Quá trình xây dựng và phát triển Trường Chính trị Tô Hiệu

Cập nhật: 25/04/2022 22:06

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TÔ HIỆU LỚN LÊN CÙNG VỚI SỰ PHÁT TRIỂN
Thạc sỹ Nguyễn Huy Hảo –  Nguyên Hiệu trưởng Trường


Thực hiện quyết định của Hội nghị tuyên huấn toàn quốc của Đảng, tháng 2 năm 1949 về việc mở trường Đảng thường trực ở Trung ương và các khu, tỉnh, Hội nghị Thành uỷ Hải Phòng, ngày 03 tháng 5 năm 1950 đã quyết định mở trường thường trực (trường của Đảng) để huấn luyện cán bộ từ trình độ cơ sở đến sơ cấp. Trường được vinh dự mang tên đồng chí Tô Hiệu người chiến sỹ cộng sản trung kiên, Uỷ viên Thường vụ xứ uỷ Bắc Kỳ, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng những năm 1938, 1939.


Tập thể cán bộ, giảng viên và lao động trường cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố trong Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường (03/5/1950 - 03/5/2010)
 

Thực hiện quyết định của Hội nghị tuyên huấn toàn quốc của Đảng, tháng 2 năm 1949 về việc mở trường Đảng thường trực ở Trung ương và các khu, tỉnh, Hội nghị Thành uỷ Hải Phòng, ngày 03 tháng 5 năm 1950 đã quyết định mở trường thường trực (trường của Đảng) để huấn luyện cán bộ từ trình độ cơ sở đến sơ cấp. Trường được vinh dự mang tên đồng chí Tô Hiệu người chiến sỹ cộng sản trung kiên, Uỷ viên Thường vụ xứ uỷ Bắc Kỳ, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng những năm 1938, 1939.Trải qua gần quá trình xây dựng và trưởng thành, Trường chính trị Tô Hiệu đã không ngừng phát triển cả về tổ chức và hoạt động, cùng với sự phát triển, lớn mạnh của Đảng bộ thành phố, của thành phố Hải Phòng và của đất nước. Trong chặng đường lịch sử đó, Trường Chính trị Tô Hiệu đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, trong đó có cả những thăng trầm, nhưng vẫn lớn mạnh, vững vàng hơn cả về tổ chức bộ máy, về đội ngũ cán bộ và về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Từ căn cứ Đèo Voi (Đông Triều, Quảng Yên), khi mới thành lập (5/1950), đến căn cứ Vĩnh Linh (Sơn Động, Bắc Giang), căn cứ khe Ghè, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, sau ngày giải phóng Hải Phòng, Trường được chuyển về thành phố, tại số nhà 22 24 Phan Bội Châu, rồi chuyển về số 47 49 Lương Khánh Thiện, chuyển tiếp đến số 2 Phạm Ngũ Lão, và từ năm 1962 1965, xây dựng cơ sở chính thức tại ví trí hiện nay. Tuy nhiên, trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Trường đã hai lần phải sơ tán ra ngoại thành, lần đầu, vào tháng 8/1966, tới xã Đồng Minh (Vĩnh Bảo), rồi chuyển đến xã Bát Trang (An Lão), lần sau, vào tháng 4/1972, lại chuyển về xã Bát Trang. Đến nay, Trường Chính trị Tô Hiệu đã có một cơ ngơi khang trang, ổn định tại số 2, phố Nguyễn Bình, quận Ngô Quyền - một công viên xanh giữa lòng thành phố.
Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, tổ chức, bộ máy của Trường cũng thay đổi rất nhiều, và mặc dù có vui, có buồn, song xu thế phát triển đi lên vẫn là dòng chảy chủ đạo không thể khác được.
Từ đội ngũ ban đầu, khi mới thành lập, với hơn chục cán bộ, nhân viên, đến nay, Trường đã có gần 70 cán bộ, viên chức, lao động, trong đó có 39 giảng viên (01 giảng viên cao cấp; 12 thạc sĩ; 06 giảng viên đang học cao học). Tổ chức bộ máy của Trường cũng biến động nhiều.
Từ bộ máy đầu tiên, còn đơn giản, gồm Ban Giám đốc, các bộ phận hướng dẫn, văn phòng và tiếp tế, cấp dưỡng, cơ cấu tổ chức của Trường, qua nhiều lần thay đổi, đã dần dần hoàn chỉnh, như hiện nay, với Ban Giám đốc và 04 khoa (Lý luận cơ bản; Xây dựng Đảng; Nhà nước Pháp luật; Quản lý nhà nước), 03 phòng (Hành chính Tổ chức; Đào tạo; Khoa học Thông tin Tư liệu) và 01 trung tâm (Tin học Ngoại ngữ).
Tên gọi của Trường cũng thay đổi mấy lần, dù vẫn được mang tên liệt sỹ cách mạng Tô Hiệu, nhưng quy mô của Trường, đến nay đã lớn gấp nhiều lần so với lúc ban đầu. Sau Trường Tô Hiệu Hải Phòng (thành lập 03/5/1950), Trường Đảng Kiến An cũng được thành lập (năm 1957). Đến ngày 06/8/1963, sau khi Hải Phòng và Kiến An hợp nhất, lấy tên là thành phố Hải Phòng, Trường Tô Hiệu và Trường Đảng Kiến An cũng được hợp nhất thành Trường Đảng thành phố Hải Phòng, lấy tên là Trường Tô Hiệu. Cuối năm 1969, Trường nghiệp vụ xây dựng đảng của thành phố (thành lập năm 1968) được sáp nhập vào Trường Tô Hiệu. Từ 11/10/1988, Trường được chính thức mang tên Trường Đảng Tô Hiệu. Ngày 01/9/1992, Trường đào tạo cán bộ thành phố mang tên Tô Hiệu được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trường Đảng Tô Hiệu và Trường Hành chính Pháp lý của thành phố. Đến 10/3/1995, thực hiện Quyết định số 88/QĐ-TW, ngày 5/9/1994, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thành lập trường chính trị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trường đào tạo cán bộ thành phố mang tên Tô Hiệu được đổi tên thành Trường Chính trị thành phố Hải Phòng mang tên Tô Hiệu (gọi tắt là Trường Chính trị Tô Hiệu). Trường Chính trị Tô Hiệu là đơn vị sự nghiệp thuộc Thành uỷ và Uỷ ban nhân dân thành phố, có vị trí như một ban, ngành cấp thành phố. Đến năm 2002, theo Quyết định số 462-QĐ/TU, ngày 12/8/2002 và Quyết định số 2057/QĐ-UB, ngày 9/9/2002, của Uỷ ban nhân dân thành phố, Trường Chính trị Tô Hiệu chính thức được chuyển về hệ thống các cơ quan tham mưu giúp việc của Thành uỷ. Trường Chính trị Tô Hiệu đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Thường vụ Thành uỷ như các Ban của Thành uỷ.
Mặc dù có sự thay đổi nhiều về tổ chức bộ máy, về quy mô, về tên gọi, nhưng chức năng cơ bản của Trường vẫn được giữ nguyên: đào tạo và bồi dưỡng (huấn luyện) cán bộ cho thành phố. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ cũng như các hoạt động cụ thể của Trường, qua từng giai đoạn phát triển của đất nước và của thành phố, đã có những sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị chung.
Có thể khái quát về nội dung và phương thức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ của Trường qua các giai đoạn chính sau đây:
Giai đoạn mới thành lập (từ 1950 đến khi giải phóng Hải Phòng): Toàn bộ hoạt động của nhà trường đều nhằm phục vụ thiết thực cho cuộc kháng chiến. Nội dung giáo dục trong các lớp đầu tiên của Trường chủ yếu là những vấn đề cơ bản của đường lối, chính sách kháng chiến của Đảng, các chủ trương và biện pháp công tác của Thành uỷ. Phương thức hoạt động chủ yếu của thời kỳ này là quân sự hoá. Các lớp học được tổ chức thành các tiểu đội, trung đội và đại đội. Cùng với việc giáo dục, học tập về quan điểm, đường lối, nghiệp vụ công tác, học viên cùng cán bộ, nhân viên nhà trường còn tham gia chương trình huấn luyện quân sự với các khoa mục cơ bản, thiết thực. Mọi hoạt động của nhà trường đều được quân sự hoá triệt để. Trong thời gian 5 năm, với đội ngũ chỉ có 9 13 cán bộ, nhân viên, trong điều kiện kháng chiến vô cùng khó khăn, nhưng Trường đã liên tục mở được nhiều lớp bồi dưỡng về đường lối, chính sách, quan điểm, phương pháp công tác; đã đào tạo được 340 cán bộ chủ chốt cho cơ sở; chỉnh huấn, bồi dưỡng hơn 1.000 cán bộ, đảng viên cho phong trào, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng thành phố.
Giai đoạn 1955-1960, với nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức các lớp chỉnh huấn và bồi dưỡng cán bộ cơ sở, phục vụ kịp thời công cuộc khôi phục, cải tạo kinh tế, phát triển văn hoá của thành phố. Sau 3 năm khôi phục kinh tế (1955 1957), với nhiệm vụ chủ yếu là mở các lớp chính huấn cho cán bộ thành phố, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (tổng số 5 lớp; gần 1.500 cán bộ, đảng viên tham gia), Trường đã từng bước nâng cấp và chuyển dần sang phương thức đào tạo mới: tổ chức các lớp bồi dưỡng tập trung ngắn hạn cho cán bộ cơ sở và bắt đầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị có bài bản, bắt đầu từ chương trình sơ cấp. Cũng chỉ trong 3 năm, đã có 20 lớp với hàng nghìn cán bộ cơ sở được bồi dưỡng tập trung ngắn hạn; 4 lớp, với 795 học viên được đào tạo lý luận chính trị (sơ cấp) tại Trường. Đội ngũ cán bộ này sẽ phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng những năm sau.
Giai đoạn 1961-1965, với nhiệm vụ chủ yếu là giáo dục lý luận chính trị cơ sở và sơ cấp cho cán bộ, phục vụ yêu cầu nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của thành phố. Giữa giai đoạn này có sự hợp nhất Trường Tô Hiệu và Trường Đảng Kiến An thành Trường Đảng thành phố Hải Phòng, lấy tên là Trường Tô Hiệu. Hoạt động đào tạo được tiến hành theo hai hệ lớp song song: hệ lớp bồi dưỡng cán bộ cơ sở, với đối tượng là chi uỷ xã, chi uỷ khu phố, xí nghiệp và hệ lớp đào tạo cán bộ sơ cấp. Đối với hệ lớp cán bộ cơ sở, nội dung bồi dưỡng chủ yếu là đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng, chế độ quản lý xí nghiệp, công tác xây dựng đảng và phương pháp lãnh đạo. Với hệ lớp cán bộ sơ cấp, nội dung đào tạo chủ yếu là một số vấn đề thường thức triết học, kinh tế chính trị, xây dựng đảng và một số chính sách lớn của Đảng..., dựa theo chương trình Phân hiệu II, Trường Nguyễn Ái Quốc. Số lớp học các hệ và số lượng học viên hàng năm, so với các giai đoạn trước đây, đã tăng lên rất nhiều, nhất là sau khi có sự hợp nhất Trường Đảng Kiến An và Trường Tô Hiệu. Việc tăng cường liên hệ lý luận với thực tiễn là một nét mới trong hoạt động giảng dạy và học tập của Trường. Bên cạnh đó, xuất phát từ đặc thù của một thành phố công nghiệp, có đội ngũ công nhân đông đảo và ngày càng lớn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ, từ sau tháng 3/1964, hoạt động đào tạo bắt đầu chuyển hướng mạnh từ chương trình bồi dưỡng sang đào tạo dài hạn, trong đó tập trung mở các lớp đào tạo tương đối dài hạn cho những đảng viên trẻ, tốt nhất xuất thân từ công nhânnnn, như tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Thành uỷ, ngày 21/3/1964 đã xác định.
Trong kế hoach 5 năm lần thứ nhất, Trường Tô Hiệu đã mở được 30 lớp, với 3.800 cán bộ sơ cấp và cơ sở; 01 lớp đào tạo dài hạn cho 104 đảng viên trẻ xuất thân từ công nhân.
Giai đoạn 1966 - 1972: Tập trung đào tạo dài hạn cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở và thí điểm mở lớp lý luận chính trị trung cấp. Đây là một thời kỳ rất khó khăn, khi mọi hoạt động của nhà trường chủ yếu diễn ra trong điều kiện sơ tán. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn đáng nhớ, với rất nhiều nội dung hoạt động mới, phong phú, đa dạng, đánh dấu bước phát triển đi lên quan trọng trong hoạt động đào tạo của Trường.
Trong điều kiện mới, để phù hợp với hoạt động phân tán trên nhiều địa bàn sơ tán khác nhau, việc giảng dạy, học tập được tiến hành theo các phân hiệu. Phân hiệu công nghiệp: mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở công nghiệp. Phân hiệu nông nghiệp: mở các lớp cho cán bộ cơ sở xã. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ngay tại những nơi sơ tán, Trường đã tổ chức được 12 lớp bồi dưỡng cán bộ cơ sở, sơ cấp khối nông nghiệp và 12 lớp bồi dưỡng cán bộ cơ sở, sơ cấp khối công nghiệp, với tổng số trên 2.000 học viên. Đặc biệt, chỉ trong hai năm chiến tranh ác liệt 1967 1968, Trường đã mở được 10 lớp, với 624 học viên là cán bộ cơ sở, sơ cấp khối công nghiệp và 8 lớp, với 501 cán bộ xã.
Ngay trong thời kỳ khó khăn này, công việc chuẩn bị chương trình đào tạo cán bộ dài hạn đã được xúc tiến, để đến 20/12/1968, Trường bắt đầu mở lớp đào tạo cán bộ dài hạn đầu tiên về công tác xây dựng đảng, với 81 học viên, thời hạn học 1 năm, tiếp theo, đến 3/1/1969, khai giảng lớp đào tạo cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã, với 97 học viên.
Điểm nổi bật trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường trong giai đoan này là bảo đảm kết hợp nâng cao trình độ lý luận chính trị cơ bản với việc phục vụ nhiệm vụ cụ thể trước mắt, khắc phục khuynh hướng tách rời, đi đến nhấn mạnh, hoặc chỉ giáo dục lý luận chính trị cơ bản, hoặc chỉ tập trung vào những nội dung công tác cụ thể. Chương trình học tập đã được xây dựng có hệ thống, toàn diện, cơ bản, với các môn lý luận, xây dựng đảng, lịch sử Đảng và đường lối. chính sách của Đảng, các môn kinh tế: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, tài chính..., cùng với các báo cáo thực tế của các ngành và địa phương. Ngoài ra còn có các chương trình đi nghiên cứu thực tế cụ thể và các hoạt động phối hợp với các địa phương nơi sơ tán.
Từ năm 1969, Trường đảm nhận mở đồng thời hai loại lớp: lớp bồi dưỡng và lớp đào tạo cán bộ theo chương trình lý luận chính trị sơ cấp. Tuy nhiên, tuỳ tình hình cụ thể mà tổ chức song song, hoặc tập trung vào một loại. Trong 3 năm (1969 1971), đã có 15 lớp bồi dưỡng và 6 lớp đào tạo theo chương trình lý luận chính trị sơ cấp được mở, với tổng số 1.484 học viên. Riêng khối nông nghiếp, đã có 11 lớp, với gần 1.000 học viên.
Nét mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng thời kỳ này là hướng vào bồi dưỡng cán bộ ngành thương nghiệp, tài chính, đáp ứng yêu cầu công cuộc cải tiến quản lý kinh tế, thực hiện các nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội III Đảng bộ thành phố đề ra.
Cũng trong giai đoạn này, nội dung xây dựng đảng đã được đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đặc biệt là từ cuối năm 1969, khi Trường nghiệp vụ xây dựng đảng được sáp nhập vào Trường Tô Hiệu, và sau khi Phân hiệu xây dựng đảng được thành lập (ngày 29/10/1969), thì nội dung này trở thành một phần chủ yếu, không thể thiếu trong chương trình giảng dạy, học tập của nhà trường. Chỉ trong hai năm 1969, 1970, Trường đã mở được 2 lớp đào tạo cán bộ xây dựng đảng, với 169 học viên; 3 lớp bồi dưỡng cán bộ xây dựng đảng cấp xã và bí thư chi bộ, với 239 học viên.
Cũng từ cuối năm 1969, Trường Tô Hiêu được giao thêm nhiệm vụ mới: mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị cho các trường, ngành, địa phương, giảng cho đối tượng cơ sở. Lớp đào tạo giảng viên chính trị đầu tiên đã được khai giảng vào tháng 4/1970, với 81 học viên.
Ngay trong giai đoạn khó khăn này, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, sơ cấp theo chương trình lý luận chính trị sơ cấp, trên cơ sở xác định hướng đi lên của sự gnhiệp giáo dục lý luận chính trị của thành phố, Trường đã chủ động nghiên cứu xây dựng chương trình giảng dạy lý luận chính trị trung cấp. Từ năm 1970, hướng đi đã được xác định rõ: Vừa làm nhiệm vụ bồi dưỡng, vừa đào tạo, vừa có chương trình sơ cấp và trung cấp. Để đáp ứng yêu cầu nhiêm vụ mới, trong tổ chức bộ máy của Trường cũng có sự đổi mới quan trọng: thành lập các khoa (Triết học - đường lối chính sách; Kinh tế công nghiệp; Kinh tế nông nghiệp; Tài chính - thương nghiệp; Xây dựng đảng - Đảng sử) thay cho mô hình tổ chức các phân hiệu trước đây. Với sự giúp đỡ của Ban Tuyên huấn Trung ương và Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tháng 11/1971, lớp sơ - trung cấp đầu tiên đã được khai giảng, nhằm bồi dưỡng lý luận chính trị trung cấp cho cho 103 cán bộ chủ chốt các ban, ngành của thành phố và các huyện, thị. Giảng viên của lớp học là cán bộ của Trường đã được đào tạo tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương từ những năm 1968, 1970 và một số giảng viên các trường Trung ương.
Tháng 6 năm 1972, ngay tại nơi sơ tán (xã Bát Trang, An Lão), lớp đào tạo cán bộ công tác xây dựng đảng theo chương trình lý luận chính trị trung cấp, thời gian đào tạo 18 tháng, đã được khai giảng. Nội dung giảng dạy gồm ba môn lý luận cơ bản (triết học, kinh tế chính trị, CNXHKH), lịch sử Đảng, xây dựng đảng, quản lý kinh tế, đặc biệt là quản lý kinh tế công nghiệp. Trước đó, Thành uỷ còn giao cho Trường nhiệm vụ tổ chức các lớp lý luận chính trị tại chức (đây là hình thức đào tạo mới đối với nhà trường). Và, lớp bồi dưỡng lý luận chính trị trung cấp tại chức khoá I đã được mở, cuối năm 1972, với 240 học viên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cơ sở. Năm 1972 có thể được coi là năm đánh dấu bước trưởng thành của Trường trong việc giáo dục lý luận chính trị, triển khai bước đầu có kết quả chương trình lý luận chính trị trung cấp, làm cơ sở cho việc đảm nhận chính thức nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị trung cấp trong những năm sau này.
Giai đoạn 1973-1975: Tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chương trình lý luận chính trị trung cấp. So với những năm 72 trở về trước, hoạt động đào tạo trong thời kỳ này có nhiều thuận lợi hơn. Ngoài việc được ổn định về cơ sở vật chất và làm việc trong điều kiện hoà bình, công tác huấn luyện cán bộ ở Trường (cũng như các trường đảng tỉnh khác) được sự hướng dẫn và chỉ đạo thống nhất của Ban Tuyên huấn Trung ương. Cùng với chương trình, nội dung được xây dựng tương đối ổn định, ba môn lý luận cơ bản đã có sách giáo khoa. Vì thế, vấn đề trọng tâm là nâng cao chất lượng bài giảng. Và, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Trường là tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, cả về trình độ lý luận và tri thức, kinh nghiệm thực tiễn. Cũng trong thời kỳ này, nhiều cán bộ của Trường đã được đưa đi đào tạo nâng cao (chuyên tu, nghiên cứu sinh), đi học tập kinh nghiệm tổ chức quản lý, giảng dạy môn học, bài học tại Trường Nguyễn Ái Quốc và Trường Tuyên huấn Trung ương. Đây là đội ngũ có vai trò trụ cột trong công tác đào tạo của nhà trường trong nhiều năm tiếp theo.
Đồng thời với việc giáo dục lý luận chính trị trung cấp dưới hình thức tập trung và tại chức, Trường vẫn tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng cán bộ. Bên cạnh nhiệm vụ tập trung đào tạo cán bộ cho thành phố, Trường còn tham gia đào tạo cán bộ tuyên huấn, giảng dạy cho Trung ương và các tỉnh. Tháng 2/1973, Lớp cán bộ giảng dạy trường Đảng huyện cho Trung ương và địa phươngggg lớp đào tạo theo chương trình trung cấp khoá 2, được mở tại đây. Lớp gồm 202 học viên, chủ yếu là bộ đội chuyển ngành do Trung ương chọn, cán bộ các trường đại học, cán bộ tỉnh Quảng Ninh, cán bộ Trường Đảng tỉnh Hà Tĩnh và cán bộ thành phố Hải Phòng.
Giai đoạn 1976-1983: Củng cố mọi mặt, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hệ tập trung. Ba nhiệm vụ lớn của Trường trong giai đoạn này là: 1, Mở các lớp dài hạn theo chương trình trung cấp là chủ yếu để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cốt cán của các cấp, các ngành, cán bộ làm công tác xây dựng đảng và giảng viên của các trường đảng thuộc Đảng bộ thành phố. 2, Mở những lớp ngắn ngày để bồi dưỡng và nâng cao nhận thức về đường lối, quan điểm và các mặt công tác của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng, những chủ trương, công tác mới của Thành uỷ cho cán bộ đương chức làm công tác lãnh đạo, quản lý, kỹ thuật... nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị của Đảng và của thành phố. 3, Tổ chức các hội nghị chuyên đề nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn của thành phố để nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ.
Trong việc triển khai công tác giảng dạy, nhà trường luôn xác định rõ: phải làm tốt cả nhiệm vụ bồi dưỡng và nhiệm vụ đào tạo, thực hiện tốt cả chương trình trung cấp và chương trình sơ cấp, trong đó chương trình trung cấp là chính. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ tại chức của thành phố, ngày 19/7/1976, Phòng Tại chức đã được hình thành, trực thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc. Và, để tiến tới chuẩn hoá việc đào tạo, Hội đồng thi tốt nghiệp chương trình lý luận chính trị trung cấp đã được thành lập, thành phần bao gồm cả lãnh đạo Thành uỷ và các Ban của Thành uỷ.
Từ sau Đại hội VI, nội dung nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong hoạt động đào tạo của Trường. Qua các kỳ Đại hội Đảng, ngoài việc vận dụng, liên hệ vào các bài giảng, đã có rất nhiều các lớp chuyên đề, nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đại hội, của Trung ương được mở tại Trường. Và Trường Chính trị Tô Hiệu đã trở thành địa điểm lý tưởng cho việc tổ chức các lớp thuộc loại hình này.
Giai đoạn 1984-1991: Thống nhất giáo dục lý luận chính trị trung cấp; kết hợp chặt chẽ đào tạo cán bộ theo hai hệ tập trung và tại chức. Trong những năm trước, hình thức đào tạo, bồi dưỡng tại chức đã được triển khai, nhưng chưa thường xuyên (nhiều lớp do Ban Tuyên huấn Thành uỷ tổ chức). Từ năm 1984, Trường được giao thêm nhiệm vụ chính thức: giáo dục lý luận chính trị trung cấp tại chức, và như vậy là đã đảm nhận toàn bộ việc giáo dục lý luận chính trị trung cấp trong toàn thành phố.
Cũng trong giai đoạn này, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành uỷ nghiên cứu mở lớp học tại chức ở thành phố về lý luận Mác Lênin cao cấp cho cán bộ chủ chốtttt, tháng 11/1984, lớp lý luận chính trị cao cấp tại chức khoá 1 của Trường Nguyễn Ái Quốc I được mở tại Hải Phòng, đặt địa điểm tại Trường Tô Hiệu. Trường đảm nhận toàn bộ việc phục vụ và tham gia công tác quản lý lớp. Từ đây mở ra một hướng mới trong hoạt động của Trường: liên kết, phối hợp với các trường của Trung ương trong việc đào tạo cán bộ cho thành phố (chủ yếu về lý luận và về quản lý nhà nước).
Riêng trong lĩnh vực quản lý nhà nước, quá trình đào tạo của Trường phải tính từ năm 1960, khi thành lập Trường huấn luyện hành chính (sau là Trường Hành chính Pháp lý thành phố). Trong hơn ba mươi năm (cho đến khi hợp nhất với Trường Đảng Tô Hiệu), Trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ: huấn luyện hành chính cho uỷ viên hành chính xã; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc bồi dưỡng đại biểu hội đồng nhân dân xã, các ban đại biểu dân phố các khu phố nội thành; liên kết với các ngành tổ chức huấn luyện công tác chuyên môn cho uỷ viên uỷ ban hành chính xã phụ trách chuyên môn và cán bộ hành chính xã; từ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, hành chính văn phòng cho cán bộ xã, tới tổ chức bồi dưỡng đại biểu hội đồng nhân dân xã và vươn lên đảm nhận đào tạo tập trung dài ngày cho cán bộ dự bị, kế cận cho chính quyền cấp xã.
Giai đoạn 1992 đến nay: Sau khi hợp nhất Trường Đảng Tô Hiệu và Trường Hành chính Pháp lý của thành phố, Trường có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, nghiệp vụ công tác chuyên môn cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, thị xã; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phục vụ cho công tác lãnh đạo chỉ đạo của Thành uỷ và UBND thành phố.
Hiện nay, Trường Chính trị Tô Hiệu có đủ khả năng đào tạo, bồi dưỡng hơn mười loại chương trình khác nhau: đào tạo trung cấp chính trị; bồi dưỡng lý luận chính trị; bồi dưỡng các chuyên đề; bồi dưỡng giảng viên các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện; đào tạo trung cấp hành chính; đào tạo tiền công vụ; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; bồi dưỡng chính quyền cơ sở; bồi dưỡng đại biểu HĐND; bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính văn phòng; đào tạo, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ... Mỗi năm, Trường đã đào tạo, bồi dưỡng khoảng 35 - 40 lớp, với trên 4.000 học viên, thuộc các chương trình khác nhau. Ngoài ra, được sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Trường còn cùng với Ban Tổ chức Thành uỷ và Sở Nội vụ phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia (nay là Học viện Chính trị Hành chính quốc gia) Hồ Chí Minh, Phân viện Hà Nội (nay là Học viện Chính trị khu vực I) và Học viện Hành chính quốc gia (nay là Học viện Hành chính) mở 3 lớp cử nhân chính trị, 4 lớp cao cấp lý luận; 2 lớp đại học hành chính ; 2 lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính, với tổng số khoảng gần 1.000 học viên.
Trong suốt trình xây dựng và sự phát triển, Trường đã được bạn bè quốc tế quan tâm, đánh giá cao. Các đoàn đại biểu Trường Đảng Hồ Bắc Trung Quốc, Tổ chức DSE Cộng hoà Liên bang Đức, Đoàn cán bộ, học viên Lào đã đến thăm, trao đổi kinh nghiệm với Trường. Nhiều đoàn cán bộ của Trường cũng đã được cử đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan, Cộng hoà Liên bang Đức... để có điều kiện mở rộng thêm tầm nhìn, tăng cường quan hệ quốc tế vì sự phát triển của sự nghiệp đào tạo cán bộ của thành phố.
Ghi nhận những đóng góp của Trường Chính trị Tô Hiệu trong sự nghiệp đào tạo cán bộ, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã tặng thưởng cho Trường, năm 1990, Huân chương Lao động hạng nhì, và năm 2.000: Huân chương Lao động hạng nhất, năm 2010: Huân chương độc lập hạng ba, bức trướng của Thành uỷ Hải Phòng với nội dung: 'phát huy truyền thống năng động, đổi mới, sáng tạo, phát triển'.
Nhìn nhận lại quá trình hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường có thể nêu khái quát trên những nét chính sau đây:
1. Ngay từ khi mới thành lập và trong suốt quá trình xây dựng và phát triển gần 60 năm qua, toàn bộ mọi hoạt động của Trường luôn bám sát và phục vụ các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm của thành phố trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cụ thể đều được phản ánh, được thể hiện sinh động trong mọi hoạt động của Trường, rõ nhất là trong công tác đào tạo, cả trong nội dung, chương trình và trong phương thức đào tạo.
2. Toàn bộ quá trình đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của Trường luôn gắn chặt với thực tiễn sinh động của công cuộc chiến đấu và xây dựng của thành phố và của đất nước, thực hiện tốt phương châm: tăng cường liên hệ lý luận với thực tiễn.
3. Để phục vụ thiết thực các nhiệm vụ chính trị của thành phố, trong từng thời kỳ, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đa dạng hoá cả về loại hình, quy mô và phương thức, hướng việc đào tạo, bồi dưỡng đến nhiều cấp cán bộ khác nhau, đáp ứng yêu cầu nâng cao kiến thức nhiều mặt cho cán bộ, từ lý luận cơ bản đến chủ trương, đường lối, chính sách cụ thể; từ nghiệp vụ công tác đến kiến thức chuyên môn; từ kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước đến kiến thức quản lý kinh tế (kể cả quản lý kinh tế trong từng lĩnh vực cụ thể: công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, tài chính...).
4. Phương thức hoạt động và tổ chức bộ máy đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được vận hành linh hoạt, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương; từ hoạt động phân tán, với nhiều tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khác nhau, chồng chéo về chức năng, dàn mỏng, thiếu kết phối hợp lực lượng cán bộ giảng dạy và quản lý, từng bước hướng đến tập trung, thống nhất thành một trung tâm mạnh, đảm nhiệm toàn bộ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, nghiệp vụ công tác chuyên môn cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương...
5. Mặc dù có sự mở rộng, đa dạng hoá đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, nhưng ngay từ đầu, khi mới thành lập, và trong suốt quá trình sau này, Trường luôn xác định và thực hiện đúng phương châm: Đào tạo cán bộ địa phương là chính; đào tạo cán bộ cơ sở là chínhhhh. Tuy nhiên, khi cần thiết và theo yêu cầu của Trung ương, Trường có thể tham gia, sẵn sàng tham gia và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Trung ương và cho các địa phương bạn.
6. Từng bước chuyền dần từ đào tạo, bồi dưỡng nhiều cấp, nhiều trình độ (kể cả hệ sơ cấp), nhiều lĩnh vực (gồm cả kiến thức quản lý kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, tài chính...) nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ, đáp ứng yêu cầu cấp thiết, trước mắt của thành phố, tiến tới định hình về lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng chính của Trường là: đào tạo trung cấp lý luận chính trị và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước.
7. Từng bước chuyển dần từ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn là chính; từ bồi dưỡng thực tế là chính; từ truyền khẩu là chính, đến đào tạo dài ngày, có hệ thống, bài bản thống nhất, có đủ tài liệu, giáo trình, sách tham khảo và các phương tiện, thiết bị cần thiết khác đáp ứng đủ các yêu cầu về nâng cao chất lượng dạy và học; kết hợp hài hoà các hình thức đào tạo: tập trung và tại chức, đáp ứng và tạo thuận lợi cho việc tham gia học tập của học viên.
8. Tăng cường liên kết phối hợp với các trường, các học viện, các cơ quan của Trung ương và của thành phố, nhất là với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) và Học viện Hành chính quốc gia (nay là Học viện Hành chính) trong việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, chủ yếu là các hệ đào tạo: cử nhân chính trị, cao cấp lý luận, cử nhân hành chính, chuyên viên chính... và những chương trình, nội dung cần thiết khác, vừa để phục vụ yêu cầu đào tạo cán bộ cho thành phố, vừa để đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và giảng dạy của Trường.
Trong suốt chặng đường đã qua, Trường Chính trị Tô Hiệu đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, và đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của thành phố. Và, mặc dù đã có những lúc gặp khó khăn, thử thách, nhưng sự phát triển đi lên của Trường luôn là xu thế tất yếu và là thực tế lịch sử đã được khẳng định. Lãnh đạo Thành uỷ, UBND thành phố cùng với Đảng bộ thành phố luôn quan tâm, theo dõi sát sao từng bước tiến của Trường. Hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Chính trị Tô Hiệu, tập thể lãnh đạo, các đơn vị, và toàn thể cán bộ, giảng viên, viên chức, lao động toàn trường đoàn kết, nhất trí, vượt mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đảng, chính quyền và đoàn thể của thành phố, xứng đáng với truyền thống lịch sử vẻ vang của Trường./.

Các tin đã đăng