Từ thành tựu công tác xây dựng Đảng qua 35 năm đổi mới - vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng

Cập nhật: 03/02/2022 23:25

                                                                          ThS. Nguyễn Thị Vân

Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

Qua 35 năm, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu đạt được khẳng định sự đúng đắn và sáng tạo trong đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng ta trong hơn ba thập kỷ qua, chứng minh khả năng lãnh đạo và bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng trên cơ sở những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vận dụng trong thời đại mới. Đặc biệt, trong 35 năm đổi mới vừa qua, công tác xây dựng Đảng đã đạt được những thành tựu nhất định, khẳng định vai trò, vị thế, uy tín cầm quyền của Đảng trước nhân dân. Những thành tựu trong công tác xây dựng Đảng được thể hiện trên những nội dung cơ bản sau:

Một là, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được coi trọng, tăng cường.

Trong tiến trình 35 năm đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được coi là vấn đề “then chốt”, bảo đảm cho Đảng giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tổng kết 5 bài học lớn; trong đó, bài học hàng đầu là về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát huy và phát triển sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, vững vàng vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn cách mạng mới.

Hai là, công tác xây dựng Đảng về chính trị được đặc biệt chú trọng.

Đảng ta luôn khẳng định phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc xây dựng Đảng; chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội, đổi mới vô nguyên tắc… Có thể thấy rõ, Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) là bước phát triển mạnh mẽ trong xây dựng Đảng về chính trị, đi đến quyết định đường lối đổi mới. Đường lối đổi mới cũng dựa trên thái độ tự phê bình thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, khắc phục bệnh nóng vội, chủ quan, duy ý chí.

Ba là, công tác xây dựng Đảng về tư tưởng được coi trọng và tăng cường hơn, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Đại hội VI của Đảng đã khẳng đinh: Đảng phải đổi mới về nhiều mặt, từ đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; công tác tư tưởng phải đổi mới toàn diện và đồng bộ về nội dung, hình thức, phương pháp, con người và phương tiện tiến hành. Để công cuộc đổi mới đúng hướng, Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (3-1989) đã xác định rõ những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới. Các nhiệm kỳ tiếp theo, ngoài văn kiện đại hội, Ban Chấp hành Trung ương các khóa đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về công tác tư tưởng: Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới; Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới…

Bốn là, công tác xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ có vai trò quyết định.

Qua 35 năm đổi mới, Đảng ta luôn nghiên cứu, đổi mới nhận thức về công tác tổ chức và cán bộ. Đảng ta luôn khẳng định, để bảo đảm hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, nhiệm vụ xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ có vai trò quyết định. Đảng ta luôn khẳng định tính đồng bộ, toàn diện trong xây dựng Đảng ở mọi cấp, thấy rõ hơn, sâu sắc hơn sự tác động qua lại giữa xây dựng tổ chức đảng ở cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, mối quan hệ giữa xây dựng tổ chức với việc nâng cao chất lượng đảng viên. Đảng đã bổ sung, phát triển các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng trong tình hình mới.

Năm là công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao và ngày càng được chú trọng.

Xây dựng Đảng về đạo đức luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng, cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người dạy: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức càng trở nên bức thiết khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (tháng 1-2012) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (tháng 10-2016) đã thẳng thắn đánh giá. Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016) đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Nhìn lại 35 năm đổi mới, công tác xây dựng Đảng đã được quan tâm và chú trọng, cho thấy tầm vóc, quy mô, tính chất, chiều sâu và ý nghĩa của công tác xây dựng Đảng ngày càng được nâng lên. Đồng thời, cũng minh chứng cho năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm của Đảng ta đối với giai cấp, nhân dân và toàn thể dân tộc trên con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội… Đó cũng là quá trình Đảng ta không ngừng tự rèn luyện, lớn mạnh và trưởng thành, xứng đáng với vai trò của một Đảng cầm quyền bản lĩnh và trí tuệ, với sứ mệnh lãnh đạo toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với những thành tựu đã đạt được qua 35 năm đổi mới, với niềm tự hào về niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng, đoàn kết, vững bước tiến lên trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững đất nước.

Là đảng viên, giảng viên trường chính trị, thiết nghĩ để làm tốt công tác xây dựng Đảng, cá nhân mỗi đảng viên cần phải:

 Một là, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, không hoang mang, dao động, hoài nghi và giảm sút lòng tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Đảng viên trường Chính trị cần phải luôn kiên định với đường lối đổi mới của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hai là, luôn tiên phong, gương mẫu, nghiêm chỉnh thực hiên Quy định của Ban chấp hành trung ương về những điều đảng viên không được làm. Tuân thủ các quy định pháp luật của Nhà nước, giữ nếp sống văn hóa, gần gũi lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Từ đó chủ động tuyên truyền vận động nhân dân tích cực thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ba là, chủ động nghiên cứu, tích cực tham gia việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Mỗi một giảng viên lý luận chính trị phải thực sự là một tấm gương mẫu mực cả trong giảng dạy cũng như trong cuộc sống; có tri thức vững vàng trên cơ sở lập trường, quan điểm, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ động và gương mẫu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật do nhà trường và đơn vị đề ra…