Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Chính trị Tô Hiệu

Cập nhật: 22/09/2014 17:43
Phần I
ĐẶT VẤN ĐỀ
I. Sự cần thiết của Đề án
1. Trường Đảng Tô Hiệu (nay là Trường Chính trị Tô Hiệu), được thành lập ngày 03 tháng 5 năm 1950, đến nay đã trải qua 59 năm xây dựng và phát triển. Trong 59 năm, vượt qua rất nhiều khó khăn, Trường đã luôn cố gắng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của thành phố, của các địa phương, đơn vị và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, so với yêu cầu mới, ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nhiều hạn chế, bất cập về tổ chức bộ máy, về đội ngũ cán bộ (nhất là về đội ngũ giảng viên), về nội dung và phương thức hoạt động (giảng dạy và nghiên cứu khoa học...), về cơ sở vật chất và điều kiện hoạt động... của Trường đã bộc lộ ngày càng rõ hơn.
Mặt khác, trong mấy năm gần đây, nội bộ nhà trường nảy sinh tình trạng mất đoàn kết, làm cho hoạt động chung của Trường gặp khó khăn, nhiều mặt trì trệ, thậm chí có sự 'tụt hậu' so với chính mình và với nhiều trường khác trong nước.
Vì thế, để khắc phục những hạn chế, bất cập; để vượt ra khỏi những trì trệ và 'tụt hậu', đưa Trường Chính trị Tô Hiệu phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với lịch sử vẻ vang và với vị trí của mình, vấn đề đổi mới toàn diện, hệ thống, đồng bộ, trên cơ sở đó từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của nhà trường đang là đòi hỏi hết sức cấp thiết.
2. Việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động không chỉ đặt ra đối với Trường Chính trị Tô Hiệu mà còn đặt ra đối với hệ thống các trường chính trị trong cả nước, nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cán bộ công chức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày 03 tháng 9 năm 2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Thông báo Kết luận số 181-TB/TW về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, và Quyết định số 184-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Xuất phát từ hai vấn đề nêu trên, Đề án này được xây dựng, vừa để thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương, vừa nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động hiện nay của Trường, qua đó từng bước nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
II. Tính chất, phạm vi và căn cứ xây dựng Đề án
1. Tính chất của Đề án: Với tư cách là cơ quan của Thành uỷ và Uỷ ban nhân dân thành phố, Trường Chính trị Tô Hiệu xây dựng Đề án để tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Thành uỷ những chủ trương, giải pháp xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của Trường.
2. Phạm vi của Đề án: Làm rõ cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn để xác định mục tiêu, phương hướng, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Chính trị Tô Hiệu trình Ban Thường vụ Thành uỷ xem xét, quyết định.
3. Căn cứ xây dựng Đề án:
3.1. Thông báo số 181-TB/TW, ngày 03/9/2008, của Ban Bí thư Trung ương về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện;
2.2. Quyết định số 184-QĐ/TW, ngày 03/9/2008, của Ban Bí thư Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
3.3. Kế hoạch số 32-KH/HVCT-HCQG, ngày 28 tháng 11 năm 2008, của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện Thông báo kết luận số 181-TB/TW, Quyết định số 184-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương;
3.4. Các văn bản khác của Đảng, Nhà nước có liên quan đến công tác trường chính trị (trừ những quy định trái với Thông báo số 181-TB/TW và Quyết định số 184-QĐ/TW).
Phần II
NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

I. Thực trạng về tổ chức và hoạt động của Trường Chính trị Tô Hiệu
1. Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy
Thực hiện Quyết định số 88-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương, ngày 06 tháng 4 năm 2004, Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng ra Quyết định số 883-QĐ/TU 'Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị Tô Hiệu'. Theo đó:
- Trường Chính trị Tô Hiệu là đơn vị trực thuộc Thành uỷ, có vị trí như một ban thuộc hệ thống các cơ quan tham mưu giúp việc của Thành uỷ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, chính quyền và đoàn thể của thành phố. Trường có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là: đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ công tác chuyên môn cho cán bộ, công chức của Đảng, chính quyền và các đoàn thể của thành phố; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, thị xã; tổ chức nghiên cứu khoa học, thông tin khoa học, tổng kết thực tiễn ở địa phương và thực hiện liên kết với các trường, học viện của Trung ương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
- Tổ chức bộ máy của Trường, ngoài lãnh đạo (Giám đốc và các phó giám đốc), gồm có: 4 khoa ( Lý luận cơ bản; Nhà nước - Pháp luật; Quản lý nhà nước; Xây dựng Đảng); 3 phòng ( Đào tạo; Quản lý khoa học- Thông tin - Tư liệu; Hành chính - Tổ chức) và Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học.
- Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên, biên chế của Trường được giao hàng năm (từ năm 2007 đến nay) là 65 người. Ngoài số biên chế này, Trường còn hợp đồng lao động thêm với 05 người làm công việc bảo vệ, coi xe, phục vụ và một số hợp đồng thuê việc khác.
2. Về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ
Thực hiện Quyết định số 883-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ, trong những năm qua, Trường Chính trị Tô Hiệu đã cơ bản thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Đảng, chính quyền đồng thời liên kết đào tạo nhiều lớp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phục vụ yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của thành phố. Mỗi năm, có khoảng 40 - 60 lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (các loại) được mở tại Trường và các cơ sở do Trường đảm nhiệm giảng dạy. Ngoài ra còn có một số lớp liên kết khác.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường nhìn chung được bảo đảm về chất lượng. Nội dung và phương pháp giảng dạy bước đầu được đổi mới. Công tác quản lý đào tạo có nhiều tiến bộ. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường được khẳng định không chỉ trong thành phố mà cả trong hệ thống các trường chính trị, được Học viện Chính trị đánh giá cao. Hoạt động chung của Trường có bước đổi mới, với những dấu ấn quan trọng, trong đó có việc xuất bản Nội san hàng quý lần đầu tiên từ năm 2008, sau 58 năm thành lập Trường. Công tác cán bộ được củng cố và kiện toàn từng bước, trong đó tăng cường lực lượng trẻ và có trình độ trên đại học (thạc sỹ). Công tác đào tạo, bổ sung giảng viên được quan tâm và có bước phát triển mới về chất lượng, đưa số thạc sỹ của Trường lên đến 15 người (cao nhất từ trước tới nay). Cơ sở vật chất được sử dụng có hiệu quả và được nâng cấp. Từ sau khi kiện toàn bộ máy lãnh đạo mới của Trường, công tác xây dựng đảng, công tác quần chúng được quan tâm và có chất lượng hơn; vấn đề mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ được giải quyết cơ bản, giúp tình hình nhà trường ổn định hơn, có điều kiện để phát triển tốt hơn...
Với đội ngũ cán bộ, tổ chức bộ máy, điều kiện hoạt động và cơ sở vật chất hiện có, tập thể lãnh đạo, giảng viên, viên chức và lao động nhà trường đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố giao, góp phần quan trọng vào việc nâng cao kiến thức và trình độ lãnh đạo, quản lý cho cán bộ của thành phố, trước hết là cán bộ cơ sở.
Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ mới, những hạn chế, bất cập về tổ chức bộ máy, về đội ngũ cán bộ (nhất là lực lượng giảng viên), về nội dung và phương thức hoạt động (giảng dạy và nghiên cứu khoa học...), về cơ sở vật chất và điều kiện hoạt động... của Trường đang bộc lộ ngày càng rõ hơn. Cụ thể:
1- Tổ chức bộ máy của Trường có 04 khoa, 03 phòng và 01 trung tâm, nhưng cơ cấu các khoa không thống nhất với hệ thống các trường chính trị và không theo đúng tinh thần của Quyết định số 88-QĐ/TW, ngày 05 tháng 9 năm 1994, của Ban Bí thư Trung ương (khoá VII) và Hướng dẫn số 07-TC/TW, ngày 28 tháng 7 năm 1995, của Ban Tổ chức Trung ương về việc thực hiện Quyết định số 88-QĐ/TW. Trường không có Khoa Dân vận mặc dù hiện nay, công tác dân vận đang cần được tăng cường. Trong khi đó Khoa Nhà nước - Pháp luật được tách ra thành hai khoa: Nhà nước - Pháp luật và Quản lý nhà nước tuy trên thực tế, hai mảng nội dung này rất gần nhau và cần phải được phối hợp chặt chẽ cả trong thực tiễn lẫn trong công tác giảng dạy.
2- Lực lượng lao động, nhất là cán bộ quản lý và giảng viên, còn nhiều bất cập, mất cân đối. Cụ thể, tỷ lệ giảng viên so với tổng biên chế thấp, chưa đạt được tỷ lệ 2/3 theo quy định của Trung ương và thiếu tính kế thừa. Trong tổng số giảng viên và giảng viên kiêm chức tại trường, chỉ có 06 người thuộc lứa 6x; 10 người thuộc lứa 5x; còn lại thuộc lứa 7x, 8x; kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ giảng viên còn hạn chế; một số cán bộ quản lý khoa, phòng chưa đạt chuẩn (02 trưởng khoa và 02 trưởng phòng không có bằng thạc sỹ; 02 phó trưởng phòng không có bằng đại học); mới có 15 thạc sỹ (04 người là cán bộ quản lý), chưa có tiến sỹ...
Do phải tập trung quá nhiều vào nhiệm vụ giảng dạy với khối lượng quá lớn, nên giảng viên ít có điều kiện để thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy chế như nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, học tập nâng cao trình độ và tham gia các hoạt động chung khác. Để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo được giao, hàng năm, số giờ giảng vượt định mức của Trường lên tới trên dưới 10.000 giờ (tương đương với định mức của 40 - 50 giảng viên), trong đó có giảng viên vượt định mức gần 1000 giờ chuẩn/năm.
3- Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa các khối cán bộ đảng, cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể chưa thống nhất, và về cơ bản, là thụ động, thường phụ thuộc vào kế hoạch được giao qua Ban Tổ chức Thành uỷ và Sở Nội vụ (kể cả kinh phí), hoặc theo yêu cầu của các địa phương và cơ sở. Đối với các lớp trung cấp lý luận chính trị, sau khi được giao kế hoạch (qua Ban Tổ chức Thành uỷ), Trường chủ động hoàn toàn từ khâu chiêu sinh đến khai giảng, tổ chức giảng dạy, quản lý, cấp bằng và kết thúc. Đối với các lớp đào tạo và bồi dưỡng về quản lý nhà nước, Sở Nội vụ hiện đang trực tiếp chiêu sinh.
Mặt khác, mặc dù chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị đã được quy định rõ (trong Quyết định số 88-QĐ/TW và trong Quyết định số 883-QĐ/TU), nhưng trên thực tế, ngoài đào tạo về trung cấp lý luận chính trị, đào tạo và bồi dưỡng về quản lý hành chính nhà nước, các nội dung đào tạo, bồi dưỡng (nhất là bồi dưỡng) cán bộ, công chức khác vẫn do các sở, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể nắm giữ. Thành Đoàn còn có trường riêng.
4- Việc thực hiện kết hợp nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, vừa đào tạo cơ bản, vừa bồi dưỡng chyên ngành, vừa đào tạo tập trung, vừa đào tạo, bồi dưỡng tại chức trong trường và tại địa phương, cơ sở có sự thiên lệch: coi trọng hình thức đào tạo hơn so với hình thức bồi dưỡng (nhất là bồi dưỡng theo chức danh); tập trung mở lớp tại chức vẫn là chủ yếu (số lớp tại chức mở tại địa phương và cơ sở nhiều hơn số lớp mở tại trường), khó mở lớp tập trung tại trường...
Mặc dù việc mở lớp tại chức có thể tạo điều kiện thuận lợi cho học viên vừa học tập vừa công tác, nhưng cũng làm hạn chế rất nhiều đến chất lượng giảng dạy và học tập. Việc mở lớp tại chức ở địa phương và cơ sở còn làm cho công tác quản lý gặp khó khăn hơn, vì thế kết quả đào tạo bị hạn chế nhiều hơn.
5- Nội dung, chương trình đào tạo có nhiều phần chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tế (chương trình một số môn học chưa hợp lý, thậm chí bị trùng lặp; chương trình bồi dưỡng theo các chức danh mới chỉ được triển khai bước đầu, mặc dù đây là một trong những yêu cầu bức xúc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay) ; nội dung giảng dạy chưa bám sát đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống (vẫn còn thiên về lý luận, lý thuyết, chưa chú ý nhiều đến thực hành, đến rèn luyện kỹ năng, nhất là các kỹ năng phân tích và xử lý tình huống thực tế...).
6- Phương pháp giảng dạy chậm được đổi mới; chậm triển khai áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên.
7- Công tác nghiên cứu khoa học còn yếu và chưa đáp ứng được yêu cầu. Do lực lượng giáo viên mỏng, lại phải tập trung quá nhiều cho công việc giảng dạy, nên chưa quan tâm đúng mức đến việc nghiên cứu khoa học. Nhiều năm nay, Trường không có đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố. Các đề tài cấp trường, cấp khoa cũng ít, chất lượng không cao.
8- Kinh phí cho các hoạt động chung, nhất là cho hoạt động nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế bị hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong hạn mức kinh phí được giao quá thấp hiện nay không có mục chi cho nghiên cứu khoa học, mặc dù nghiên cứu khoa học là một trong những chức năng, nhiệm vụ cơ bản của trường chính trị và là nghĩa vụ của cán bộ, giảng viên. Thiếu kinh phí là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những yếu kém trong công tác nghiên cứu khoa học nhiều năm nay của Trường.
9- Cơ sở vật chất phục vụ việc dạy, học và nghiên cứu khoa học thiếu và xuống cấp. Cả trường chỉ có 06 phòng học, trong đó chỉ có 01 phòng học lớn, với sức chứa khoảng trên 100 chỗ ngồi; 05 phòng học còn lại chỉ có khoảng 60 - 80 chỗ. Ngoài ra, cũng thiếu nhiều phòng học, nhiều phòng chức năng; thiếu các trang thiết bị hiện đại phục vụ việc dạy và học theo phương pháp mới; thiếu cơ sở phục vụ cho nhu cầu thư giãn, giải trí của học viên và cán bộ, giảng viên... Thiếu phòng học và các cơ sở vật chất cấn thiết khác là một trong những nguyên nhân cơ bản của việc phải mở nhiều lớp tại chức ở cơ sở hơn so với mở các lớp trong trường như hiện nay.
10- Công tác xây dựng đảng, đoàn thể và công tác quản lý còn hạn chế. Thiếu các quy chế cụ thể, hoặc thực hiện quy chế chưa đúng, chưa nghiêm; giải quyết quan hệ lợi ích giữa các bộ phận, các cá nhân chưa hợp lý... là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến mâu thuẫn, mất đoàn kết nhiều năm qua trong trường. Chính điều này đã kìm hãm sự phát triển của nhà trường, làm cho Trường Chính trị Tô Hiệu bị 'tụt hậu' so với chính mình trước đây và so với nhiều trường chính trị khác.
II. Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Chính trị Tô Hiệu
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu chung
Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Chính trị Tô Hiệu nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý và kỹ năng, nghiệp vụ để tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó ở địa phương, cơ sở.
1.2. Mục tiêu cụ thể
1.2.1. Kiện toàn tổ chức bộ máy của Trường theo đúng tinh thần của Quyết định 184-QĐ/TW, thống nhất với hệ thống các trường chính trị và phù hợp với tình hình, đặc điểm của thành phố;
1.2.2. Trên cơ sở bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí lại lao động, theo hướng tiêu chuẩn hoá các chức danh; phấn đấu, sau 2 - 3 năm, số giảng viên và cán bộ nghiên cứu đạt tỷ lệ trên 2/3 tổng số biên chế, với chất lượng được nâng cao (cả về kiến thức, lý luận, nghiệp vụ, phương pháp) và từng bước được 'thạc sỹ hoá', trong đó có ít nhất 01 tiến sỹ;
1.2.3. Thực hiện tốt chương trình, giáo trình mới do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh ban hành, có sự liên hệ và vận dụng phù hợp với thực tiễn của địa phương; tiếp tục đa dạng hoá các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, với quy mô 40 - 60 lớp / năm, như hiện nay, tiến tới quy mô 60 - 80 lớp (các loại) / năm, trong đó, tăng cường mở các lớp tập trung và tại chức trong trường, tiến tới chủ yếu mở các lớp trong trường;
1.2.4. Trên cơ sở khai thác triệt để và có hiệu quả các cơ sở vật chất hiện có, mở rộng và xây dựng quy hoạch tổng thể Trường theo hướng đồng bộ, hiện đại, xứng tầm là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ duy nhất của thành phố.
2. Phương hướng
Trên cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, xuất phát từ thực tiễn của thành phố, tập trung xây dựng và thực hiện hệ thống các chương trình đào tạo và bồi dưỡng thống nhất; đổi mới căn bản nội dung đào tạo, bồi dưỡng, bám sát mục tiêu, yêu cầu công tác của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở; đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng 'cơ bản, thiết thực, gắn với thực tiễn'; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy thống nhất với hệ thống các trường chính trị, theo tinh thần Quyết định số 184-QĐ/TW và phù hợp với thực tế địa phương; nâng cao chất luợng đội ngũ giảng viên cả về kiến thức lý luận và thực tiễn; sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của Trường Chính trị theo hướng đồng bộ, hoàn chỉnh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của Trường.
3. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
3.1. Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế
Căn cứ Quyết định số 184-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương và Quyết định số 883-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ (những nội dung không trái với Quyết định 184-QĐ/TW), phù hợp với điều kiện cụ thể của Hải Phòng, Trường chính trị Tô Hiệu có vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế cụ thể như sau:
3.1.1. Vị trí, chức năng
- Trường Chính trị Tô Hiệu là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành uỷ và Uỷ ban nhân dân thành phố, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Thành uỷ.
- Trường Chính trị Tô Hiệu có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật, quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác.
3.1.2. Nhiệm vụ
a. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở; trưởng, phó phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và tương đương; trưởng, phó phòng của sở, ban, ngành, đoàn thể cấp thành phố và tương đương; cán bộ dự nguồn của các chức danh trên; cán bộ, công chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; về nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhà nước và một số lĩnh vực khác;
b. Đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương;
c. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở;
d. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đại biểu hội động nhân dân cấp xã;
e. Đào tạo tiền công vụ đối với công chức dự bị; bồi dưỡng chuyên viên và các chức danh tương đương;
g. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành uỷ hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên của trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện;
h. Tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy, học tập và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương, cơ sở;
i. Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngoài các đối tượng đã nêu trên theo chỉ đạo của Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố; các lớp ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu và theo kế hoạch được thành phố giao;
k. Thực hiện một số công việc cụ thể do Ban Thường vụ Thành uỷ, Thường trực Thành uỷ giao.
3.1.3. Tổ chức bộ máy
Theo Quyết định số 184-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương, tổ chức bộ máy của Trường chính trị Tô Hiệu được cơ cấu như sau:
- Lãnh đạo Trường: Giám đốc và các phó giám đốc (hoặc Hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng).
- Cơ cấu tổ chức có 4 khoa và 3 phòng như sau:
+ Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (bao gồm Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh).
+ Khoa Xây dựng Đảng (bao gồm: Xây dựng Đảng, Lịch sử Đảng, Đường lối cách mạng Việt Nam).
+ Khoa Dân vận (bao gồm: Dân vận, Kỹ năng, nghiệp vụ lãnh đạo và quản lý).
+ Khoa Nhà nước và pháp luật (bao gồm Nhà nước - Pháp luật và Quản lý nhà nước).
+ Phòng Đào tạo.
+ Phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu
+ Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị.
Riêng về chức danh lãnh đạo Trường, đề nghị Ban Thường vụ Thành uỷ xem xét, kiện toàn theo một trong hai phương án:
- Phương án 1: Giữ nguyên chức danh giám đốc và phó giám đốc. Trong Quyết định số 88-QĐ/TW, ngày 05 tháng 9 năm 1994, của Ban Bí thư Trung ương quy định chức danh lãnh đạo trường chính trị là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng. Tuy nhiên ở Hải Phòng và nhiều tỉnh khác vẫn sử dụng chức danh giám đốc và phó giám đốc. Cách sử dụng chức danh này vừa cho thấy sự khác nhau giữa trường chính trị với các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, vừa khẳng định sự liên tục trong truyền thống (nối tiếp các thế hệ lãnh đạo) và vừa để thống nhất trong hệ thống văn bằng phát hành trước đây và sau này.
- Phương án 2: Thay đổi chức danh lãnh đạo Trường thành hiệu trưởng và phó hiệu trưởng để phù hợp với Quyết định 88-QĐ/TW, Quyết định 184-QĐ/TW và với nhiều trường chính trị khác trong nước.
3.1.4. Biên chế và lực lượng lao động
Theo Quyết định số 184 - QĐ/TW, biên chế của các trường chính trị nói chung không quá 60 người, trong đó có từ 2/3 trở lên là cán bộ giảng dạy và nghiên cứu (không khác so với Hướng dẫn số 07-TC/TW trước đây).
Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức như định mức giao hiện nay và để thực hiện đúng Luật Lao động (mỗi giảng viên chỉ được giảng vượt giờ không quá 50% số giờ quy định) thì số giảng viên của Trường cần được bổ sung thêm ít nhất 30 người nữa. Như vậy, tổng biên chế của Trường cần phải có từ 85 - 90 người. Ngoài ra, cần phải có thêm khoảng 10 biên chế, hoặc giảng viên hợp đồng dự phòng trong chỉ tiêu, để bảo đảm vừa có đủ lực lượng giảng dạy cần thiết, vừa có điều kiện đưa giảng viên đi đào tạo để nâng cao trình độ, đồng thời thay thế số cán bộ nghỉ hưu. Cố gắng sau 2 - 3 năm, số giảng viên và cán bộ nghiên cứu phải đạt trên 2/3 tổng biên chế theo quy định. Ngoài số biên chế được giao, các hình thức hợp đồng lao động vẫn được thực hiện.
* Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức lại bộ máy của Trường theo tinh thần của Thông báo số 181 - TB/TW và Quyết định số 184 - QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương, có sự vận dụng phù hợp vào điều kiện cụ thể của Hải Phòng, đề nghị Ban Thường vụ Thành uỷ:
- Giao Ban Tổ chức phối hợp với Văn phòng Thành uỷ và Trường Chính trị Tô Hiệu tham mưu cho Ban Thường vụ ban hành quyết định về vị trí,chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của Trường; chủ trì phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định chuyển giao chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể về Trường Chính trị Tô Hiệu và ra quyết định nhập Trường Đoàn (cùng với cơ sở vật chất hiện có) về Trường, để thành lập Khoa Dân vận (mới). Riêng về biên chế của Trường Chính trị, để bảo đảm thực hiện đúng Luật Lao động, hoàn thành nhiệm vụ được giao và chuẩn bị lực lượng có chất lượng cao cho những năm tới, trước mắt, nên giao biên chế 70 người (trong khi chưa có chỉ tiêu mới, cần giữ nguyên số lượng hiện nay - 65 người);
- Trường Chính trị Tô Hiệu, căn cứ quyết định của Ban Thường vụ Thành uỷ, xây dựng kế hoạch thực hiện và xây dựng Quy chế về tổ chức và hoạt động; cơ cấu lại tổ chức bộ máy của Trường theo Quyết định số 184-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương và quyết định (mới) của Thành uỷ.
3.2. Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên và chất lượng giảng dạy
Để triển khai thực hiện Thông báo số 181-TB/TW và Quyết định số 184-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên được xem vừa là khâu có tính đột phá, vừa là khâu có tính chiến lược, lâu dài. Cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
3.2.1. Nâng cao chất lượng tuyển chọn giảng viên; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích giảng viên, nhất là giảng viên trẻ, đi đào tạo cao học, nghiên cứu sinh và tham dự các khoá bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ; chú ý thu hút giảng viên giỏi có học vị thạc sỹ, tiến sỹ, có kinh nghiệm giảng dạy, công tác từ các cơ quan khác về Trường. Cụ thể:
- Xây dựng và thực hiện đúng quy chế thi tuyển giảng viên để có chất lượng đầu vào cao: Chỉ tuyển những thí sinh tốt nghiệp đại học chính quy, đúng chuyên ngành đạt loại khá trở lên, đáp ứng các yêu cầu cần có của giảng viên; ưu tiên tuyển chọn những người có học vị thạc sỹ, tiến sỹ (hoặc đang học cao học, nghiên cứu sinh), những người đã có kinh nghiệm giảng dạy và công tác;
- Xây dựng quy định bắt buộc giảng viên trẻ, sau khi hợp đồng tối đa 5 năm, phải thi đỗ cao học; xây dựng cơ chế khuyến khích giảng viên học cao học và nghiên cứu sinh, cơ chế đãi ngộ đối với thạc sỹ, tiến sỹ;
- Bố trí và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho giảng viên tham dự đầy đủ các khoá tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia tổ chức.
3.2.2. Tăng cường kiến thức thực tiễn cho giảng viên, nhất là số giảng viên trẻ
- Xây dựng kế hoạch đưa giảng viên đi thực tế dài ngày tại cơ sở, trong đó, thời gian áp dụng cho giảng viên trẻ là 01 năm; thời gian áp dụng cho giảng viên chính và giảng viên đã có kinh nghiệm giảng dạy là 1- 3 tháng. Lương và phụ cấp cho giảng viên do nhà trường chi trả. Giảng viên trong thời gian đi thực tế ở cơ sở, do cấp uỷ, chính quyền cơ sở phân công nhiệm vụ và được tham gia các hoạt động như cán bộ của địa phương;
- Mở rộng quan hệ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương, qua đó giúp cho giảng viên có điệu kiện tiếp cận, thu thập thêm thông tin, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt là những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn mới về công tác xây dựng đảng, về quản lý nhà nước, về kinh tế của thành phố.
3.2.3. Xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng, báo cáo viên
- Chủ động xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, báo cáo viên cho từng bộ môn. Mỗi môn học cần bố trí ít nhất 01 báo cáo phụ khoá, qua đó giúp cho học viên (và cả giảng viên) có thêm kiến thức thực tiễn sinh động của địa phương;
- Các ban, ngành, đoàn thể có trách nhiệm bố trí cán bộ đủ năng lực làm giảng viên kiêm chức hoặc báo cáo viên của Trường Chính trị
3.2.4. Đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá kết quả học tập của học viên; động viên, khuyến khích giảng viên phấn đấu giảng dạy tốt đồng thời tăng cường công tác quản lý giảng viên
- Kết hợp các phương pháp truyền thống với các phương pháp mới, hiện đại; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp giảng dạy tích cực nhằm nâng cao tính tích cực, chủ động và sự hào hứng của học viên; cố gắng trong 3 - 5 năm tới, 100% giảng viên phải giảng theo phương pháp mới;
- Đổi mới hình thức thi, kiểm tra theo hướng thiết thực, hiệu quả; kết hợp nhiều hình thức thi; chuyển hẳn việc viết tiểu luận cuối khoá sang thi tốt nghiệp đối với các lớp trung cấp lý luận chính trị và trung cấp lý luận chính trị - hành chính, cũng như các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước;
- Hàng năm (hoặc đột xuất), các khoa phải tổ chức kiểm tra, đánh giá giáo án của giảng viên; tổ chức tốt việc thông qua giáo án, bài giảng của giảng viên trước khi lên lớp, nhất là những bài giảng mới và những giảng viên mới; định kỳ bố trí dự giờ lên lớp của giảng viên để góp ý, rút kinh nghiệm;
- Định kỳ hàng năm, tổ chức thao giảng hai cấp: cấp khoa (tất cả giảng viên đều tham gia) và cấp trường (mỗi khoa chọn cử một số giảng viên tham gia); cử đại diện tham dự thao giảng cấp học viện khi có kế hoạch;
- Bước đầu thí điểm, tiến tới bắt buộc giảng viên phải viết đề cương bài giảng, in đề cương bài giảng và gửi cho học viên nghiên cứu trước khi học bài.
* Để thực hiện nâng cao chất lượng cán bộ, giảng viên và chất lượng giảng dạy , cùng với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể lãnh đạo và các đơn vị, cá nhân trong Trường, đề nghị Ban Thường vụ Thành uỷ: Giao Trường Chính trị Tô Hiệu chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Thành uỷ tham mưu quy chế về chế độ giảng viên đi cơ sở; chế độ sử dụng giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng; cơ chế, chính sách thu hút giảng viên giỏi, giảng viên có trình độ cao về công tác tại Trường; cho giảng viên trẻ đang hợp đồng (trước khi thi tuyển công chức) được học cao học và được hưởng chế độ ưu đãi như cán bộ, công chức của thành phố.
3.3. Về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch; công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng và công tác nghiên cứu khoa học
3.3.1. Chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm theo chức năng, nhiệm vụ được giao với đối tượng cán bộ, công chức được phân cấp
- Hàng năm, Trường chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Thành uỷ, Sở Nội vụ và các ngành, các địa phương khảo sát để nắm chắc nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các loại;
- Vào dịp tháng Chín, tháng Mười, Trường chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Thành uỷ, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các ngành liên quan tổ chức hội nghị bàn và xây dựng kế hoạch thống nhất về đào tạo, bồi dưỡng trong năm tới, sau đó trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt, để triển khai thực hiện.
3.3.2. Tăng cường công tác tổ chức, quản lý đào tạo; thực hiện quy chế hoá các quá trình hoạt động của trường; thực hiện nghiêm các quy chế đào tạo của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, có sự vận dụng phù hợp với điều kiện của địa phương
Những nội dung công tác chính cần triển khai trong thời gian tới gồm:
- Bổ sung, sửa đổi kịp thời các quy chế hiện có cho phù hợp với tình hình mới; thay thế các quy chế đã lạc hậu; xây dựng các quy chế mới cần thiết và các quy định cụ thể cho từng đơn vị, từng lĩnh vực cụ thể;
- Nghiên cứu, triển khai thực hiện nghiêm bộ quy chế của Học viện về quản lý đào tạo, trong đó có sự vận dụng phù hợp với tình hình, đặc điểm của trường và của Hải Phòng.
3.3.3. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, thông tin, tư liệu và nghiên cứu thực tế
- Xây dựng Quy chế hoạt động khoa học và nghiên cứu thực tế; xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế hàng năm; thực hiện việc theo dõi, giám sát, đôn đốc, kiểm tra thực hiện và tổ chức đánh giá kết quả; xây dựng các tiêu chí đánh giá công trình khoa học của tập thể và cá nhân; lấy kết quả nghiên cứu khoa học là một trong những tiêu chí bắt buộc để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ;
- Khuyến khích và yêu cầu giảng viên thực hiện trách nhiệm viết bài, đồng thời mở rộng mạng lưới cộng tác viên tham gia viết bài cho Nội san, bảo đảm đủ bài có chất lượng để duy trì xuất bản hàng quý;
- Nghiên cứu biên soạn và phát hành đề cương các bài giảng phục vụ cho việc ứng dụng phương pháp mới và tạo thuận lợi cho việc học của học viên.
* Để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trên, ngoài sự cố gắng của Trường Chính trị, đề nghị Ban Thường vụ Thành uỷ: Giao Trường Chính trị Tô Hiệu chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, các đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt; giao trách nhiệm cho các địa phương, các ngành, đơn vị có trách nhiệm giúp đỡ, tạo điều kiện cho giảng viên các khoa, các lớp của Trường đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở.
3.4. Về cơ chế phối hợp giữa Trường Chính trị với các trường của Trương ương và với các ban, ngành, địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
3.4.1. Tăng cường sự phối hợp giữa Trường Chính trị Tô Hiệu với Ban Tổ chức Thành uỷ, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở tài chính và các ngành liên quan trong công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đảng, chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở về lý luận chính trị, về quản lý nhà nước, về kỹ năng, nghiệp vụ công tác;
3.4.2. Tăng cường sự phối hợp giữa Trường Chính trị với Ban Tuyên giáo Thành uỷ trong công tác hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên của trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huỵên;
3.4.3. Tăng cường sự phối hợp giữa Trường Chính trị với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong việc cung cấp, trao đổi thông tin; phối hợp trong các hoạt động công tác có liên quan đến việc giảng dạy;
3.4.4. Thực hiện liên kết đào tạo với các học viện, các trường của Trung ương; tích cực tham gia các hoạt động do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức và các hoạt động chung của hệ thống các trường chính trị; từng bước quan hệ với nước ngoài trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
- Thực hiện tốt nhiệm vụ liên kết đào tạo các lớp cao cấp lý luận chính trị, cao cấp lý luận chính trị - hành chính với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia và các lớp về quản lý nhà nước với Học viện Hành chính theo kế hoạch được thành phố giao;
- Triển khai thực hiện liên kết đào tạo, bồi dưỡng với các trường về những lĩnh vực mà Trường có điều kiện, có năng lực và thành phố có nhu cầu;
- Tích cực, chủ động trong việc tham gia các hoạt động tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm về chương trình, về giáo trình, về quy chế quản lý đào tạo, về tổ chức, quản lý và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia, các ban, ngành liên quan tổ chức;
- Chủ động, tích cực tham gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các trường chính trị trong nước, đồng thời từng bước tìm đối tác và thực hiện quan hệ hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực này.
* Để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên, cùng với sự chủ động, tích cực của Trường Chính trị, đề nghị Ban Thường vụ Thành uỷ: Giao trách nhiệm cho Trường Chính trị Tô Hiệu chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Thành uỷ và Sở Nội vụ xây dựng và thực hiện chương trình liên kết với các trường của Trung ương theo kế hoạch được thành phố giao; xây dựng Quy chế phối hợp giữa Trường Chính trị Tô Hiệu với các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trình Ban Thường vụ Thành uỷ phê duyệt.
3.5. Về đổi mới nội dung, chương trình và đa dạng hoá các loại hình đào tạo, bồi dưỡng
3.5.1. Đổi mới, cụ thể hoá chương trình, nội dung giáo trình, bài giảng sát với đối tượng và bám sát thực tiễn công tác ở địa phương
- Trên cơ sở chương trình mới và bộ giáo trình chuẩn của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nghiên cứu cụ thể hoá phù hợp với tình hình thực tế của Hải Phòng; tổ chức tốt việc soạn mới, soạn lại, soạn bổ sung giáo án; bổ sung cập nhật kiến thức, tư liệu, số liệu thực tế cho bài giảng;
- Trong khi chờ Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia ban hành bộ chương trình và giáo trình mới (dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 8/2009), những lớp trung cấp lý luận chính trị đang học và những lớp sẽ mở trước tháng 8/2009 (theo kế hoạch) vẫn phải thực hiện theo chương trình và giáo trình cũ. Sau khi có chương trình mới, nghiên cứu, bổ sung phần hành chính để khi kết thúc cũng được cấp bằng trung cấp lý luận chính trị - hành chính như những lớp mở sau;
- Phần Địa phương học được đánh giá lại và được bổ sung cho hoàn chỉnh. Để đạt hiệu quả cao hơn trong việc giảng dạy phần Địa phương học, có thể tách riêng hoặc lồng vào từng môn học, từng bài cụ thể. Riêng với các lớp mở tại cơ sở, bố trí mời cán bộ của cơ sở tham gia giảng nội dung này.
3.5.2. Đa dạng hoá các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; vừa coi trọng mở các lớp đào tạo, vừa quan tâm mở các lớp bồi dưỡng, nhất là các lớp bồi duỡng theo chức danh, nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý; kết hợp mở các lớp tập trung tại trường với mở các lớp tại chức trong trường, tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện và tại các cơ sở, nhưng phải coi trọng, và trong một tương lai gần, tiến tới chủ yếu mở lớp tập trung và tại chức trong trường
- Tổ chức phối hợp với các viện chuyên ngành của Học viện, các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố triển khai chương trình bồi dưỡng các chức danh; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cán bộ, công chức; phân công những giảng viên đủ năng lực và có kinh nghiệm đảm nhiệm từng phần của chương trình, còn lại, mời giảng viên kiêm chức của Học viện hoặc các đơn vị liên quan; nghiên cứu xây dựng đề cương bài giảng cho phù hợp với tình hình địa phương;
- Căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất của trưòng, sau khi khu nhà D (kéo dài) hoàn thành, sẽ ngừng việc mở lớp tại chức ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, tiến tới, chỉ mở lớp tại chức ở các huyện xa (Cát Hải, Vĩnh Bảo, Tiên lãng, An Lão). Học viên tại chức khu vực nội thành sẽ học trong trường;
- Thực hiện quy định: Chỉ cán bộ đương chức và đúng độ tuổi mới được học tại chức; cán bộ dự nguồn, trong quy hoạch và cán bộ trẻ bắt buộc phải học tập trung. Việc xét duyệt và chiêu sinh phải thực hiện đúng quy định này. Như vậy, mỗi năm, ít nhất sẽ có 4 -5 lớp tập trung;
- Tăng thêm phụ cấp cho học viên và tạo điều kiện thuận lợi cho học viên trong quá trình học tập tại trường, nhất là với các lớp đào tạo tập trung.
* Để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trên, ngoài sự chủ động, tích cực của Trường Chính trị, đề nghị Ban Thường vụ Thành uỷ:Giao Ban Tổ chức Thành uỷ chủ trì, phối hợp với các ban, Sở Nội vụ và Trường Chính trị Tô Hiệu tham mưu cho Ban thường vụ ban hành quy chế (sửa đổi, bổ sung) về chế độ, chính sách học tập của cán bộ; phối hợp với Trường Chính trị xây dựng và thực hiện quy định về chế độ học tập trung và học tại chức trong trường, bảo đảm có đủ số học viên các lớp tập trung và giảm dần các lớp tại chức.
3.6. Về tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và điều kiện hoạt động
3.6.1. Để thực hiện chỉ đạo của Trung ương 'tăng cường mở lớp đào tạo tập trung tại trường' và 'trong một tương lai gần, tiến tới chủ yếu mở lớp tập trung tại trường' để nâng cao chất lượng quản lý, giảng dạy, nghiên cứu và học tập, việc đầu tư cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất của Trường Chính trị cần được tăng cường mạnh mẽ, xứng tầm một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của thành phố, với các nội dung chủ yếu sau:
- Có đủ số phòng học, phòng làm việc, phòng chức năng (thư viện, phòng đọc, phòng phương pháp...) cần thiết, có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu và học tập trong thời kỳ mới;
- Có đủ phòng khách, phòng nghỉ cho giảng viên; phòng ở cho học viên (các lớp tập trung và tại chức trong trường) nội trú và nghỉ trưa tại trường;
- Có các sân chơi, nhà thi đấu, nhà ăn, căng tin, khu vui chơi giải trí... phục vụ cho sinh hoạt của cán bộ, giảng viên, học viên tại trường;
- Bổ sung, lắp đặt các trang bị hiện đại để thực hiện phương pháp mới; cải thiện điều kiện làm việc, học tập cho cán bộ, giảng viên và học viên.
3.6.2. Tăng cường kinh phí hoạt động, nhất là kinh phí khoa học, nghiên cứu thực tế
Thực hiện Thông báo số 181 - TB/TW, Quyết định số 184 - QĐ/TW, cần tăng kinh phí thoả đáng (bằng nhiều nguồn) cho hoạt động nghiên cứu khoa học và cho việc tổ chức nghiên cứu thực tế, để hoạt động này có hiệu quả thực sự, tránh hình thức như hiện nay. Ngoài ra, cần có kinh phí để xuất bản nội san hàng quý; xây dựng và vận hành website, quản lý mạng điều hành nội bộ của Trường.
* Để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trên, đề nghị Ban Thường vụ Thành uỷ: Giao Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cùng các ngành liên quan phối hợp với Trường Chính trị:
- Lập Dự án quy hoạch tổng thể Trường Chính trị Tô Hiệu theo hướng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, xứng tầm một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể của thành phố, trên cơ sở giao lại toàn bộ khu nhà và đất cũ của Trường đã giao cho Trường Đại học tại chức (năm 1993);
- Trên cơ sở phương án quy hoạch tổng thể được duyệt, triển khai các dự án xây dựng cụ thể cải tạo các công trình hiện có, xây dựng mới các công trình phòng học, phòng làm việc, phòng ở của học viên, phòng khách, phòng chức năng, nhà thi đấu đa năng... đáp ứng yêu cầu giảng dạy mới và cho hoạt động chung của Trường. Trước mắt, đề nghị giao đủ vốn xây dựng nhà D (kéo dài) như Dự án (điều chỉnh) đã được Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt (từ năm 2005);
- Cùng với việc hợp nhất Truờng Đoàn và bộ môn Dân vận của Trường Chính trị để thành lập Khoa Dân vận, đề nghị chuyển giao toàn bộ cơ sở vật chất của Trường Đoàn (cũ) về Trường Tô Hiệu và tạm bố trí phòng làm việc, phòng học của khoa Dân vận tại đây;
- Trang bị các phòng học, phòng làm việc, phòng ở của học viên, phòng khách, phòng chức năng đủ tiêu chuẩn hiện đại; nghiên cứu xây dựng thư viện điện tử;
- Bổ sung thêm mục chi cho nghiên cứu khoa học, vận hành trang website, mạng quản lý nội bộ; bổ sung kinh phí ngân sách (với mức chi mỗi năm bằng kinh phí của một đề tài khoa học xã hội - nhân văn cấp thành phố loại trung bình) và huy động thêm kinh phí từ hoạt động đào tạo để phục vụ công tác này.
3.7. Về công tác xây dựng đảng, công tác quần chúng và công tác cán bộ
3.7.1. Tăng cường công tác xây dựng đảng, công tác quần chúng; thực hiện đoàn kết thống nhất từ trong lãnh đạo, trong cấp uỷ đến các đoàn thể, đến các đơn vị và cán bộ, giảng viên, viên chức, lao động trong trường cùng vì sự ổn định và phát triển chung của trường
- Xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể hàng năm và chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Trung ương; duy trì sinh hoạt thường xuyên hàng tháng của Đảng uỷ, các chi bộ, sinh hoạt định kỳ của Công đoàn, Hội Cựu chiến binh và của Chi đoàn;
- Đảng uỷ, lãnh đạo trường phải quan tâm nhiều hơn đến công tác quần chúng; tạo điều kiện thuận lợi (về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất cần thiết) cho hoạt động của các đoàn thể; định kỳ nghe báo cáo, kiểm tra công tác đoàn thể;
- Làm tốt công tác phát triển đảng viên; cố gắng sau nhiều nhất là 3 năm, giảng viên trẻ phải được kết nạp Đảng;
- Tăng cường công tác tư tưởng, phát hiện sớm và giải quyết kịp thời các thắc mắc, mâu thuẫn nhỏ, không để phát triển thành mâu thuẫn lớn đẫn đến làm mất ổn định chung.
3.7.2. Tăng cường công tác tổ chức, cán bộ và nâng cao chất lượng quản lý điều hành
- Bổ sung, hoàn chỉnh Quy định về tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo, quản lý làm cơ sở để quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm cán bộ;
- Thực hiện đúng các quy định của Trung ương và Thành uỷ về đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ; thực hiện trẻ hoá và chuẩn hoá cán bộ; ưu tiên cán bộ có học vị thạc sỹ, tiến sỹ; bố trí thêm số cấp phó khoa, phòng để chuẩn bị thay thế số cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu, hoặc tự nguyện thôi chức vụ quản lý;
- Trên cơ sở Quy chế về tổ chức và hoạt động của trường, bổ sung, hoàn thiện quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của các khoa, phòng, trung tâm; bố trí lại lao động theo nhiệm vụ của từng chức danh cụ thể;
- Cùng với việc tăng cuờng đào tạo giảng viên, thực hiện chế độ luân chuyển cán bộ từ phòng về khoa và ngược lại;
- Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống mạng quản lý nội bộ để nâng cao chất lượng công tác quản lý điều hành.
* Để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trên, cùng với sự quyết tâm, cố gắng cao của nhà trường, đề nghị Ban Thường vụ Thành uỷ: Giao Ban Tổ chức Thành uỷ phối hợp và hướng dẫn quy hoạch cán bộ lãnh đạo Trường Chính trị Tô Hiệu (nhiệm kỳ 2010 - 2015); cho lãnh đạo trường được tham dự rộng rãi các cuộc họp của Thành uỷ như lãnh đạo các ban xây dựng đảng; cho cán bộ lãnh đạo hoặc trong diện quy hoạch lãnh đạo trường được luân chuyển về địa phương để rèn luyện và tích luỹ thêm kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý; cho áp dụng cơ chế: cán bộ trưởng, phó khoa, phòng thôi chức vụ được giữ nguyên phụ cấp lãnh đạo, quản lý để thực hiện trẻ hoá cán bộ.

Phần III
KẾT LUẬN

Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động vừa là yêu cầu thường xuyên, để tồn tại và phát triển, vừa là yêu cầu cấp bách đối với Trường Chính trị Tô Hiệu, để khắc phục những hạn chế, yếu kém và bất cập hiện nay, đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của thành phố trong thời kỳ mới.
Việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Trường trước hết xuất phát từ đòi hỏi tự thân của nhà trường, nhưng đồng thời cũng là để thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác đối với các trường chính trị trong cả nước.
Mặt khác, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Chính trị Tô Hiệu nhằm mục tiêu cuối cùng là đề nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của thành phố. Vì thế, việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Chính trị không chỉ là trách nhiệm riêng của Trường, mà là trách nhiệm chung của cả thành phố. Để việc đổi mới có hiệu quả thiết thực, đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện của Trường, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, năng động, sáng tạo của tập thể cán bộ, viên chức và lao động trong toàn trường, trên cơ sở xem xét Đề án này, kính đề nghị Ban Thường vụ Thành uỷ nhất trí ra Nghị quyết chuyên đề về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Chính trị Tô Hiệu trong thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước./.