đồng thời qua đó để giảng viên tham gia thực hiện nội dung chương trình xác định trọng tâm nội dung của mỗi chuyên đề, đáp ứng tốt mục mục đích, yêu cầu của mỗi chuyên đề nói riêng, mục tiêu và yêu cầu của chương trình nói chung. Đây cũng là cơ sở để những bộ phận có liên quan xây dựng đề kiểm tra phù hợp, là cơ sở để lãnh đạo nhà trường quản lý việc thực hiện nội dung chương trình.
Được sự tạo điều kiện của lãnh đạo nhà trường, sự tư vấn của Hội đồng khoa học, khoa đã nhanh chóng triển khai đề tài “Xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm đánh giá phần học Các Kỹ năng trong Chương trình Bồi dưỡng ngạch chuyên viên”. Các giảng viên đã tích cực xây dựng câu hỏi theo chuyên đề mình giảng dạy, cùng thảo luận, chỉnh sửa, tổng hợp đi đến thống nhất. Ngay cuối năm 2019, đề tài đã được nghiệm thu và nhanh chóng đi vào áp dụng trong thực tế với các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên mở cuối năm 2019 của trường.
Mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn tồn tại một số bất cập nhất định về mặt kỹ thuật, nhưng cho thấy đây là cách làm phù hợp, theo đúng quy định mới của Bộ Nội vụ.
Trong thời gian tới, tiếp tục rút kinh nghiệm từ việc triển khai đánh giá bằng hình thức trắc nghiệm, cùng với các bộ phận có liên quan, khoa sẽ hoàn thiện để hạn chế bất cập về mặt kỹ thuật trong khâu chấm của giảng viên. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nội dung bộ câu hỏi, cùng với tiến tới đề xuất lãnh đạo nhà trường cho tổ chức thực hiện tương tự đối với chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính.
Nói tóm lại, quán triệt chủ trương “Tăng cường công tác thanh tra, khảo thí, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học viên, hoàn thiện công tác quản lý đào tạo, bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng” theo Kết luận số 117-KL/TW ngày 20/11/2015 của Ban Bí thư về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thực hiện quy định mới của Bộ Nội vụ về đánh giá kết quả học tập chương trình Bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, trong những năm tới, việc đánh giá kết quả học tập hương trình Đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính, chương trình Bồi dưỡng ngạch chuyên viên nói riêng, đánh giá kết quả học tập các chương trình nói chung ở trường chính trị cần không ngừng đổi mới đồng bộ với việc triển khai nội dung chương trình. Đây cũng là hoạt động thiết thực, góp phần vào việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của trường, tô thắm thêm truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển của Trường Chính trị Tô Hiệu (03/5/1950 - 03/5/2020)./.